"Khi chơi chán, con hãy nhường bạn"-bài học cha mẹ cần dạy con

Ở trường mầm non nơi con tôi học, bọn trẻ được chơi 1 món đồ chơi bao lâu tùy thích cho dù có cả tá bạn đang xếp hàng chờ chơi món đồ chơi đó.

Ở trường mầm non nơi con tôi học, bọn trẻ được chơi 1 món đồ chơi bao lâu tùy thích cho dù có cả tá bạn đang xếp hàng chờ chơi món đồ chơi đó. Chúng sẽ nhường bạn khi nào chúng chơi chán. Và tôi đồng ý với cách dạy này!

Có một quy tắc chung về việc chia sẻ được áp dụng ở trường mẫu giáo của con trai tôi. Đó là sự hợp tác, đồng thuận tuyệt đối từ phía cha mẹ. Điều này có nghĩa là ở nhà, chúng tôi sẽ áp dụng quy tắc y hệt như các cô áp dụng ở trường để sao cho việc xử lý các tình huống nảy sinh đều theo một cách như nhau.

Theo đó, một đứa trẻ có thể giữ một món đồ chơi bao lâu tùy thích. Nếu một bạn khác muốn đồ chơi đó, bé sẽ phải đợi tới khi bạn thứ nhất chơi xong. Chúng tôi thậm chí còn tham gia “giữ” đồ chơi cho đứa trẻ nếu bé phải tạm dừng để đi vệ sinh hoặc ra bàn ăn một món nhẹ nào đó… Nhờ thế, bé vẫn có thể tiếp tục chơi món đồ mình thích cho tới khi không muốn chơi nữa. Quy tắc này áp dụng cho tất cả mọi thứ có thể chơi được trong lớp học hay trên sân chơi như xích đu, xà đơn…

Đầu tiên, tôi chẳng có chút thắc mắc nào về việc tại sao nhà trường lại đưa ra quy tắc chia sẻ đó. Tôi chỉ đơn giản là làm theo bởi vì đó là quy định chung và nó có vẻ chẳng phải vấn đề gì to tát đối với tôi. Tất cả bọn trẻ đều biết quy tắc đó, vì vậy, sau 2 tuần đầu tiên còn khá bỡ ngỡ ở trường mầm non, bọn trẻ bắt đầu quen dần và sẽ thôi không mè nheo gì cả nếu bạn nói với trẻ: “Khi nào bạn ấy chơi xong mới tới lượt con”. Nhưng gần đây, tôi lại tận mắt chứng kiến một cách hành xử và thái độ khác hẳn liên quan tới chuyện chia sẻ ở những nơi khác mà chúng tôi tới. Tôi bắt đầu hiểu một cách chính xác rằng tại sao quy tắc đó lại được nhà trường đưa ra.

Hai tình huống về chia sẻ đồ chơi cần xem xét lại

Tình huống đầu tiên bắt nguồn từ một cô bạn thân của tôi (Tôi hi vọng cô ấy không phiền vì tôi sử dụng câu chuyện của cô ấy làm ví dụ minh họa trong bài viết này). Cô ấy cùng với cậu con trai gần 2 tuổi đang chơi ở công viên. Cậu bé mang theo một chiếc xe ô tô đồ chơi nhỏ của mình. Một đứa trẻ khác, lớn hơn chút, muốn chơi chiếc xe đó và ra lệnh cho con trai bạn tôi đưa ô tô cho bé. Nhưng bé con nhà bạn tôi không chịu. Người mẹ kia bèn nói với con trai mình: “Mẹ đoán mẹ bạn đó chẳng thèm dạy bạn ấy biết cách chia sẻ”. Người mẹ ấy nói như vậy mà không thèm bận tâm tới thực tế là chiếc xe ô tô đồ chơi thuộc về con trai bạn tôi và khi ai đó đề nghị bạn phải chia sẻ, “không” là câu trả lời hợp lý nhất.

Dạy con cách chia sẻ
Hãy dạy trẻ cách để đạt được những thứ chúng muốn thông qua trí tuệ, sự kiên trì và làm việc chăm chỉ.

Câu chuyện thứ hai xảy ra tại một khu vui chơi vào buổi sáng thứ 6. Đúng ngày này mỗi tuần, khu vui chơi đều miễn phí cho trẻ em chơi vô số món yêu thích như khung chơi leo trèo, ô tô, xe ba bánh, bóng lớn, thậm chí còn có một lâu đài hơi. Đúng là không gian được trẻ đặc biệt yêu thích. Có một chiếc ô tô đồ chơi màu đỏ mà con trai tôi rất thích. Lần trước, bé đã lái chiếc xe đó đi vòng vòng suốt một tiếng rưỡi đồng hồ mà không biết chán.

Do con trai tôi đã đủ lớn nên tôi không chạy kèm cháu mà ngồi đợi ở ghế băng dành cho phụ huynh. Đúng lúc đó, một người mẹ có con trai muốn chơi chiếc xe mà con tôi đang chơi. Cô đó nói với bé nhà tôi: “Được rồi, đã tới lúc cháu phải nhường cho bạn chơi chứ”. Tất nhiên, con trai tôi phớt lờ cô ấy. Người mẹ đó cuối cùng đành bỏ cuộc. Có hàng tá ô tô đồ chơi khác cho con trai cô ấy, trong đó có cả một chiếc gần như giống hệt chiếc con tôi đang chơi. Có thể lẽ ra tôi phải chen vào can thiệp mới đúng.

Bài học trong thế giới thực

Tôi không đồng tình với cách tiếp cận của hai bà mẹ trên. Theo tôi, sẽ rất có hại nếu dạy trẻ rằng bé có thể có thứ mà người khác sở hữu, đơn giản chỉ vì bé muốn như vậy. Và tôi cũng thấu hiểu mong muốn được trao cho trẻ mọi thứ chúng muốn, bà mẹ nào cũng có suy nghĩ này. Nhưng sẽ tốt cho cả bạn và bé khi học được rằng, không phải lúc nào cũng làm được thế và bạn đâu thể đạp lên những người khác để có được thứ mình muốn.

Hơn nữa, kiểu chia sẻ như trên không phải cách mà mọi việc diễn ra trong thế giới thực. Khi đứa trẻ của bạn trưởng thành, cháu sẽ nghĩ mình sở hữu mọi thứ mình nhìn thấy. Điều này thực sự đã xảy ra rồi, với thế hệ tiếp theo. Mới đây, tôi đọc được một bài báo rất thú vị về việc các cô cậu nhóc tuổi teen và tầm tuổi 20 mong muốn được tăng lương, thăng chức với những lý do kiểu như: “Ngày nào tôi cũng đi làm”.

Nếu bạn còn nghi ngờ những lý giải của tôi, hãy nghĩ về cuộc sống hàng ngày của chính bạn. Bạn không thể chen lên để vượt qua người khác khi tất cả đều xếp hàng chỉ bởi vì bạn không thích chờ đợi. Và phần lớn người trưởng thành cũng sẽ không lấy thứ gì đó của người khác, như một chiếc iPhone hay cặp kính râm, chỉ bởi vì họ thích dùng chúng.

Sẽ là khó khăn, nhưng như nhiều thứ khác bạn phải đối mặt với vai trò làm cha làm mẹ, hãy dạy cho con mình biết cách đương đầu với sự thất vọng, đơn giản bởi vì nó chắc chắn sẽ gặp phải trên đường đời. Và chúng ta đâu phải lúc nào cũng có mặt ở bên để giúp trẻ dàn xếp mọi chuyện. Hãy dạy trẻ cách để đạt được những thứ chúng muốn thông qua trí tuệ, sự kiên trì và làm việc chăm chỉ.

Tác giả bài viết Beth W. hiện đang sống ở San Francisco với chồng và hai con trai. Cô viết nhiều nhất về những câu chuyện liên quan tới cách làm cha làm mẹ, tới lối sống xanh, cuộc sống thành thị và ẩm thực.


Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.