- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Bí quyết kìm nén cơn giận để không đánh khi con hư
Dù không muốn dùng roi vọt với con nhưng nhiều tình huống con quá bướng cũng sẽ khiến các ông bố bà mẹ hiền dịu nhất “tăng xông”. Vậy làm sao để kìm nén cơn tức giận?
Đánh thì xót, không đánh thì hư
“Tôi cũng chủ trương không dùng đòn roi với con, cố gắng dạy con bằng các cách bình yên nhất. Nhưng nhiều khi bất lực với con thực sự. Con bướng, khó bảo đến mức không thể nhịn nổi. Hôm trước vừa vật con ra giường tẩn cho một trận. Đánh xong con khóc, mẹ cũng khóc theo. Xót con cả tối không sao ngủ được”, chị Hà Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Con gái chị Hà Anh đang học lớp mầm, bé khá ngoan và nghe lời người lớn. Nhưng mỗi khi phật lòng điều gì đó là bé ném đồ, khóc ăn vạ. Chị Hà Anh theo trường phái “đánh con là thất bại lớn của cha mẹ” nên luôn cố gắng dạy dỗ con bằng các biện pháp ôn hòa. Chỉ đến khi con quá bướng, dám hất cả bát cơm xuống sàn vì mẹ gắp miếng trứng mà bé không thích ăn, chị bực mình quá mới vật con ra giường tét mông.
Dù
không muốn dùng roi vọt với con nhưng nhiều tình huống con quá bướng
cũng sẽ khiến các ông bố bà mẹ hiền dịu nhất “tăng xông”. |
“Lúc đó mình bất lực thực sự. Phạt con cũng đã làm, nói chuyện với con cũng rất nhiều lần, con vẫn bướng như vậy nên đành phải đánh”, chị lý giải.
Xử trí thế nào khi con hư là điều mà tất cả những người làm cha, làm mẹ đều đau đầu tìm lời giải. Người phạt con, người đánh con nhưng rồi hành vi xấu của con lại lặp lại.
“Lúc đầu mình cũng phạt nhẹ nhàng đấy, nhưng có vẻ các hình phạt không làm con sợ mà còn nhờn hơn, nghịch dại hơn như thách thức bố mẹ. Đến khi bực quá, không chịu được nữa đành cho ăn roi. Thế mà con vẫn không sợ, vẫn hư, vẫn ăn roi đều. Biết đánh con là hạ sách nhưng mình không còn cách nào khác. Ai có con trai thì sẽ hiểu”, một bà mẹ có con trai 7 tuổi chia sẻ.
Làm sao để dạy con hư không cần roi vọt?
Chia sẻ tại buổi trò chuyện “Tôi làm mẹ giận” diễn ra ở Hà Nội chiều 21/4, nhà văn Trang Hạ, bà mẹ của ba đứa con, cho rằng khi con hư, cha mẹ nên tìm cách nói chuyện với con trước khi nghĩ đến dùng hình phạt.
“Tất cả các lỗi lầm của con nên xử lý sau 24 tiếng khi mẹ đã bình tĩnh trở lại. Khi con hư, phản xạ đầu tiên của cha mẹ là muốn trừng phạt nhưng điều đó chỉ thỏa cơn giận của người lớn lúc đó chứ không có tác dụng dạy dỗ đứa trẻ. Hãy nói chuyện với con lúc con tưởng là mẹ đã quên lỗi của nó rồi. Lúc đó cả mẹ và con đều bình tĩnh để tiếp nhận câu chuyện.
Trước đây con mắc lỗi, tôi cũng thường phạt con không được đi chơi hoặc không được sử dụng thứ gì đó mà con thích. Nhưng kể từ khi tôi học được từ một phụ huynh cách phạt con bằng vòng tròn xin lỗi. Tôi cũng về nhà vẽ một vòng tròn xin lỗi trong gia đình mình. Bất cứ ai mắc lỗi, bố mẹ hay con cái đều phải đứng vào vòng tròn xin lỗi đó để tự nhìn lại lỗi lầm của mình. Tôi phát hiện ra là con sợ đứng vào vòng tròn đó hơn cả bị phạt đi chơi và từ đó con rất ít khi mắc lỗi”, Trang Hạ chia sẻ.
Nên giải quyết các lỗi lầm của con khi cả cha mẹ và con đều đã bình tĩnh trở lại. |
Chị Hoài Anh, tác giả những cuốn sách dạy con nổi tiếng như “Trái tim của mẹ”, “Nim – những câu chuyện nhỏ” thì cho rằng dù bản thân chị không dùng bạo lực với con nhưng cũng không nên lên án hay trầm trọng hóa việc dạy con bằng roi vọt của những bà mẹ khác. Bởi theo chị, còn có hình thức bạo hành khác đáng lên án hơn.
“Có những bà mẹ không dùng đòn roi với con nhưng lại bạo hành con bằng hình thức khác ghê gớm hơn đó là thường xuyên mắng chửi con, đay nghiến, chì chiết con, cái đó còn nguy hại hơn gấp nhiều lần”, chị Hoài Anh nói.
Bà mẹ có cô con gái 5 tuổi chia sẻ rằng, xử trí với con hư thì điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn của cha mẹ. “Không một đứa trẻ nào sinh ra đã bướng, sẽ có thời điểm con hết bướng và chấp nhận thỏa hiệp với cha mẹ. Vấn đề là người lớn cần phải kiên nhẫn. Cũng giống như chuyện một đứa trẻ không thích ăn rau. Theo nghiên cứu khoa học thì một đứa trẻ dưới 6 tuổi cần phải thử đủ 18-20 lần với mỗi loại rau củ mới. Nhưng bố mẹ thì chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để cho con thử đến từng đó lần, mà chỉ nổi đóa khi con không chịu ăn”, chị Hoài Anh nói.
Từ trái qua phải: Họa sĩ Mai Hoa, bé Nim - con gái chị Hoài Anh, tác giả Hoài Anh, nhà văn Trang Hạ. |
Họa sĩ Mai Hoa, bà mẹ nổi tiếng đưa 3 con đi phượt khắp châu Âu cũng chia sẻ cách “trị” khi con hư: “Hãy trò chuyện với con khi cả con và mẹ đều đã bình tĩnh trở lại. Và mẹ phải kiên trì cho đến khi con nhận ra lỗi của mình”.
Chị Hoa kể về trường hợp con trai thứ hai của chị. Năm bé 4 tuổi, có một lần bé đòi uống nước ép hoa quả trong tủ lạnh, chị tưởng là đã hết nên nói với con là “không còn đâu con ạ”. Ai ngờ bé tự ra mở tủ lạnh và lấy chai nước uống. Sau đó bé ra chỗ mẹ tát mẹ một cái và bảo “mẹ sai con có quyền đánh mẹ”. Lúc đó chị rất choáng với hành động của con, giải thích với con đủ thứ nhưng con vẫn nhất mực cho rằng mẹ nói dối, mẹ sai là con có quyền đánh mẹ. Phải mất cả tháng trời thủ thỉ trò chuyện khi hai mẹ con đi ngủ, nằm bên nhau, bé nhà chị mới nhận mình sai và xin lỗi mẹ.
“Hãy trò chuyện với con khi con gần mình nhất, khi con yếu lòng nhất và cần mình nhất. Đối với bé dưới 5 tuổi thì là lúc tắt điện bắt đầu đi ngủ, lúc đó con sợ bóng tối, cần mẹ nhất thì những lời thủ thỉ của mẹ sẽ được con lưu tâm”, chị Mai Hoa bật mí.
Theo Vietnamnet