- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Để sau tết, trẻ dễ bắt nhịp lại
Tết là thời gian để trẻ nghỉ ngơi thoải mái nhưng phụ huynh nên giữ nề nếp cho trẻ như ngủ dậy đúng giờ, không vui chơi xả láng...
Tết là thời gian để trẻ nghỉ ngơi thoải mái
nhưng phụ huynh nên giữ nề nếp cho trẻ như ngủ dậy đúng giờ, không vui
chơi xả láng...
Sau đợt nghỉ tết dài, để tạo không khí đầu năm, hầu hết trường học nhất là cấp học nhỏ đều tổ chức các hoạt động vui chơi với nhiều hình thức như văn nghệ, trò chơi, lì xì, chúc tết nhau... Tuy nhiên, điều mà giáo viên mệt mỏi nhất là học sinh (HS) uể oải, chán học và mất nề nếp.
Sau tết, cần thời gian bắt nhịp
Cô Nguyễn Thị Hồng Nga, giáo viên Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM, cho hay năm nay vào học lại đúng dịp đầu tuần, phụ huynh cũng bắt đầu đi làm nên trẻ bắt nhịp việc học cũng nhanh hơn. Cô Nga cho biết thông thường phải đến ngày thứ tư sau khi nhập học lại thì giáo viên mới dạy bài mới. Trước đó, cô trò dành thời gian chúc tết, vui chơi để làm quen lại với lớp.
Điều khiến cô Nga lo ngại là nhiều trẻ được cha mẹ cho nghỉ, chơi thả ga khiến sau đó trẻ ngán học, cô trò tốn nhiều thời gian để lấy lại cân bằng.
Một giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập, quận Phú Nhuận, TP.HCM cho rằng cứ sau mỗi dịp nghỉ tết dài thì trẻ học không tập trung, nhất là các em lớp 1, lớp 2.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM, cho hay thường tỉ lệ nhập học lại đúng quy định khoảng 80%-90%. Phần lớn số trẻ vắng là do ăn tết ở quê xa cùng gia đình nên đi lại vất vả hơn.
Vì thế đầu tuần, nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi dưới cờ để tạo không khí cho các em trở lại học tập. Trường cũng nhắc nhở giáo viên không ép HS vào học ngay, không cho bài vở nhiều, không la lối hay phê bình các em gây tâm lý không tốt cho HS.
Không cho trẻ chơi quá đà
Theo bà Hà, trong thời gian nghỉ tết dù thầy cô có cho bài tập về nhà hay không thì phụ huynh cũng nên giữ nếp sinh hoạt ngày thường cho con như ngủ dậy đúng giờ, ít ngủ nướng. Phụ huynh đừng cho con vui chơi xả láng quá, nhất là buổi tối vì sẽ tạo những thói quen không tốt cho trẻ.
“Nhiều phụ huynh thấy giáo viên cho bài tập về nhà là kêu than rồi bắt trẻ làm xong hết trong một, hai ngày trước tết để chơi cho thoải mái. Trẻ cũng vì muốn chơi thả ga nên cố làm hết bài cho xong. Như thế là không hiệu quả và thiếu khoa học. Mục đích của giáo viên chỉ để giữ nếp cho các em, mỗi ngày HS làm một ít, nhất là những ngày đầu nghỉ tết và gần học lại để các em không quên bài, cô trò đỡ vất vả hơn” - bà Hà cho hay.
Cô Nga cũng cho rằng tết là dịp nghỉ ngơi thoải mái nên giáo viên không cho bài tập về nhà là đúng nhưng phụ huynh phải nên để trẻ giữ được nề nếp. “Phụ huynh nên cho con nghỉ ngơi hoàn toàn suốt một tuần trong tết. Sau đó phụ huynh rèn cho con đọc lại bài hoặc tự làm bài trong 30 phút hoặc một giờ mỗi ngày. Như thế khi hết tết, phụ huynh cũng không phải than phiền việc con biếng học hay con sẽ không mất thời gian lấy lại kiến thức” - cô Nga góp ý.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng khuyến nghị trong thời gian nghỉ tết dài phụ huynh lơ là, trẻ dễ nghịch dại. Có gia đình cho con chơi iPad, iPhone nhiều quá, sau đó trẻ bị tật về mắt hoặc có các vấn đề về sức khỏe.
Theo TS Hương, cha mẹ nên tập cho con thức dậy sớm sau tết vì sau kỳ nghỉ quá dài, các bé rất ngại dậy sớm, nhất là những vùng lạnh. Vì thế cha mẹ cũng nên tập cho con thức dậy đúng giờ đi học trước ngày nhập học trở lại độ 2-3 ngày, như thế con sẽ không cảm thấy mệt mỏi khi đi học. “Để con hào hứng trở lại lớp, phụ huynh nên chuẩn bị cho con một gói kẹo để con đến làm quà mừng tuổi cô giáo và bạn bè. Điều này sẽ giúp buổi học đầu tiên của con sau tết trở nên đáng yêu hơn” - TS Thu Hương cho hay.
Cho trẻ góp tay cùng cả nhà đón tết Phụ huynh nên tạo mọi điều kiện cho con tham gia chuẩn bị tết Việt cùng gia đình. Cụ thể trẻ có thể: 1. Cùng dọn nhà đón xuân. Đây là việc khá mệt mỏi, nhất là những gia đình có con nhỏ. Nhưng các con cũng có thể giúp dọn dẹp nhà nếu được yêu cầu như sơn nhà cùng cha, lau rửa đồ... Những lời khen ngợi kịp thời sẽ làm con hào hứng và giữ nhà sạch hơn. 2. Tham gia ý kiến khi chuẩn bị đi mua sắm. Cả nhà có thể họp gia đình, bàn bạc nhau xem trong tết này chúng ta sẽ mua sắm thứ gì. Nếu con đã biết chữ, cha mẹ có thể nhờ con làm thư ký để ghi những món đồ cần mua. Điều này giúp con cảm thấy mình trưởng thành hơn. 3. Cùng đi chợ tết. Cha mẹ có thể tranh thủ dạy con về kỹ năng mua sắm, nhờ con chọn mặt hàng cần mua, xem ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lượng… của món hàng. 4. Cùng nấu bánh chưng có thể là trải nghiệm tuyệt vời nhất với con trẻ. Những đêm thức cùng nấu bánh chưng với cha mẹ là điểm nhấn vô giá của những cái tết trong suốt tuổi thơ của con. Các em vừa học kỹ năng sống, vừa trải nghiệm cái tết thật rõ nét và chân thực. 5. Chuẩn bị quần áo đẹp đón tết. Việc cha mẹ cho con lựa chọn quần áo mặc tết, tự tay giặt sạch, phơi khô, gấp gọn gàng sẽ giúp con có thêm niềm háo hức đón tết. 6. Lên kế hoạch vui chơi như đi chúc tết ở đâu, chúc như thế nào, đi đâu du xuân,… Cha mẹ cũng dặn dò con cách chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, chúc tết, cách nhận phong bao lì xì, cách giữ tiền để khỏi mất mát, cách ăn uống sao cho lịch sự… 7. Cùng ông bà, cha mẹ chắp tay cúng tổ tiên. Các em tuy còn bé nhưng cũng nên dần tiếp cận phong tục này bằng việc cùng cả nhà chắp tay lễ tại bàn thờ ngày tết. TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
Theo Phạm Anh (Pháp luật TP HCM)