- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Kinh nghiệm hay cho cha mẹ có con không tự lập và thiếu tự tin
Nuôi dạy con thành người tự lập, tự tin và có trách nhiệm là câu hỏi trăn trở của hầu hết ông bố bà mẹ và cũng là đề tài cho vô số cuộc trao đổi, thảo luận cũng như những cuốn sách về dạy trẻ.
Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của một mẹ Việt - chị Trần Bích Hà, người đã nuôi dạy con gái cực kỳ tự lập, tự tin xa gia đình ở lứa tuổi mà nhiều cha mẹ vẫn còn chăm sóc con từng li từng tí.
Vào tháng 7/2005 – hơn 7 tuổi rưỡi, con gái tôi một mình đi tham dự trại hè tại trường Concord, Anh. Hơn một năm sau, lúc gần 9 tuổi - bé lại một mình với ba lô trên vai, dấn thân vào cuộc “trường chinh” của hành trình du học.
Nhiều bạn bè đặt câu hỏi: tôi đã làm gì, để con gái có đủ tự lập, tự tin lựa chọn cuộc sống xa mẹ, xa gia đình, đến một nơi hoàn toàn xa lạ, sống nội trú với bạn bè đến từ nhiều nước khác nhau? Một điều đặc biệt là tại các trường đó, con luôn là học sinh Việt nam đầu tiên và duy nhất. Có lẽ, mọi việc bắt đầu từ ngày 22/11/1997 – khi con gái tôi tròn 10 ngày tuổi.
Nắm trong tay bảo bối là vài chục cuốn sách dạy cách nuôi con của các tác giả Mỹ, trong đó có những cuốn chỉ dẫn hết sức cặn kẽ về sự phát triển từng tuần từ khi mới sinh của trẻ nhỏ - bà mẹ “không còn trẻ” (là tôi), quyết định biến con gái thành “con thỏ thử nghiệm” của những kiến thức từ sách vở.
Và sau đây là những bài học về tự lập đầu tiên tôi đã dạy con:
1. Tự nhận biết no hay đói, tự quyết định bú bao nhiêu sữa là đủ
Hai tháng đầu, con gái tôi bú sữa mẹ xen kẽ bình ngon lành, lần bú nhiều, khi bú ít, tôi không ép. Nhưng khi được khoảng 2 tháng, con bắt đầu phân biệt được sữa mẹ và sữa bình, và thể hiện sự yêu thích sữa mẹ bằng cách đẩy bình ra, đúng vào thời điểm mẹ hết sữa.
Thay vì hiểu là mình hết sữa, dứt ngay việc cho bú, để con bú bình thì quá mất bình tĩnh, tôi cố cho con mút từng giọt sữa của mẹ. Tôi nuôi hy vọng mong manh do các cụ “nhồi” vào đầu là: cứ cho nó mút, sữa sẽ ra. Tôi cũng bị ám ảnh bởi sự dọa dẫm của mọi người: nếu không có sữa mẹ, con sẽ đau ốm suốt ngày... Rồi tôi căng thẳng, mất ngủ, sữa mất hẳn sau 2-3 tuần. Con càng cương quyết hơn trong việc từ chối bú bình.
Nhiều người nhỏ to khuyên nhủ: “Phải ép thì nó mới ăn đủ”, và bày cho tôi cách ép bé ăn. Ép chưa đủ, nhiều người dọa đủ kiểu. Con bắt đầu ói sau mỗi bữa ăn – mẹ bắt đầu khóc vì lo lắng.
Nếu được làm lại: tôi sẽ làm theo đúng sách dạy, nghĩa là chẳng cần ép, đói quá bé sẽ ăn, cũng để dạy cho bé rằng: nếu không thể có lựa chọn tốt nhất (là sữa mẹ), thì phải chấp nhận lựa chọn thứ hai (là sữa bình). Còn nếu từ chối sữa bình, thì sẽ bị đói.
Tập cho con ăn đúng theo nhu cầu cơ thể, chứ không ép là bài học quan trọng đầu tiên các bậc bố mẹ cần thực hiện, để giúp con tự lập từ những ngày đầu tiên. Việc ép ăn xảy ra, chủ yếu do tâm lý chúng ta không tin trẻ con mới đẻ có khả năng nhận biết là chúng no hay đói. Sự can thiệp thô bạo vào quá trình nhận biết (bằng cách ép trẻ ăn), sẽ làm trẻ sợ ăn, và mất luôn cảm giác đói.
2. Luyện cho các bé nằm chơi một mình, không bế ẵm nhiều
Đừng bao giờ nghĩ trẻ được bế là sướng. Việc bế ẵm sẽ làm trẻ con mất dần cảm giác dùng phương tiện duy nhất lúc đó là tiếng khóc để thể hiện nỗi sợ, hoặc sự cần thiết được người lớn chăm sóc đúng lúc. Nếu được luyện đúng cách ngay từ ngày đầu tiên, đứa trẻ sẽ chỉ khóc khi đói, khi cần thay tã, khi mệt mỏi. Lúc ăn no, nằm hoặc ngồi chơi giúp các bé có thể tự lập để quan sát mọi sự việc xảy ra xung quanh, mọi âm thanh vẳng tới một cách thanh thản – và vì vậy, giúp cho sự phát triển toàn diện nhanh hơn nhiều (cả về trí não và cơ thể).
3. Một số mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ con
Nếu bố mẹ biết tận dụng tốt, sẽ dạy được con những bài học quý giá về tự lập:
- Từ 3,5 tháng trở đi là thời điểm tốt nhất để tập cho bé nhai và cầm đồ vật. Bạn có thể dạy cùng lúc cả 2 kỹ năng này, bằng cách cho bé cầm nhai những thức ăn phù hợp. Nếu có điều kiện, có thể mua các gói bánh dành cho trẻ 3,5 tháng tuổi. Cái dở của dùng bánh là phí phạm, vì thường thì các bé chỉ gặm rất ít thì làm rơi, hoặc vứt đi. Vì vậy, tôi đã “sáng tạo” dùng cà rốt hoặc khoai lang sống, rửa sạch, gọt vỏ, bổ tư theo chiều dọc, bé rơi thì tôi thay miếng mới.
- Khoảng hơn 4 tháng tuổi, con gái tôi đã tự cầm thìa để xúc đồ ăn, lúc đầu không đưa vào mồm mà đổ hết xuống đất, thậm chí đổ lên đầu. Tôi cứ kệ cho bé nghịch, đến quãng 7 tháng thì một nửa đồ ăn đã được bé tự cho vào mồm.
Tự lập trong việc xúc đồ ăn, là bước khởi đầu rất quan trọng trong việc dạy con tự lập. Nếu bạn bỏ qua giai đoạn này chỉ vài tháng, sau đó bé sẽ không tự nguyện cầm thìa nữa, việc tự ăn uống trở nên khó khăn hơn nhiều. Bé sẽ khó tự lập trong việc ăn uống.
- Từ 5 tháng, theo bản năng là xương đủ cứng cáp, nên tập cho bé ngồi. Biết ngồi, sẽ là bước tiến quan trọng trong việc giao tiếp giữa bố mẹ và con. Bé ngồi được, nghĩa là bạn có thể đặt bé ngồi ở sàn, hoặc ghế có dây nịt bảo vệ, để đọc sách cho bé nghe, dạy bé các trò chơi thích hợp mà lúc nằm bé không thể làm được.
- Từ 7 tháng, bé đủ cứng cáp để tập đi. Các bạn cũng nên bắt đầu tập cho bé đi vào đúng thời điểm này. Nếu tập đúng, chỉ quãng vài ngày sau là bé có thể đi men, và quãng 8-9 tháng là đi rất vững rồi. Tự đi được sẽ là bước tiến “vĩ đại” trong hành trình dạy con tự lập. Khi đã biết đi, bạn nên để cho bé tự đi, chứ không bế nữa. Chỉ bế khi có nhu cầu giao tiếp bố mẹ với con.
- Hơn 1 tuổi, khi đi ra ngoài, tôi đều cho con tự đi với dây nịt, chứ không bao giờ bế. Nếu con mỏi, tôi cho ngồi nghỉ. Tôi rất kiên trì và cương quyết về việc này, nên lúc 17 tháng, trong chuyến đi thăm Hội An, con gái nhỏ của tôi đã có thể đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ cùng tôi, khi dạo chơi thăm thành phố. Con bé cương quyết không cho ai bế, lúc mỏi thì ngồi vệ đường nghỉ, đỡ lại đứng lên đi tiếp. Tự đi trên chính đôi chân của mình, chính là bước tiến quan trọng trong việc rèn luyện sự tự lập cho con cái. Con cũng tự đi dép có quai hậu lúc trên dưới 1 tuổi, nhưng rất hay đi ngược giữa chân trái và chân phải.
4. Đề phòng nguy hiểm
Để tránh nguy hiểm sau khi bé biết đi và có thể tự lập và tự do khám phá, bạn cần bố trí lại đồ vật trong nhà. Lối lên cầu thang phải có cửa để có thể cài chặt. Tôi dạy con tập bò lên bò xuống cầu thang khi con chừng 5-6 tháng, nhưng luôn cài chặt cửa cầu thang, đề phòng lúc người lớn sơ ý, bé bò một mình. Các đồ gỗ có góc nhọn đều được bọc lại để không gây nguy hiểm khi bé va vào. Tôi di chuyển toàn bộ ổ cắm điện lên cao 1,2m đề phòng điện giật... Bởi vậy, bắt đầu từ lúc biết đi chập chững, con gái tôi có thể và được quyền tự do đi lại một mình trong nhà, mà tôi không có gì phải lo lắng. Riêng lên xuống cầu thang, tôi vẫn phải kèm theo kiểu con bò trước mẹ bò sau khi lên, và ngược lại khi bò xuống. Để tập tính tự lập cho con, tôi chấp nhận nhà cửa và đồ gỗ bị xấu đi, cất hoặc để hết các đồ dễ vỡ lên cao.
Đến khi tròn 1 tuổi, con gái tôi đã tỏ ra rất tự lập: tự ăn, tự đi lại trong nhà và tự chơi một mình khi mẹ bận, tự đi bộ khi ra ngoài đi chơi cùng mẹ... Tuy con chưa biết nói, nhưng tôi đã có thể nhờ con nhiều việc như: lấy báo cho mẹ, đem trái cây mời bà (tất nhiên là chỉ những thứ quả nhỏ và nhẹ)
Vì vậy, muốn con tự lập, bố mẹ cần:
- Có niềm tin vào khả năng của con.
- Tập cho con từng việc vào đúng lúc và đúng cách.
- Luôn động viên bằng cách khen (nêu rõ vì sao khen) khi con cố gắng tự làm được việc gì đó.
- Kiên trì, không sốt ruột, kể cả lúc bạn có tâm lý vội. Tốt nhất, hãy lập kế hoạch sao cho không lúc nào phải vội vàng khi tập cho trẻ việc gì đó. Tuyệt đối tránh làm hộ trẻ. Khi bé làm chậm – đừng tặc lưỡi theo kiểu: mình làm hộ cho xong, còn làm việc khác, rồi dành việc của trẻ. Bạn sẽ làm con mất tự tin, và ý muốn tự lập sẽ giảm dần, rồi mất hẳn.