- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Mẹ Việt ở Nhật: "Dẹp hết" các phương pháp giáo dục đi và hãy làm điều này cho con hàng ngày
Đừng đưa con ra làm vật thí nghiệm cho các phương pháp giáo dục rồi lại đẽo cày giữa đường!
Đừng đưa con ra làm vật thí nghiệm cho các phương pháp giáo dục rồi lại đẽo cày giữa đường!
Làm thế nào để nuôi dạy con hiệu quả, thành đạt, nên người luôn là mối bận tâm lớn của các bậc cha mẹ. Thật may mắn là trong thời đại công nghệ và xã hội hóa hiện nay, phụ huynh có thể tiếp cận các tài liệu, kiến thức nuôi dạy con dễ dàng hơn bao giờ hết. Dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Do Thái; làm thế nào để dạy con thông minh, thành công... Không chỉ tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con qua sách, báo, internet mà các bậc cha mẹ còn có thể tham gia vào các lớp dạy kĩ năng được mở ra phổ biến, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Chính sự nở rộ của các phương pháp dạy con đó
đã khiến các bậc phụ huynh như bị lạc vào "mớ bòng bong", không biết
nên dạy con theo phương pháp nào và kỳ vọng con mình cũng giỏi giang như
bé A, bé B... đã từng được dạy theo kiểu này, kiểu kia.
Cũng là mẹ của một cô công chúa hơn 4
tuổi, đồng thời đang nghiên cứu về giáo dục mầm non tại Nhật Bản, chị
Đinh Thị Thu Hằng đã "bắt đúng bệnh" của các cha mẹ Việt hiện nay:
phương pháp nào cũng muốn dạy con và kỳ vọng vào con quá nhiều trong khi
lại không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu và áp dụng tường tận từng phương
pháp.
Chị Thu Hằng cũng đưa ra một gợi ý cho các bố mẹ, đó là thay vì dạy con theo các phương pháp, hãy cùng con làm những việc giản đơn hàng ngày như ôm hôn con, kể chuyện cho con nghe, chơi và làm cùng con... Những việc đó có giá trị "bằng tất cả các phương pháp kia gộp lại" và "bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng từ con mình".
Chia sẻ của chị Thu Hằng đã nhận được sự gật gù tâm đắc của hàng trăm bậc cha mẹ thông qua các comment tán đồng.
Mình chân thành khuyên những bạn, những ông bố bà mẹ đã và đang cảm thấy lạc vào mê hồn trận của các phương pháp giáo dục, từ giáo dục sớm đến không sớm, kích hoạt não phải cho đến não giữa
của con rằng: Nếu bạn không hiểu/ không đủ thời gian tìm hiểu/ không đủ
kiên nhẫn hay kiến thức để hiểu tường tận bản chất của mỗi phương pháp
thì HÃY DẸP HẾT những thứ đấy qua một bên.
Phương pháp giáo dục cũng chỉ do con người áp dụng và muốn có kết quả thì cần phải có sự đầu tư, sự kiên nhẫn. Chưa làm mà đã ngại và sợ thì thôi đừng làm, đừng đưa con ra làm vật thí nghiệm rồi lại đẽo cày giữa đường. Vốn dĩ cái các bạn thấy (biểu hiện của một vài em bé, cái mà các bạn kỳ vọng con mình cũng làm được thế) là cái mà bố mẹ các em đấy cũng đã phải dành thời gian đồng hành cùng con, dạy dỗ một con người là cả quá trình, bạn còn theo con cả một chặng đường dài chứ không phải "vài năm đầu đời" đâu ạ.
Bạn có thể:
1. Đón con và ôm con vào lòng, nói với con rằng bạn nhớ con như thế nào khi bạn xa con đi làm.
2. Cả 2 mẹ con rủ nhau đồng thanh chào cô, cảm ơn cô, chào bác bảo vệ và hẹn gặp lại ngày mai.
3. Nắm tay hoặc chở con và hỏi xem ngày hôm nay ở trường của con ra sao?
4. Hãy để con được cầm/mang đồ dùng của mình (cặp, mũ, ô).
5. Bàn với con xem cả nhà sẽ nấu và ăn gì tối nay? Bàn với con xem kế hoạch tối nay 2 mẹ con/ cả nhà sẽ cùng làm gì?
6.
Kể cho con nghe hôm nay bạn ở cơ quan như thế nào, hãy khoe với con nếu
bạn đã hoàn thành xong việc, hãy nói với con bạn đã nỗ lực cố gắng ra
sao. Và nếu bạn có trục trặc với công việc, đừng ngại khi nói với con,
nói với con bạn cảm thấy thế nào, và bạn sẽ không dừng cố gắng.
7. Hãy cho con tự mở cửa nhà bằng ổ khoá.
8.
Hãy để cho con chia sẻ công việc nhà với bạn để con thấy mình có trách
nhiệm. Nếu sợ con rửa bát sẽ làm vỡ, hãy cho con 1 cái khăn để con lau
bát sau khi bạn rửa. Nếu sợ con đứt tay khi cắt rau củ, hãy chỉ cho con
biết bộ phận nào của con dao sẽ khiến con bị đứt tay nếu không cẩn thận.
Sợ con giật điện khi cắm cơm thì hãy để con thực hiện phần đổ gạo và vo
gạo.
9. Lâu lâu hãy cùng tắm với con, hỏi con và tranh thủ dạy con cách bảo vệ bản thân.
10. Hãy để con sấy tóc cho mình và làm ngược lại. Hãy khen mái tóc con thật, khen làn da con, hãy ngắm gương mặt con và dành cho con nụ cười thật tươi. Hãy nói với con là con giống ai, nụ cười giống ai, và đừng ngại khi cho con biết bạn yêu mẹ của con/bố của con như thế nào?
11. Hãy để con tự/ cùng con chuẩn bị đồ cho ngày mai đi học.
12. Cùng con chọn sách và đọc sách. Đôi khi, bạn sẽ không hỏi con sau khi đọc sách xong mà hãy gợi ý xem con có hỏi gì mẹ/bố không?
13. Tắt đèn, ôm con nói chuyện vẩn vơ, có thể hát ru cho con, có thể nói chuyện của ngày mai một chút, hôn và chúc con ngủ ngon, có một giấc mơ đẹp.
14. Hãy nói với con rằng "Mẹ/Bố yêu con!".
Mình tin những điều trên hoàn toàn đơn giản, không khiến các bạn nặng đầu hay lạc vào mớ bòng bong của các phương pháp giáo dục này nọ.
Mình tin những điều trên nếu lặp đi lặp lại, thường xuyên, nó sẽ bằng tất cả các phương pháp trên gộp lại, và bạn sẽ nhận được những kết quả xứng đáng từ con mình.
Bạn sẽ làm được, phải không?
Theo Trí thức trẻ