“Học một đường, làm một nẻo”: Chọn sai nghề hay cơ hội khác cho bản thân?

Một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra, hãy đón nhận và đừng quá lo lắng!

Khi chọn thi vào một trường ĐH – CĐ nào đó, chắc chắn các bạn trẻ cũng đã hình dung ra một số công việc mình sẽ làm trong tương lai. Thế nhưng, khi đỗ rồi, học rồi và ra trường, rất nhiều bạn lại đảm nhiệm những công việc khác hẳn, thậm chí trái hoàn toàn với chuyên ngành mình đã học.

>> Đừng bỏ lỡ cơ hội vì... học đại học

Như vậy là họ đã chọn sai nghề khi học ĐH-CĐ? Làm thế nào mà họ vẫn thành công sau sai lầm ấy?

Cô kỹ sư cơ khí thành chuyên viên truyền thông dày dạn kinh nghiệm

Chị Nguyễn Thúy Ngà (Hòa Bình) đã tốt nghiệp khoa Cơ khí ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng chị không theo nghiệp kỹ sư. Hiện chị đang khá thành công ở vai trò chuyên viên truyền thông của một tờ báo điện tử có tiếng.

Là một người rất cá tính, thích sự khác biệt, chị Ngà vui vẻ cho biết: “Thời tôi học người ta vẫn có câu nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, hơn nữa, tôi muốn được mọi người chú ý, quan tâm nên chọn thi Bách khoa và vào khoa cơ khí vốn rất ít nữ giới. Học xong, biết rằng nghề kỹ sư cơ khí không thực sự phù hợp với con gái nên tôi chọn đi dạy (trợ giảng) cùng các thầy cô của trường. Làm giáo viên được khoảng 2 năm tôi bắt đầu chán nản vì lương thấp, công việc cũng không có nhiều mới mẻ”.

Chị Thúy Ngà: Ngành học cũ giúp tôi tính toán nhanh, tư duy rất tốt cho công việc hiện tại

Theo chị Ngà, công việc đôi khi cũng do cơ duyên chứ không phải lúc nào cũng có dự kiến hay kế hoạch gì cả. “Tình cờ có một người bạn rủ làm cùng công việc hỗ trợ xuất bản báo giấy, đang sẵn chán việc nên tôi đồng ý ngay và tôi bén duyên với báo chí từ đấy… Khoảng 1 năm sau, cũng qua một người bạn, tôi vào làm chuyên viên truyền thông của một tờ báo điện tử. May mắn, tôi cảm thấy rất thích thú và hợp với công việc này, đến tận bây giờ cũng chưa chán. Công việc rất năng động nên tôi có thêm nhiều mối quan hệ đồng thời nâng cao kiến thức xã hội lại có thu nhập khá tốt. Vậy nên tôi quyết định gắn bó lâu dài. Hiện tôi đang theo học cao học ngành truyền thông của Học viện Báo chí & Tuyên truyền để phục vụ tốt hơn cho nghề nghiệp của mình”, chị Ngà chia sẻ.

Từ những trải nghiệm của bản thân, chị Thúy Ngà cho rằng, hiện nay có rất nhiều người học một nghề nhưng lại làm một nghề khác, thậm chí còn giỏi hơn những người làm đúng nghề. Vậy nên, nếu bạn trót chọn sai nghề cũng đừng chán nản, buông xuôi hay nặng nề quá. “Thực tế khi có 1 tấm bằng ĐH trong tay, bạn hoàn toàn có thể xin được một công việc khác với nghề đã học. Quan trọng là học ĐH, các bạn cũng đã được học các kỹ năng nhận biết, giao tiếp, kỹ năng sống… mà công việc nào cũng cần. Hãy bình tĩnh, chọn một nghề khác hợp với mình hơn để đi làm, sau đó có thể học thêm bổ trợ cho công việc mới nếu thấy phù hợp”.

Chàng “đại gia” bất động sản học Cơ điện tử

Tốt nghiệp ĐH Công nghiệp, chuyên ngành Công nghệ Cơ điện tử, anh Nguyễn Văn Tú (Hưng Yên) trước đây chưa từng nghĩ rằng mình lại thành công với nghề kinh doanh nhà đất, được bạn bè gọi là “đại gia” bất động sản vì "có" rất nhiều nhà để bán.

Anh Tú chia sẻ: “Khi học cấp 3 được bố mẹ và anh chị định hướng, chứ thực sự mình chưa có dự định hay kế hoạch gì rõ ràng. Theo lời mọi người, đàn ông làm kỹ thuật là phù hợp hơn cả và sau này không lo chết đói nên mình thi ĐH Công nghiệp - một trường khá nổi tiếng về đào tạo khả năng thực hành cho sinh viên kỹ thuật. Tuy nhiên thực sự khi vào trường mình không thấy hứng thú lắm với ngành học, năng lực về kỹ thuật của bản thân cũng không tốt. Khi ra trường, điều kiện tuyển dụng của các công ty chuyên ngành mình học rất khắt khe nên thất bại trong 2-3 lần ứng tuyển vị trí kỹ thuật.

Anh Nguyễn Văn Tú: hài lòng với nghề nghiệp hiện tại nhưng chưa bao giờ hài lòng về kết quả đạt được

Lúc đó vô tình được nghe lại câu thành ngữ "phi thương bất phú", thế là mình quyết định ứng tuyển vào công việc bán hàng điện tử để thử sức xem mình có hợp với lĩnh vực kinh doanh không. Càng làm càng thấy thú vị, thấy mình khá phù hợp và có duyên kinh doanh, bằng chứng là sớm có những kết quả doanh số nhất định… Sau để có thu nhập tốt hơn mình quyết định chuyển sang kinh doanh bất động sản và công việc khá ổn".

Khi được hỏi về mức độ hài lòng, anh Tú cho hay: “Mình rất hài lòng về nghề nghiệp, công việc hiện tại nhưng chưa bao giờ mình hài lòng về kết quả đạt được. Do đó, mình luôn trau dồi thêm tiếng Anh và dự định sẽ đăng ký học thêm một số khóa học về kinh doanh bất động sản để có thể tiến tới “sản phẩm” có giá trị lớn hơn như bán được cho người nước ngoài, đầu tư vào các dự án….”.

Có thể nói xuất phát điểm về định hướng nghề nghiệp của mình chưa tốt, tuy nhiên, mình cũng chưa bao giờ thấy sai lầm khi chọn học ĐH chuyên ngành kỹ thuật. Mình luôn nghĩ rằng học kỹ thuật có thể làm kinh tế nhưng ngược lại, kinh tế không làm được kỹ thuật và biết kỹ thuật chính là ưu điểm để mình hơn đối thủ bán hàng khác. Ngoài ra, học kỹ thuật giúp mình có khả năng phân tích vấn đề, tư duy logic tốt hơn rất hữu ích khi áp dụng sang kinh doanh. Rồi các thông số kỹ thuật của sản phẩm, bản vẽ mình cũng dễ dàng tiếp cận, nắm bắt hơn,...”.

Vậy nên, anh Tú có lời khuyên với các bạn trẻ: Các bạn đừng vội thất vọng hay bỏ ngang khi thấy mình không hứng thú ngành học. Nếu không quá chán nản thì đừng bỏ phí, hãy học tiếp để biến nó thành điểm mạnh cho mình sau này trong công việc khác. Sau khi tốt nghiệp ĐH thì những gì mình học được ở trường chỉ là một phần, còn chủ yếu là các kiến thức xã hội, các kỹ năng mềm để phục vụ cho công việc sau này.

Học sai nghề phù hợp: đừng thất vọng, hãy bình tĩnh tìm cơ hội khác cho mình...

Lời kết

Việc chọn trường chọn nghề chính xác với khả năng của bản thân là điều không phải ai cũng làm được. Các kỹ năng chọn nghề đã được rất nhiều chuyên gia và người có kinh nghiệm chia sẻ, các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ để có được lựa chọn đúng đắn nhất.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, khi đã bước chân vào cổng trường ĐH-CĐ và bạn thấy mình thiếu đam mê với ngành đang học thì câu chuyện của hai nhân vật trên chính là một “lời khuyên” cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết Sinh viên chán học, bước tiếp hay từ bỏ? để có được tư vấn hữu ích khác cho mình. Một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra, hãy đón nhận và đừng quá lo lắng!

Tintuconline mời độc giả chia sẻ ý kiến và những câu chuyện khởi nghiệp thành công mà không qua học đại học hoặc học những ngành nghề khác hẳn. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. Chúng tôi xin cảm ơn!

Vân Khánh/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.