Quan điểm của TS Việt gây sốt: Không nhất thiết con trai phải chơi ô tô, con gái chơi búp bê

Có thể không hẳn là trời sinh tính, mà là bố mẹ đã một phần tạo dần ra tính cách đó của con mà không hề hay biết, đôi khi chỉ bắt đầu bằng món đồ chơi đầu tiên chúng ta đặt vào tay bé.

Có thể không hẳn là trời sinh tính, mà là bố mẹ đã một phần tạo dần ra tính cách đó của con mà không hề hay biết, đôi khi chỉ bắt đầu bằng món đồ chơi đầu tiên chúng ta đặt vào tay bé.

Cách đây ít ngày ông chủ facebook Mark Zuckerberg đã vui mừng thông báo cô con gái Maxima Chan Zuckerberg vừa tròn 1 tuổi và đi kèm với đó là bức ảnh cả gia đình đội mũ sinh nhật vô cùng ấm áp, hạnh phúc. Bức ảnh đã thu hút hàng trăm nghìn lượt like và chia sẻ. 

Ảnh Max
Bức ảnh chụp bé Maxima tròn 1 tuổi.

Không dừng lại ở một bức ảnh sinh nhật đơn thuần, theo chị Nguyễn Phương Mai, tiến sĩ - giảng viên đại học Kinh tế Amsterdam (Hà Lan), một chuyên viên về những vấn đề giao thoa văn hoá Đông Tây cho rằng bức ảnh chứa đựng một thông điệp của cặp vợ chồng quyền lực Mark và Priscilla: "Nếu bạn để ý kỹ sẽ thấy cách em ăn mặc thực chất là một thông điệp rất kiên định của Mark và Priscilla - một trong những cặp bố mẹ quyền lực nhất thế giới khi nắm trong tay mạng facebook. Em bé Maxima thường xuyên xuất hiện với quần áo màu xanh (một màu truyền thống của bé trai), phong cách unisex - tức là không phân định rõ giới tính, cùng những hình in áo rất phong cách, ví dụ như trong tấm ảnh này là người ngoài trái đất. Khi bé Maxima mới ra đời, hai vợ chồng cũng chụp em với cuốn sách: "Quantum physics for babies" - Cơ học lượng tử cho bé".

Từ bức ảnh này, Chị Phương Mai đã bày tỏ quan điểm của mình về tầm quan trọng của cách nuôi dạy con ảnh hưởng tới sự hình thành  tích cách con trẻ. Được sự đồng ý của TS Phương Mai, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn bài viết:

Trẻ con chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cách nuôi dạy của bố mẹ. Và vì bố mẹ nào cũng là người thường, tức cũng là nạn nhât ít nhiều của định kiến, chúng ta luôn áp đặt một cách vô thức chức năng giới lên con cái mình. Chúng ta mua búp bê, đồ chơi nấu ăn và y tá cho bé gái, nhưng lại mua ô tô, mô hình lắp ghép và đồ chơi bác sĩ cho bé trai. Chúng ta khen bé gái "xinh" nhưng khen bé trai "thông minh". Chúng ta la rầy bé gái khi nó tò mò "nghịch dại" nhưng lại thanh minh cho bé trai rằng nó chỉ là "hiếu động". 

Chúng ta dạy con gái làm việc nhà và thả rông con trai chơi điện tử. Chúng ta bao bọc canh giữ con gái đến mức kìm hãm, nhưng lại mong con trai trở thành kẻ phong lưu trải đời. Chúng ta bảo con gái học nhiều khó lấy chồng, nhưng lại mong con trai là trụ cột tài chính gia đình. Tích tiểu thành đại, cả bé trai và bé gái lớn lên với những quan điểm giới đôi khi là gông cùm cho cả cuộc đời.

Kể cả khi bố mẹ rất có ý thức về bình đẳng cơ hội, nhưng thật khó quản trẻ 24/7 trong một xã hội tràn ngập định kiến giới. Nhà trẻ, TV, ông bà, bạn bè, những hành động lời nói của người lớn... luôn là hình mẫu để trẻ bắt chước. Con người là động vật ́́́́́bầy đàn. Bé thấy các bạn nam ở mẫu giáo chơi ô tô, các bạn nữ chơi búp bê, hay mẹ lúc nào cũng rửa bát bế em, bố lái xe chơi game... sẽ dần thay đổi khái niệm và hành vi.

Các phương tiện thông tin quanh trẻ em tràn ngập định kiến và khuôn mẫu. Phim hoạt hình hay chuyện cổ tích toàn cảnh các cô gái chờ hoàng tử đến đón đi mới có thể hạnh phúc, không xinh nhất định không thành nguời tử tế. Đàn ông mà không giàu, sang, hay đánh nhau giỏi thì đừng hòng kiếm được vợ. Mở TV ra xem là thấy các quảng cáo đánh vào bộ não lười biếng của người xem bằng định kiến và khuôn mẫu. Quảng cáo xà phòng giặt mà cho vào đó một ông chồng ôm giỏ quần áo bẩn thì các nơ ron thần kinh của người tiêu dùng sẽ nháy lên tín hiệu: Ơ kìa! Lạ nhỉ!

Trẻ con công bằng và sáng suốt hơn rất nhiều. Tôi nhớ có một đoạn video trong đó một bé gái lớn tiếng chỉ ra sự khác biệt giữa các chữ in trên mẫu áo phông nam và nữ. Bé chỉ trích mạnh mẽ: Tại sao chữ trên áo phông nam thì "Trở thành một anh hùng" (Be a hero), còn trên áo nữ thì "Tôi cần một anh hùng" ( I need a hero)?

Tuy nhiên, thế giới marketing và quảng cáo đã bắt đầu chuyển hóa rõ rệt với các thông điệp trách nhiệm xã hội. Ngày càng có nhiều công ty chủ động thiết kế các chiến dịch sản phẩm dựa trên các giá trị tiến bộ về bình đẳng cơ hội nhằm mục đích thu hút các bậc bố mẹ văn minh. Công ty đồ chơi Toy R Us chẳng hạn, luôn có các catalogue sản phẩm với các bé gái chơi bóng, bé trai nấu ăn, hay cả hai bé chơi thiết kế ô tô.... Những hình mẫu phim ảnh cũng thay đổi dần dần. Trong bộ phim hoạt hình Frozen, hai cô công chúa nhân vật chính đều mạnh mẽ, tự tin, thậm chí một hoàng tử không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đời như thói thường, mà sức mạnh tối thượng lại là tình yêu chị em ruột thịt.

Điều nguy hiểm của định kiến giới cho trẻ con và cho chính chúng ta là sự khác biệt khủng khiếp giữa nam và nữ, như thể đó là hai giống loài khác nhau vậy. Những cuốn sách hời hợt như "Đàn ông đến từ sao hỏa, đàn bà đến từ sao kim", hay khái niệm "bộ óc đàn ông" và "bộ óc đàn bà".... dù bị giới khoa học chỉ trích thậm tệ nhưng vẫn là kiến thức phổ thông của đại chúng. 

Đồ chơi
Bé có thể chơi búp bê để học cách chăm sóc người xung quanh, chơi nấu ăn để biết giúp cha mẹ việc nhà (Ảnh minh họa).

Những kiến thức khoa học nửa vời này cho rằng sinh học giới mạnh hơn văn hoá. Đại ý dù đứa trẻ lớn lên ở hoang đảo thì những bé gái vẫn thích màu hồng, những bé trai vẫn thích màu xanh. Sự thật là, nếu nó lớn lên trên hoang đảo cùng những đứa bé gái thích màu hồng thì nó cũng sẽ thích màu hồng. Nếu nó lên lên trên hoang đảo cùng chó sói thì nó sẽ tru như chó sói và không cần biết màu hồng là màu gì. Văn hoá luôn mạnh hơn sinh hoá. Con người khác con vật cơ bản ở chỗ con người sống theo cihỉ đạo của văn hoá, con vật sống theo chỉ đạo của gene.

Ngành sinh học tiến hoá và thần kinh đã cho chúng ta hiểu rằng không hề có sự phân biệt sinh học một cách quá rõ ràng như vậy, và GIỚI không đơn thuần là thể nhị nguyên. 

Đàn ông hay đàn bà chỉ là hai cái mác lười biếng chúng ta dán cho một tổng hoà những cơ chế rất phức hợp mà không thể phân định đơn giản bẳng một đường ranh giới đơn thuần.  Thực tế, ai cũng có tiềm năng thể trở thành một thực thể vô cùng phức tạp, hội tủ đủ những yếu tố khuôn sáo của cả nam và nữ. 

Đẻ con trai chưa chắc đã là trai, sinh gái chưa hẳn sẽ có cháu ngoại. Bé có thể chơi cả búp bê lẫn ô tô, rồi thay đổi, vặt đầu búp bê, chuyển sang thích vật nhau, rồi hát ru giỏi hơn cả nghệ sĩ trên đài. Trong vở kịch tự biên tự diễn bé vừa là hoàng hậu vừa là THẰNG ăn mày.

Thay vì để định kiến vô thức lèo lái, chúng ta có thể chủ động dùng ý thức để giảm thiểu hậu quả phần nào. Bé có thể chơi búp bê để học cách chăm sóc người xung quanh, chơi nấu ăn để biết giúp cha mẹ việc nhà, chơi trò giáo viên (không nhất thiết phải là cô giáo) để biết cách truyền đạt kiến thức và giao tiếp hiệu quả, đóng giả làm siêu nhân để hiểu giá trị của lòng nhân từ khi mình là kẻ có sức mạnh. Những đức tính này không có giới tính. Và phụ huynh văn minh sẽ hiểu rằng đồ chơi chính là công cụ quan trọng trong hình thành nhân cách.

Hẳn nhiên dù chúng ta có công bằng thế nào thì bé cũng sẽ lớn lên, đi học, thoát khỏi vòng tay ta và tiếp tục trở thành nạn nhân của định kiến, hệt như ta và hàng tỷ ngưởi khác. Không ai có thể 100% thoát khỏi định kiến, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể Ý THỨC được mình là nạn nhân, và dần chú ý hơn vào những lời nói thói quen vô thức hàng ngày của mình. Ít nhất là để biết rằng, khi bé ở quanh ta, ta đã có ý thức góp phần giảm thiểu tối đa những gánh nặng định kiến cho bé yêu của mình.

Có thể không hẳn là trời sinh tính, mà là bố mẹ đã một phần tạo dần ra tính cách đó của con mà không hề hay biết, đôi khi chỉ bắt đầu bằng món đồ chơi đầu tiên chúng ta đặt vào tay bé.

 Theo FB Phuong Mai Nguyen / Trí Thức Trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.