Bé có tính tắt mắt: Cha mẹ chớ vội đánh mắng

Khi phát hiện bé ăn cắp vặt, bố mẹ đừng quá buồn bã hay tức giận mà cư xử nóng vội khiến bé xấu hổ trước bạn bè hoặc bị tổn thương.

Anh trai tôi có con gái mới vào học lớp 1. Con bé tên An, từ xưa đến nay vốn ngoan ngoãn, lanh lợi nhưng dạo gần đây thường xuyên bị bố mẹ đánh mắng.

Thấy lạ tôi hỏi chuyện thì chị dâu buồn rầu kể: “Nó mới đi học lớp 1 mà lắm chuyện quá cô ạ. Học mẫu giáo có thấy làm sao bao giờ đâu mà giờ lắm tội thế không biết, mà bực nhất là cái tội ăn cắp vặt mới tức chứ. Hôm thì cô giáo nhắc, hôm thì bố mẹ bạn khác mách làm chị không biết chui vào đâu cho bớt nhục”.

Điển hình như hôm kia, mẹ một bé học cùng lớp bảo chị về xem giúp nó có cầm nhầm thước kẻ của con chị ấy không vì con chị ấy mất và hình như thấy An có thước kẻ giống thế. Về lục cặp con, chị giật mình vì không chỉ thấy thước kẻ giống chị kia nói mà còn vài thứ khác, chị không hề mua cho con sao nó lại có? Về tra hỏi thì nó bao biện: Bút chì hình đô rê mon con thấy rơi dưới đất nên nhặt cất đi, cục tẩy hình trái tim của bạn Trang con thấy đẹp mà con chưa có nên con lấy, con nhặt được 5.000 ở lớp nên con mua cái gọt bút chì.....



"Tắt mắt" lấy đồ của bạn khác là một tật xấu không hiếm gặp ở trẻ nhỏ

Nghe chị  kể, tôi cũng khá bất ngờ tính tắt mắt mới xuất hiện của của cô cháu gái. Con trai tôi đang học lớp 2 cũng thỉnh thoảng mất đồ mà chẳng biết bạn nào lấy, phải chăng ở lớp cũng có những bạn vô tư lấy đồ của người khác như cô cháu gái mình? Tôi cũng chỉ biết động viên chị dâu về khuyên bảo con dần dần, trẻ con có thể chỉ nghĩ đơn giản nhặt được thì là của mình, thấy đẹp thì lấy chứ chưa hiểu rõ đó là hành vi trộm cắp gì đâu.

Đồng thời tôi cũng thử lên mạng tìm hiểu, hóa ra đây là “bệnh” không hiếm gặp ở trẻ nhỏ và để “điều trị” được nó cũng cần lắm công phu. Cụ thể, các bé có tính ăn cắp vặt có thể do: Suy nghĩ đơn giản, không ý thức được rằng đó là hành động xấu; Bé ghen tị với bạn bè, muốn có những thứ bạn có mà mình không có; Bé bắt chước bạn; Bé lấy những gì bé đã bị mất hoặc còn thiếu....

Vậy nhưng tất cả những lý do trên nảy sinh một phần lớn lại do phụ huynh thiếu quan tâm hoặc chưa dạy bảo con cái đúng cách.


Cha mẹ cần dạy bé cách đàng hoàng để có được thứ mình muốn

Một số kinh nghiệm ứng xử với những bé có tính tắt mắt cha mẹ có thể học tập như:

-  Hướng dẫn bé cách ứng xử trong trường hợp đánh mất hoặc nhặt được đồ ở lớp: Hỏi các bạn xung quanh, nhờ cô giáo thông báo trước lớp... Cha mẹ thường bỏ qua việc con nhặt được đồ đánh rơi, điều đó cũng không nên.

-  Khi phát hiện bé lấy đồ của người khác (kể cả nhặt được), ngay lập tức phải phân tích cho bé hiểu hành động đó là sai trái và hướng dẫn cách trả lại đồ đồng thời nói lời xin lỗi bạn nếu cần.

-  Hỏi chuyện con để tìm hiểu tại sao lại lấy đồ đạc của bạn, lấy để làm gì? Phân tích cho con việc lấy đồ vật của người khác là xấu như thế nào, người khác bị con đánh cắp đồ vật sẽ cảm thấy ra sao?

- Khi đã phân tích mà bé vẫn tái phạm nhiều lần, phụ huynh có thể đưa ra hình phạt để bé hiểu rằng hành động sai thì phải đối mặt với hậu quả. Tuy nhiên, không nên dùng đòn roi, hãy yêu cầu bé làm việc nhà hoặc tước đi quyền lợi gì đó mà bé thích như: không được đi công viên, không được xem tivi.... Trong trường hợp “nặng”, phụ huynh có thể đưa bé đi gặp chuyên gia tâm lý.

Trẻ lớp 1 ý thức cất dọn, bảo vệ đồ đạc chưa cao cũng là một nguyên nhân để bạn khác "nhặt đồ"

- Hằng ngày, phụ huynh cũng nên thường xuyên trò chuyện với con để nắm bắt nhu cầu và tâm lý bé. Nên để ý kiểm tra đồ đạc của con, cùng con soạn đồ trước khi đi học để kịp thời phát hiện con thừa, thiếu đồ vật gì.

- Khi phát hiện bé có tính ăn cắp cũng không nên phản ứng thái quá. Bạn nên bình tĩnh và cẩn thận tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Tiếp đến, bạn nên lắng nghe bé trình bày lại chuyện này.

- Dạy bé cách có được món đồ bé muốn: Chẳng hạn, bé có thể hỏi mượn bạn cùng chơi đồ chơi; ngoan ngoãn để được cha mẹ tặng thưởng…

Rõ ràng, chẳng có bố mẹ nào vui nếu thấy con có tính "tắt mắt", tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là trẻ hư hoặc bố mẹ kém cỏi trong dạy con. Bố mẹ đừng quá buồn bã hay tức giận mà cư xử nóng vội khiến bé xấu hổ trước bạn bè hoặc bị tổn thương. Cả bố mẹ và bé đều cần thời gian và một quá trình cố gắng mới có thể sửa đổi, loại bỏ tật xấu đó.

Tintuconline mời độc giả chia sẻ quan điểm và giải pháp về việc này bằng cách gửi mail về địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

Vân Khánh/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.