Phương pháp dạy trẻ đồng cảm và yêu thương có thể bạn chưa biết

Trò chơi đóng vai có rất nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển và trưởng thành của bé.

Đóng vai là một dạng trò chơi vô cùng quen thuộc với trẻ nhỏ mà mọi thế hệ người Việt Nam đã từng trải qua. Tuy nhiên, vai trò, lợi ích của trò chơi này quan trọng đến đâu thì có thể không phải ai cũng biết.

Trò chơi đơn giản, môn học lý thú

Nói đây là trò chơi đơn giản vì rất dễ chơi, ngay cả khi trẻ ở một mình. Các vị phụ huynh đã từng bao giờ thấy con đối thoại một mình chưa (tự hỏi, tự trả lời, tự nói chuyện như thế có 2-3 người)? Khi đó chính là bé đang chơi trò chơi đóng vai một mình.

Đóng vai là một dạng trò chơi quen thuộc với trẻ nhỏ

Khi khác, bạn lại thấy con mình nói chuyện với bé hàng xóm mà cứ xưng hô kiểu bác sỹ - bệnh nhân rất vui vẻ mà cũng chẳng có đồ chơi gì đặc biệt? Chính là bé đang chơi trò đóng vai với bạn, "chất liệu" của trò chơi là những kiến thức thu được từ thực tế và trí tưởng tượng của trẻ.

Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là trò chơi của bé, không ngăn cản cũng không để tâm hay khuyến khích bé. Thực tế, theo các chuyên gia, trò chơi đóng vai có rất nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển và trưởng thành của bé như: Kích thích trí tưởng tượng của trẻ, rèn luyện khả năng học và làm việc theo nhóm, tăng khả năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề, thông qua trò chơi giúp trẻ học được những bài học khác nhau về cuộc sống….

Vậy tại sao chúng ta không biến trò chơi đóng vai trở thành một môn học lý thú để có thể giúp trẻ có thể chơi mà học, học mà chơi, không áp lực, vừa vui vẻ, vừa hiệu quả?

Phương pháp dạy trẻ đồng cảm và yêu thương

Vai trò của các trò đóng vai đã được khá nhiều chuyên gia và giáo viên thừa nhận, tuy nhiên, trong chương trình học của Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa có môn học nào cụ thể khai thác dạng trò chơi này.

Nhà giáo Phạm Toàn là một người nhìn rất rõ điểm mạnh của trò chơi đóng vai, đặc biệt trong việc dạy trẻ đồng cảm, yêu thương. Ông và nhóm Cánh Buồm đã soạn riêng một bộ sách từ lớp 1 đến lớp 5 theo quan điểm giáo dục mới của nhóm, trong đó có cuốn Văn 1 với nội dung chủ đạo mang tên ĐỒNG CẢM – Trò chơi đóng vai.

Sách Văn 1 của nhóm Cánh Buồm và một bài học mẫu dạy đồng cảm qua trò chơi đóng vai

Theo thầy Phạm Toàn, khởi đầu cho công cuộc trồng người, ngay từ lớp 1, chúng ta nên dạy trẻ về sự yêu thương, tấm lòng nhân ái, đồng cảm với mỗi cảnh đời, cảnh người… Và phương pháp dạy hiệu quả nhất là thông qua các trò chơi đóng vai. Học sinh sẽ được đặt vào trong những tình huống cụ thể của cuộc sống để tự tưởng tượng, tư duy và tìm ra cách giải quyết/đối xử với “nhân vật”.

Chẳng hạn, ta chỉ cho trẻ xem một bức tranh một người bà đang gánh một gánh hàng rất nặng, mệt nhọc và mồ hôi chảy nhiều trên khuôn mặt. Sau đó dẫn dắt các em học sinh tưởng tượng tại sao bà lại vất vả như vậy? Nếu là cháu của bà thì các em sẽ làm gì? Có bé sẽ chạy ra lau mồ hôi cho bà, cháu khác hỏi bà có khát nước không và mang nước cho bà, có cháu quạt cho bà.... Tiếp theo, các em sẽ tham gia vào trò đóng vai, một người là bà, một hai bạn khác sẽ là cháu và diễn lại cảnh như các em vừa tưởng tượng. Thầy cô sẽ phân tích thêm cho trẻ về công ơn và sự vất vả của bà, những điều con cháu được hưởng thụ…. để trẻ hiểu, yêu thương và có những hành động đúng đắn với ông bà của mình.


Bức tranh các tình huống để trẻ tượng tượng, đóng vai và đồng cảm
 trong phòng làm việc của nhà giáo Phạm Toàn

Nhà giáo Phạm Toàn giải thích, phương pháp học Văn mà thầy và nhóm Cánh Buồm là làm lại cách làm, hành động làm ra nghệ thuật của các nghệ sĩ. Các em sẽ được đặt vào vị trí như các nghệ sĩ để tự cảm nhận, tự yêu thương và tự nói ra nỗi lòng của mình. Kết thúc một tiết học, giáo viên không rút ra bài học đạo lý nào hết mà để cái cảm xúc nhân bản từ những trò chơi đóng vai ngấm dần vào các em. Học lòng đồng cảm bằng chơi trò chơi đóng vai, chơi ở một thái độ triết học, thái độ mỹ học, các em sẽ có một tâm hồn phong phú hơn.

Hiện tại, phương pháp dạy trẻ đồng cảm thông qua trò chơi đóng vai theo sách của nhà giáo Phạm Toàn mới chỉ được thực hiện ở một số trường. Tuy nhiên, các phụ huynh cũng hoàn toàn có thể chơi đóng vai cùng con em mình hoặc tạo điều kiện để con được tham gia trò chơi này nhiều hơn với bạn bè. Thêm một chút quan tâm, chú ý, dẫn dắt của người lớn, chúng ta sẽ dễ dàng giúp trẻ vừa được chơi vừa được học những bài học bổ ích!

V.K/VietNamNet

Bạn đánh giá thế nào về lợi ích của trò chơi đóng vai như bài viết nêu ra? Tintuconline mời độc giả cùng chia sẻ những câu chuyện thực tế trong quá trình nuôi dạy con. Thông tin xin gửi về địa chỉ Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

Cảm ơn sự đóng góp của các bạn!




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.