- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Những điều bố mẹ "nhất thiết phải dạy" con trong ngày Tết
Tết đến xuân về không chỉ là ngày vui, ngày gia đình sum họp mà còn là cơ hội để bố mẹ dạy cho trẻ biết thêm nhiều điều hay, lẽ phải, phong tục tập quán tốt đẹp của tết cổ truyền dân tộc.
Tết đến xuân về không chỉ là ngày vui, ngày gia đình sum họp mà còn là cơ hội để bố mẹ dạy cho trẻ biết thêm nhiều điều hay, lẽ phải, phong tục tập quán tốt đẹp của tết cổ truyền dân tộc.
Hiểu ý nghĩa của ngày tết
Đối với trẻ con, tết có lẽ chỉ đơn giản là được nghỉ học, được mừng tuổi, được xem pháo hoa, và đi chơi,... Vì vậy, cha mẹ hãy dạy cho con hiểu một cách đơn giản về ý nghĩa của Tết nguyên đán. Đây là cái Tết lớn nhất trong năm của người Việt. Không chỉ là thời khắc giao mùa, Tết chính là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn với ông bà tổ tiên, là dịp để các gia đình sum họp, thăm hỏi người thân bạn bè và gửi tới nhau những lời chúc nhau tốt đẹp nhất cho một năm mới đầy may mắn...
Một số phong tục ngày tết
Đừng dạy con những điều xa vời. Trẻ sẽ học được mọi việc nhanh nhất từ những điều mà chúng được nhìn thấy. Chẳng hạn như, hãy giải thích cho con vì sao tết lại có bánh chưng? Vì sao cần phải có mâm ngũ quả? Vì đâu mà đến tết nhà nào cũng có cây quất hoặc cây đào hay sao lại phải kiêng quét nhà, và tránh làm đổ vỡ trong ngày tết?... Có biết bao điều mà trẻ chưa biết. Những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng có lẽ không nhắc, một số cha mẹ cũng sẽ quên và coi đó là điều hiển nhiên của ngày tết mà không dạy cho trẻ.
Dạy trẻ biết chào hỏi dù ở bất kỳ đâu
Trước tiên, cha mẹ hãy giúp trẻ thành một chủ nhà hiếu khách. Bất kể ai đến nhà, hãy dạy trẻ cách chào hỏi họ. Để trẻ tự tin giao tiếp, không e ngại người lạ, cha mẹ cần dạy trẻ từ những ứng xử thường ngày. Ngoài ra, bố mẹ có thể dạy trẻ cách mời khách ngồi và rót nước trong trường hợp lúc bố mẹ chưa kịp có mặt. Chắc chắn, bé sẽ được họ hàng và khách đến chơi nhà đánh giá cao về khả năng ứng xử.
Khi dẫn trẻ đến nhà người khác chúc tết, cha mẹ cũng chủ động nói trước với bé người sắp gặp là ai để bé chào hỏi cho phù hợp.
Dạy trẻ nói lời chúc tết
Trẻ biết chào hỏi khi gặp người lớn đã là ngoan, nhưng nếu từ những đôi môi thơ ngây nói ra những lời chúc tết thì chẳng phải ngày tết sẽ càng thêm vui và ý nghĩa? Chỉ bằng một vài lời chúc đơn giản, súc tích, dễ nhớ như “chúc ông bà sống lâu trăm tuổi”, “chúc cô/chú sức khỏe dồi dào”, hay “chúc các bác gặp nhiều may mắn”, “chúc anh chị học giỏi, chăm ngoan”, “chúc em bé hay ăn chóng lớn”... là trẻ có thể theo bố mẹ đi khắp nơi chúc tết những ngày đầu xuân.
Ăn uống và cư xử lịch sự
Nhiều trẻ khi theo bố mẹ đến nhà người khác thường thấy bánh kẹo lạ, khác nhà mình thì thích. Có những trẻ tự nhiên ngồi ăn rất nhiều, có trẻ thì còn lấy cả kẹo bánh mang về. Điều đó không phải vì trẻ không được bố mẹ cho ăn ở nhà bởi bánh kẹo là thứ không thiếu trong các gia đình ngày tết. Nhưng trẻ con vốn thích những thứ mà chúng thấy lạ hoặc nhà mình không có. Vì thế, cha mẹ nên dạy trẻ phép lịch sự, không ăn uống và lấy đồ tùy tiện khi sang nhà người khác.
Dạy con biết cám ơn khi nhận lì xì và lời chúc từ người lớn
Tết là dịp mà bé được gặp gỡ rất nhiều họ hàng, người quen hoặc khách của những người trong gia đình. Việc được mừng tuổi là tất yếu. Vì vậy, để tránh bị khó xử, bố mẹ hãy dạy bé biết lễ phép, cư xử ngoan ngoãn khi nhận được lì xì. Bé nên dùng hai tay để nhận tiền mừng tuổi và nói lời cảm ơn tới người đã mừng tuổi và chúc tết mình. Nếu bé quên, bố mẹ có thể nhắc nhở nhẹ nhàng như: “Con có quên điều gì không?” hoặc “khi được mừng tuổi thì mình nên làm gì con nhỉ?”
Dạy con ý nghĩa của việc mừng tuổi
Nhiều cha mẹ gặp phải tình huống “nóng mặt” khi trẻ sau khi nhận được lì xì liền mở ra trước mặt khách hoặc so sánh tiền bao lì xì này với lì xì của người khác. Vì thế, việc giải thích trước cho trẻ hiểu tiền lì xì là mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sự quan tâm, yêu mến và cũng là biểu tượng của may mắn đầu năm cho nên dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý. Điều này sẽ giúp trẻ luôn trân trọng, không so bì hơn thiệt và có hành động thất thố trước mặt khách.
Thu Trang (T.H)/ Theo VietNamNet