- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
9 lời khuyên của chuyên gia dành cho phụ huynh đầu năm học
Làm cách nào để cô giáo có mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh và giúp con tốt nhất? Phản ứng thế nào khi con gặp chuyện đến từ giáo viên? Liệu có nên răm rắp nghe theo lời thầy cô?...
Tất cả những câu hỏi trên sẽ làm các cha mẹ điên cái đầu và không biết xử trí ra sao. Năm học mới cũng đã bắt đầu, 9lời khuyên sau đây của tiến sĩ Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) sẽ vô cùng hữu ích với phụ huynh:
1. Các cha mẹ hãy chú ý, việc học ở trường của con là việc của con, không phải việc của chúng ta. Hãy học cách tôn trọng con cái ngay từ việc này. Hãy để mọi việc cho con tự giải quyết.
2. Giảng bài cho con ở nhà sẽ là gián tiếp xúc phạm thầy cô giáo. Đây là việc của thầy cô. Cha mẹ hãy tưởng tượng các cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con mình, một người đâu đó nhảy vào chỉ mặt dạy con mình, các cha mẹ có cáu không? Cô cũng vậy thôi, việc của cô là giảng bài và hướng dẫn con học. Bố mẹ cứ đòi nhảy vào giảng theo cách khác, con rối loạn, cô chỉnh sửa mệt mỏi, cô cáu là đúng.
3. Đừng đến trường quá nhiều, đừng giám sát cô và con như tù nhân. Ai cũng cần tự do. Có tự do thì mới có say mê làm việc và sáng tạo. Nếu việc gì, nhất cử nhất động của giáo viên bố mẹ cũng hay, cũng biết, cũng chê bai chém gió, giáo viên họ không ghét mới là lạ đấy. Cứ để họ làm việc, nếu họ có sai phạm thì tính sau. Đừng có như quản ngục, không ai chịu nổi đâu.
4. Nếu cô dụ dỗ các bé đi học thêm (cấp 1) hoặc làm những việc gì đó trái luật, cương quyết không thực hiện. Giáo dục có tốt đẹp, trong sạch, con chúng ta mới được hưởng. Tiếp tay cho giáo viên làm những hành vi vi phạm luật giáo dục hoặc các quy định của Bộ Giáo dục, chắc chắn con sẽ học được tính dối trá và phạm luật.
Hãy dũng cảm nói không với cái xấu. Các cha mẹ lưu ý, nếu cô muốn con đi học thêm, chắc chắn cô sẽ ra sức dìm hàng, chê bai việc học hành của con. Đừng nản lòng, học đi từ dốt đến giỏi chứ từ giỏi thì chẳng đến đâu cả. Hãy để con bước từng bước vững vàng nhé.
5. Đi họp phụ huynh, việc cần thiết phải làm là phát biểu ý kiến. Nếu các cha mẹ thấy vấn đề gì không phù hợp, đề nghị phản ứng ngay tại trận. Rất nhiều cô giáo cáu um vì phụ huynh đi họp cứ im như thóc, đến khi ra khỏi cửa thì lao thẳng vào phòng hiệu trưởng làm ầm lên. Giáo viên mời chúng ta đến họp cũng là mong muốn được nghe ý kiến bàn bạc của toàn thể chúng ta chứ không phải công bố mọi thứ rồi để châm ngòi cho các cuộc chiến.
Nếu chúng ta có ý kiến hợp lý, đương nhiên các giáo viên phải lắng nghe và báo cáo lại với ban giám hiệu thôi.
6. Giao tiếp lịch sự và tôn trọng, đừng quá khúm núm cũng đừng quá xa cách. Giáo viên sợ nhất các phụ huynh lên mặt dạy đời họ. Dù sao, giáo viên cũng là những người đã trưởng thành, họ cần được tôn trọng. Những phụ huynh cứ thấy cô giáo trẻ hơn ra sức dạy bảo là họ khó chịu lắm. Giao tiếp thiếu lịch sự cũng vậy. Làm cho họ khó chịu rõ ràng là không có lợi gì cho con cũng như cho chúng ta.
7. Nếu tiền nong thấy quá nhiều, không ổn, đề nghị có ý kiến ngay. Nếu cả tập thể phụ huynh đều gật gù đồng ý, chúng ta có phản ứng không được thì chấp nhận nộp tiền, thi hành. Vì đa số thắng thiểu số, nếu phần lớn phụ huynh đồng ý, chúng ta cũng không nên phản ứng thái quá.
8. Nếu con bị cô giáo trù dập, hãy an ủi con chứ đừng phản ứng tơi tả với cô. Càng phản ứng, cô càng ghét, càng cáu kỉnh. Cũng đừng nịnh nọt cô. Khó khăn ngoài đời đầy rẫy, con chịu chút khó khăn trong trường cho quen đi cũng tốt. Đừng nghĩ là cô sẽ hành con đến mức tự kỉ. Cha mẹ càng can thiệp, con càng thấy mình tội nghiệp và càng thấy khổ sở hơn. Hãy khuyên con vững vàng vượt qua khó khăn.
9. Nếu nhà trường hoặc giáo viên có sai phạm nhỏ, hãy nhắc nhở giáo viên một chút. Nếu sai phạm lớn hoặc nhắc rồi mà giáo viên không sửa, các cha mẹ hãy tìm bằng chứng và gửi cho cấp có thẩm quyền. Chúng ta là công dân Việt Nam sống ở trên đất nước của mình, chúng ta có quyền khiếu nại tố cáo.
Khi có sai phạm, vi phạm luật giáo dục, các cha mẹ hoàn toàn có quyền khiếu nại tố cáo. Nếu chưa biết địa chỉ thì các cha mẹ có thể tìm hiểu trên mạng theo đúng cấp quản lý của trường, nghĩa là phòng giáo dục quận.
Còn trên khắp cả nước, địa chỉ nhận đơn thư tố cáo chung cho cả ngành giáo dục là:
Thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Các phụ huynh có khiếu nại có thể gửi đơn thư đến đây. Làm cha mẹ không dễ, làm phụ huynh và ứng xử với nhà trường cũng chẳng đơn giản. Nhưng chúng ta đã trót sinh ra các em bé, chúng ta đã trót tạo ra các số phận. Vì thế, tha thiết mong các cha mẹ hãy trở thành những phụ huynh biết điều. Điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều cho con trong bước đường trưởng thành.