Giúp con vượt qua bạo lực học đường theo cách “mẹ Hổ”

Hai con của chị từng bị bạn bè bắt nạt; bị giáo viên đánh bầm mông, phạt đứng lên ngồi xuống cả 100 cái hay nhạo báng, sỉ nhục trước lớp…

Hai con của chị từng bị bạn bè bắt nạt; bị giáo viên đánh bầm mông, phạt đứng lên ngồi xuống cả 100 cái hay nhạo báng, sỉ nhục trước lớp…

Theo sát để biết các nắm vấn đề của con, cho con biết quyền của mình, quyền của các thầy cô được làm và không được quyền làm gì. Đó là cách của chị Lê Phương Hoa giúp hai con “mặc áo giáp” trước bạo lực học đường. Ngoài ra, chị có những cách can thiệp khá “dữ” không chỉ bảo vệ con mà còn đưa ra nhiều thông điệp bảo vệ những đứa trẻ khác.

Thầy cô không luôn luôn đúng!

Với các giáo viên, quan điểm của chị Lê Phương Hoa rất rõ ràng: Phải làm rõ ranh giới giữa dạy học và lạm quyền.

Năm con gái lớn học lớp 3, chị choáng váng khi phát hiện con bị bầm tím hai bên mông. Ngay hôm sau chị tới trường, xin gặp hiệu trưởng và nói rõ chuyện con mình. Thầy hỏi con học lớp giáo viên nào, chị không trả lời, mà đề nghị thầy triệu tập cuộc họp giáo viên toàn trường để chấn chỉnh việc đánh học sinh như vậy.

Bạo lực học đường đang trở thành nổi ám ảnh của phụ huynh và học trò
Bạo lực học đường đang trở thành nổi ám ảnh của phụ huynh và học trò

Chị nói rõ: “Đây là lần đầu và không quá nghiêm trọng, nên tôi sẽ không yêu cầu kỷ luật giáo viên. Tuy nhiên tôi muốn chắc chắn không em nào trong trường bị đánh như vậy nữa. Nếu còn xảy ra thì tôi sẽ kiện”.

Lúc đó, không nêu danh tính giáo viên vì chị muốn gửi thông điệp tới giáo viên toàn trường. Sau vụ đó, con gái kể ở lớp cô thôi hẳn không dùng thước đánh các con nữa.

Cô con gái thứ hai tính hiếu động. Năm lớp 2, mẹ con đi ăn kem, bé kêu mệt và nói về việc con bị cô phạt đứng lên ngồi xuống 100 cái vì tội đùa nghịch trong lớp. Chị ngẩn người, hôm sau lại lên trường gặp hiệu trưởng.

Bản cũ soạn lại, nhưng lần này chị nói đích danh cô giáo. Đứng lên ngồi xuống 100 cái, ai thử rồi sẽ biết nó thế nào, đã có trường hợp học sinh ngất xỉu sau đó. Cách phạt nguy hiểm này cần phải cấm ngặt ngay lập tức. Cô giáo bị phạt truất quyền chủ nhiệm để làm gương cho giáo viên toàn trường.

Không chỉ đòn roi, chị Hoa nhận thấy một hình thái bạo lực học đường là chỉ trích, xỉ vả, lăng nhục trẻ em.

Cô con gái thứ 2 năm học lớp 7 có sở thích… tô son đi học. Biết là trường cấm, mẹ cũng nhắc, nhưng thỉnh thoảng con vẫn mang ra tô.

Một hôm, con về nhà mặt sưng lên, bảo hôm nay cô bộ môn gọi con lên trước lớp và nói: Cô xấu như ma thế này, da đen, miệng rộng ngoác, lại còn tô son trông như con quỷ. Cả lớp cười ầm lên nhạo báng khiến con bị tổn thương cực độ.

Nhiều bà mẹ trong trường hợp này sẽ đồng tình với cô và mắng con. Nhưng chị không làm vậy. Dù con phạm lỗi, cô cũng không có quyền sỉ nhục con. Chị đã đến trường, đề nghị cuộc gặp hiệu trưởng, cô chủ nhiệm và cô giáo bộ môn, đề nghị làm rõ mọi chuyện yêu cầu cô xin lỗi con trước lớp.

Chị thấy, hầu hết bố mẹ đều ủng hộ thầy cô “luôn luôn đúng. Và cứ cô nói gì là chưa cần biết đúng sai, chưa nghe con nói, đã mắng con trước là “hư, không nghe lời thầy cô”. Chị Hoa dạy con khác. Chị dạy cho con biết quyền của con là gì, và các thầy cô được quyền và không được quyền làm gì. Khi con có lỗi, chị chỉ cho con thấy lỗi của mình, để con nhận - nhưng đồng thời chị cũng chỉ cho con thấy thầy cô có gì chưa đúng trong xử lý. Và con có quyền có ý kiến phản hồi.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diêu, TPHCM tham gia chuyên đề tránh kỳ thị trong học đường
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diêu, TPHCM tham gia chuyên đề tránh kỳ thị trong học đường

Chị cũng tự nhận mình là một bà mẹ khá là “phiền nhiễu”, đã khá nhiều lần có ý kiến về cách dạy/ nói năng/ cư xử... với cô giáo của con. Có lần cô giáo đã tát con gái chị trước lớp. Sau đó, chị gọi điện thoại và nhẹ nhàng nói rằng cô không có quyền làm như vậy. Hôm sau, cô tới nhà xin lỗi. Sự việc kết thúc êm đẹp, không ầm ĩ.

Các con chị trở nên mạnh mẽ, không sợ hãi khi đi học. Các bạn cùng lớp thấy bạn mình như thế, cũng dần dần bớt sợ cô giáo, ý thức được quyền của mình. Và điều lạ đáng vui nhất là từ những “sự cố” mà mối quan hệ cô trò lại tốt lên rất nhiều.

Bạn bè “gây chuyện”, thời nào cũng có

Chuyện bạo lực học đường, chị Hoa cho rằng thời nào cũng có. Ngay khi chị còn nhỏ cũng không ít lần bị bắt nạt, còn chuyện bọn con trai đánh nhau sau giờ tan học thì như cơm bữa.

Người mẹ không đổ lỗi, cũng không quy kết trách nhiệm cho hệ thống giáo dục, xã hội hay thầy cô giáo hay cho một ai đó. Quan điểm của chị, những đứa trẻ xuất phát từ những môi trường gia đình khác nhau, được giáo dục khác nhau, theo những hệ giá trị khác nhau cùng bản tính tự nhiên của từng em, nên sẽ tạo ra tính cách và ứng xử khác nhau rất nhiều.

Vai trò của người làm mẹ, từ khi có con, chị đã luôn chú ý tới việc làm sao cho con mình không bị khủng hoảng tinh thần khi phải đối mặt với những chuyện như vậy khi đi học.

Vì theo sát con từng ngày, chú ý từng chi tiết nhỏ, nên chị có thể biết ngay con mới bị mất đồ. Khéo léo hỏi con, con kể là bạn lấy, tôi đến trường và nhẹ nhàng nói chuyện với mấy bạn đó. Thế là xong.

Những chuyện khác cũng vậy. Quan trọng là phụ huynh biết ngay khi chuyện xảy ra còn ở mức độ nhẹ, cùng bàn với con cách giải quyết.

Năm học lớp 7, con chị bị áp lực bởi mấy nhóm các cô nàng “đầu gấu” trong lớp tới mức khóc lóc, nằng nặc đòi mẹ chuyển trường. Chị nói với con: Mẹ sẵn sàng chuyển trường cho con, nhưng con cũng suy nghĩ kỹ xem, trường nào cũng sẽ có vấn đề của nó, vậy con có thể chuyển mãi được không?. Bạn ấy xin mẹ một tuần để suy nghĩ, và sau đó quyết định ở lại trường cũ.

Từ một cô bé nhút nhát, khép kín, luôn e ngại, con chị lột xác trở thành cô gái độc lập, mạnh mẽ. Con đã quyết định chỉ sống như mình muốn, không để hội nhóm nào chỉ huy, chi phối mình nữa. Không ai chơi với mình? Thì có sao. Con mang sách tới lớp đọc vào giờ nghỉ, học tiếng Anh, nghe nhạc. Bạn không còn quan tâm đến việc nhóm kia tụ tập nói xấu mình; không để lời nói, bàn tán của người khác tác động tiêu cực đến mình.

Duy trì thói quen chia sẻ

Nguyên tắc số một trong vai trò người mẹ của chị Lê Phương Hoa là tin tưởng con mình trước tiên, luôn thể hiện sự ủng hộ và đứng về phía con, lắng nghe con. Bao năm nay, ngày nào chị cũng hỏi con mình mấy câu: Hôm nay ở trường thế nào? Có chuyện gì vui hay không vui không? Có gì thú vị hay thấy khó chịu không? Các bạn con thế nào? Lớp học thế nào... Đến nỗi con còn phì cười bảo mẹ hỏi mấy câu ấy mà không chán à?

Những câu hỏi đó tưởng như rất tầm thường, nhưng tạo lập một thói quen cho trẻ từ bé: Quan sát, nhận thức và chia sẻ. Khi mẹ hỏi, con sẽ lưu tâm nhớ lại những chuyện xảy ra, nhận biết, nói với mẹ. Có thể chuyện không liên quan tới con, nhưng con kể lại, mẹ con cùng biết, mẹ cũng qua đó giúp con hiểu chuyện như thế nào. Và việc đó giúp con có thói quen chia sẻ thông tin với mẹ, tạo sự đồng cảm, tin tưởng nhau. Khi nghe con, người mẹ tránh tuyệt đối việc đánh giá, phán xét, phê bình, áp đặt, mắng mỏ.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.