Đừng tốn tiền cho con đi học ngoại ngữ sớm, để đến lớp 3 hãy học

Việc học ngoại ngữ có thể tiến hành sau khi đã học khá nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ giúp đứa trẻ đỡ bị loạn ngữ. Chính vì vậy, theo tôi, việc học ngoại ngữ chỉ nên bắt đầu khi đứa trẻ vào lớp 3.

Việc học ngoại ngữ có thể tiến hành sau khi đã học khá nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ giúp đứa trẻ đỡ bị loạn ngữ. Chính vì vậy, theo tôi, việc học ngoại ngữ chỉ nên bắt đầu khi đứa trẻ vào lớp 3.

Sáng sớm nay, tôi vào mạng và nhìn thấy quảng cáo dạy tiếng Anh cho trẻ từ 2 tuổi bằng phần mềm. Tôi nghĩ, việc cho con trẻ “chơi” với các thiết bị điện tử sớm để lại cho trẻ nhiều hậu quả đáng sợ thì không cần phải tranh cãi nữa. Nếu các bố mẹ không tin, hãy đến các bệnh viện nhi để hỏi các bác sĩ xem tỉ lệ trẻ bị cận, trẻ bị rối loạn hành vi do thiết bị điện tử là bao nhiêu.

Tôi biết, có vô khối các bài viết dụ dỗ cha mẹ dạy con tiếng Anh, dạy con đọc viết sớm đã lấy lý do là tầm tuổi đó não trẻ dễ dàng tiếp thu mọi thứ. Thế nhưng, vấn đề là não trẻ cần tiếp thu rất nhiều kiến thức, kĩ năng, không chỉ có những thứ mà người lớn học cũng được như đọc viết hay tiếng Anh. Đặc biệt với kĩ năng, nếu học muộn, trẻ sẽ rất lóng ngóng và khó có thể học tốt được.

Học tiếng anh
Việc cho con trẻ “chơi” với các thiết bị điện tử sớm để lại cho trẻ nhiều hậu quả đáng sợ.

Giáo dục là cả một quá trình. Để thực hiện quá trình đó, người ta phải tìm hiểu kĩ càng các em bé. Chúng ta cũng cần phải sắp xếp các nội dung cần học theo lộ trình.

Với người Đức và nhiều nước châu Âu khác, bắt đầu muộn là sự lựa chọn khôn ngoan. Trẻ Đức hoàn toàn không học chữ vào giai đoạn mầm non, trẻ Đức cũng không học ngoại ngữ vào lúc này. Bọn trẻ được học nhiều kĩ năng và được yêu cầu sống tự lập càng nhiều càng tốt.

Khi bắt đầu vào học chữ, bọn trẻ học tiểu học rất ít. Kiến thức lớp 1 vô cùng nhẹ nhàng, kĩ năng vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Theo năm tháng, lượng kiến thức nhiều dần lên. Nội dung học vấn thời phồ thông của Đức theo hình nón lộn ngược. Lớp 1 là ít nhất, dần dần lên cao, lượng kiến thức nhiều dần. Song song với đó là kĩ năng sống được rèn luyện mỗi ngày.

Chính vì vậy, xuất phát điểm của người Đức là chậm, nhưng lượng kiến thức họ có trong đầu lại không hề ít. Theo thống kê vào năm 2012 cho thấy học sinh 15 tuổi tại Đức có kết quả học tập cao hơn nhiều mức trung bình trên thế giới, những học sinh này có lượng kiến thức tốt thêm vào đó tính tự giác cao và sức khoẻ cùng nhận thức xã hội vượt trội.

Ở Việt Nam, dường như các bố mẹ luôn cảm thấy sốt ruột mong muốn con mình giỏi giang. Chính vì vậy, việc ép con học từ sớm khiến cho giáo dục bị biến thành dạng hình ống. Nghĩa là bọn trẻ phải học với lượng kiến thức nhiều ngang nhau từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Thời gian trẻ còn nhỏ, do sốt ruột, các cha mẹ ép con học từ rất sớm mà không quan tâm đến quá trình trưởng thành của đứa trẻ. Bọn trẻ ngay từ khi chưa lớn đã phải làm quen với áp lực học tập. Đến khi học tiểu học, điều cha mẹ quan tâm nhất vẫn tiếp tục là ĐỘNG LỰC HỌC TẬP (áp lực).

Lên cấp cao hơn, khi chương trình học của trẻ mở rộng, lượng kiến thức dồi dào hơn, các cha mẹ lại cảm thấy thương con mình học quá nhiều nên kêu gào đòi giảm tải. Vì thế, hình chóp nón là mô hình phù hợp với trẻ đã bị biến thành hình ống tại Việt Nam.

Với mô hình ống trụ như thế, trẻ em Việt sống trong áp lực học tập và ghét học là điều đơn giản. Những bức thư kêu gào đòi giảm tải của các bạn trẻ đến từ các nguyên nhân thành tích của người lớn chứ đâu đến từ lượng kiến thức chúng phải tiếp nhận.

Học tiếng anh từ sớm
Việc học ngoại ngữ có thể tiến hành sau khi đã học khá nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ giúp đứa trẻ đỡ bị loạn ngữ.

Theo nghiên cứu của tôi, trẻ em Việt khi tốt nghiệp phổ thông biết ít hơn học sinh thế giới rất nhiều. Mô hình ống trụ này đã khiến cho bọn trẻ căm ghét học, có thái độ phản đối rõ rệt với nhà trường và thày cô giáo. Kiến thức lỏng lẻo, kĩ năng ít, hầu như không có do không được học và do cha mẹ chăm bẵm quá mức, bọn trẻ Việt trở nên ngô nghê ngay khi đã trưởng thành.

Về vấn đề học ngoại ngữ, việc học sớm không có nghĩa là chắc chắn sẽ giỏi giang. Đâu phải 10 đứa trẻ học ngoại ngữ sớm thì cả 10 đứa lớn lên sẽ thành thạo và nói giỏi. Hơn nữa, biết nói ngoại ngữ tốt mà không có kiến thức để phát biểu thì cũng chẳng giúp ích gì đứa trẻ. Khi ra nước ngoài, một người giỏi ngoại ngữ nhưng cư xử thiếu văn hóa, khạc nhổ, ăn cắp hay vi phạm pháp luật sẽ chẳng được ai tôn trọng cả. Hơn nữa, việc học ngoại ngữ có thể tiến hành sau khi đã học khá nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ giúp đứa trẻ đỡ bị loạn ngữ. Chính vì vậy, theo tôi, việc học ngoại ngữ chỉ nên bắt đầu khi đứa trẻ vào lớp 3.

Tôi nghĩ, đã đến lúc ngưng ngay việc dạy con học chữ, học ngoại ngữ từ 2 tuổi, quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo kĩ năng, trau dồi đạo đức cho trẻ và ngừng can thiệp vào công việc trường học. Chỉ có thực hiện nghiêm túc mấy việc trên, các phụ huynh mới thực sự là trợ giúp đắc lực cho sự trưởng thành của trẻ.

Vài nét về tác giả

TS Vũ Thu Hương là giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Chị thường xuyên chia sẻ các bài viết về các kĩ năng dạy trẻ, cách nuôi dạy con, quan điểm làm cha mẹ... trên trang cá nhân và nhận được sự quan tâm của đông đảo các bậc cha mẹ.


Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương/ Trí Thức Trẻ

học tiếng Anh

dạy tiếng Anh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.