Bật mí cách hiệu quả để dạy trẻ bướng bỉnh không dùng đòn roi

Lờ đi những hành vi không mong muốn chính là một trong những biện pháp rèn luyện kỷ luật hữu hiệu nhất trong rất nhiều tình huống.

Bướng bỉnh, mè nheo, ăn vạ... khi không được như ý là những hành vi thường gặp ở rất nhiều trẻ nhỏ mà các bậc cha mẹ đang phải đau đầu đối phó trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều người đã cố công dỗ dành, nịnh nọt, giải thích cho trẻ hiểu vấn đề nhưng cũng không ổn thỏa. Xu hướng rất phổ biến sau đó là phụ huynh sẽ trở nên cáu gắt, bực bội dẫn đến quát mắng và dùng đòn roi với con.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể tạm thời giải quyết được vấn đề vì bé sợ, thậm chí khiến bé lì lợm hơn hoặc gây tổn thương bé. Hiện nay, có một cách hiệu quả hơn “trị” bé bướng bỉnh đang được các bố mẹ truyền tai nhau, đó là tảng lờ bé.

Một chiêu thức hiệu quả để dạy con không đòn roi

Dạy con không đòn roi được coi là phương pháp giáo dục hiện đại đang được đông đảo cộng đồng áp dụng. Tuy nhiên thực tế là có nhiều phụ huynh ủng hộ nhưng vẫn chưa thể thực hiện được khi đối diện cơn bướng bỉnh hay ăn vạ của trẻ.

Chị Mai Lan (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Dùng bạo lực để dạy dỗ con chẳng tốt đẹp gì. Mình hiểu điều đó và không muốn áp dụng nhưng mỗi khi con bé 4 tuổi lên cơn ăn vạ, khóc lóc vì không được như ý mình lại không thể nào giữ được bình tĩnh. Nhiều khi cũng cố giải thích cho con hiểu nhưng chẳng bao giờ được, càng dỗ càng làm quá hơn thế là mình lại phải quát tháo ầm ĩ, cho ăn roi thì mới yên được. Sau này học được các mẹ chiến thuật tảng lờ mình thấy khá hiệu quả. Con bé khóc chán không ai đáp ứng thì cũng nín, và cái lợi lớn nhất là mình không để ý, quan tâm hay mất công dỗ dành mà không được thì mình cũng đỡ ức chế hơn. Đỡ ức chế, đỡ cáu giận là đỡ đánh con”.

mom ignoring toddler tantrum
Phụ huynh rất dễ mất bình tĩnh và trở nên căng thẳng khi con lên cơn bướng bỉnh

Nói về vấn đề này, TS. Tâm lý Claire Halsey, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề làm cha mẹ đưa lời khuyên: Giải pháp đối phó ngay lúc bé nhất quyết không nghe lời mà khăng khăng theo ý mình, thậm chí nằm lăn ra đất khóc lóc là hãy tảng lờ những yêu cầu, đòi hỏi của bé.

Phụ huynh cần giải thích ngắn gọn với thái độ điềm tĩnh cho bé biết tại sao yêu cầu của bé không chấp nhận được, sau đó bỏ đi chỗ khác. Bé có thể sẽ khóc to hơn nhưng rồi sẽ tự nín... Đôi lúc bạn cần “thi gan” với con thế đấy, chính bé sẽ phải là người chủ động chấm dứt “hành vi thái quá” của mình.

Khi nào nên tảng lờ bé?

Theo Nhà tâm lý học Don H. Fontenelle, không diễn viên nào có thể diễn mà không có khán giả và một hành vi xấu của trẻ tồn tại là do phản ứng mà chúng nhận được từ cha mẹ.

Nếu trẻ đòi hỏi bằng cách nào đó mà người lớn đáp ứng thì trẻ hiểu rằng phương pháp đó là đúng và chúng sẽ áp dụng cho những lần sau nữa.

Vì vậy, lờ đi những hành vi không mong muốn chính là một trong những biện pháp rèn luyện kỷ luật hữu hiệu nhất trong rất nhiều tình huống. Ông khuyến khích các bậc phụ huynh nên phớt lờ những hành vi như khóc nhè, kêu ca, cầu xin, nài nỉ, cãi lại, tỏ ra nóng nảy, hỗn xược...


Khi bé ăn vạ, nếu bố mẹ càng quan tâm, bé càng được thể và khóc lóc dữ hơn

Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng nên tảng lờ trước những hành vi của con. Cụ thể, không tảng lờ khi con cố tình không làm những việc thuộc về bổn phận, trách nhiệm căn bản của bản thân hay bất cứ thứ gì phá vỡ các hoạt động của người khác hay những thứ dẫn đến việc làm tổn thương thân thể hoặc hỏng hóc tài sản: không làm bài tập về nhà, đánh ai đó, không dọn phòng, nghe lỏm, nhìn trộm, ăn trộm, ăn uống thô tục, tra tấn con vật, nghiện 1 thứ gì đó có hại... Trong những trường hợp này, phụ huynh phải có biện pháp xử lý kịp thời để bé hiểu vấn đề và sử dụng hình phạt thích đáng với hậu quả gây ra khi cần thiết.

Tảng lờ kiểu "nửa vời" càng khiến con thêm bướng

Tảng lờ là một trong những việc cần làm để dạy dỗ trẻ và đấy là một phần trong nguyên tắc không tập trung đến những điểm chưa tích cực mà tập trung nhiều đến những điều tích cực của trẻ. Thế nhưng, một số cha mẹ khi áp dụng chưa triệt để dẫn đến hiệu quả không như mong muốn. Tâm lý sốt ruột khi con khóc lóc lâu, thiếu kiềm chế vì sự mè nheo, bướng bỉnh khiến nhiều bậc phụ huynh tảng lờ con nhưng lại đầu hàng giữa chừng.

Trong khi đó, bản chất hành vi ăn vạ của trẻ là tìm sự chú ý từ cha mẹ và mong cha mẹ thỏa mãn yêu cầu. Khi cha mẹ thỏa mãn yêu cầu thì hành vi ăn vạ được củng cố và ngày càng tăng thêm.


Hầu hết mọi đứa trẻ đều nín khi không có ai ở nhà, bé sẽ tự nguôi cơn giận dữ vì màn kịch không có khán giả hưởng ứng nữa

Nếu đã quyết định phớt lờ con thì phải dứt khoát và kiên định. Phớt lờ hoàn toàn giống như cha mẹ thực sự ra khỏi phòng, thậm chí là ra khỏi nhà và không có bất kỳ người nào như ông bà, giúp việc chú ý vào hành vi ăn vạ.

Trong trường hợp bạn không đi ra ngoài thì hãy tỏ ra không quan tâm đến, không nhìn, không nói chuyện, tảng lờ mọi hành động của trẻ cho đến khi hành vi xấu đó chấm dứt. Tiếp tục công việc của bạn một cách bình thường, giả bộ như cô/cậu bé không có ở đó, nói chuyện với bạn của bạn, bật to đài hoặc ti vi.....

Nếu bé vẫn cố tình "bài ăn vạ" của mình trong một khoảng thời gian dài, bạn hãy lại gần bé nghiêm khắc nói ra hình phạt và rời khỏi phòng, thậm chí ra khỏi nhà, rời hẳn tầm mắt của con. Chẳng hạn: Mẹ đi có việc, lát mẹ về, nếu con chưa nín, con sẽ không được dùng máy tính một tuần...

Hầu hết mọi đứa trẻ đều nín khi không có ai ở nhà, bé sẽ tự nguôi cơn giận dữ vì màn kịch không có khán giả hưởng ứng. Tuy nhiên, sau khi trẻ chấm dứt hành vi xấu của mình, bố mẹ hãy nhẹ nhàng phân tích đúng sai, giải thích phải trái để con hiểu và không tái phạm. Bạn cũng cần an ủi vỗ về để trẻ yên lòng rằng bố mẹ luôn yêu con, nhưng nếu con "vô lý" thì sẽ không ai quan tâm đến con nữa... đúng như những gì bé vừa phải trải qua.

Bạn đánh giá thế nào về hiệu quả của việc tảng lờ bé mỗi khi bé lên cơn bướng bỉnh, ăn vạ...  Hãy chia sẻ giải pháp và những câu chuyện thực tế của bạn trong giáo dục con cái bằng cách gửi mail tới địa chỉ Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

V.K/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.