Cuộc đời của Trình Tuấn (sinh năm 1984) là một hành trình đầy hoài bão và những ngã rẽ bất ngờ, từ những chuỗi ngày trở thành vô địch Robocon cho đến lúc vợ mất và trở thành ông bố đơn thân. Nhưng dù bao biến cố xảy ra, ông bố đơn thân này vẫn khiến người ta phải ngưỡng mộ vì những điều mà anh đã làm được khi đối mặt với số phận trớ trêu.
Hành trình xin sữa nuôi con sau khi vợ mất của ông bố đơn thân Trình Tuấn đã được nhiều người biết đến trong suốt thời gian qua. Mới đây, anh cho ra mắt cuốn tự truyện “Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ” để chia sẻ lại những chặng đường và dấu mốc quan trọng mà anh đã đi qua. Cùng Deca trò chuyện với anh để biết thêm về thử thách mới trong cuộc sống hiện tại, từ công việc đến nuôi dạy con của ông bố đơn thân từng là cựu vô địch Robocon.
Chào anh Trình Tuấn, anh có thể chia sẻ đôi chút về những điều anh muốn nhắn nhủ qua cuốn tự truyện của mình?
“Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ” kể về những câu chuyện và dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời tôi từ lúc còn là một cậu học trò Trình Tuấn đam mê robot đến lúc tham gia đội tuyển Robocon của trường Bách Khoa TP Hồ Chí Minh và cùng đồng đội mang về giải vô địch Robocon Châu Á – Thái Bình Dương. Sau đó là về mối tình của tôi với mẹ Ủn, giai đoạn chúng tôi kết hôn và mẹ Ủn mang thai. Cuốn tự truyện còn kể về biến cố lớn khi bé Ủn chào đời được 10 ngày thì mẹ mất vì bệnh nặng. Và tiếp theo đó là hành trình ba Ủn đi xin sữa mẹ cho con suốt hai năm trời.
Năng lượng của cuốn sách giúp mọi người nhìn mọi thứ tích cực hơn và cảm những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Anh có thể chia sẻ về công việc hiện tại cũng như dự định ấp ủ trong tương lai?
Hiện tại tôi đang khởi nghiệp với sự án BabyMe, là ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho con dành cho các bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ. Trong quá trình nuôi con, tôi tiếp xúc nhiều và hiểu những khó khăn của người mẹ. Lấy cảm hứng từ đó, tôi đã phát triển ứng dụng này để giúp cho các bà mẹ theo dõi tình hình sức khỏe của con theo giai đoạn phát triển.
Ngoài ra, tôi đang chuẩn bị cho Hành trình Sữa mẹ xuyên việt vào tuần đầu tiên của tháng 8. Tôi đã khởi xướng hành trình này vào năm ngoái với vai trò đại sứ sữa mẹ, đi từ Hà Nội đi vào Cần Thơ. Năm nay tôi muốn thực hiện hành trình tới nhiều địa phương hơn để kêu gọi và chia sẻ kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ.
Hiện bé Ủn đã được 2 tuổi rưỡi, là lứa tuổi trẻ rất hay mè nheo, “ăn vạ”. Có lúc nào bé khiến ba “điên đầu” vì điều này không?
Ủn cũng giống như bao đứa trẻ khác, có lúc mè nheo, khóc lóc đòi người lớn phải chiều theo, nhất là khi bé đang ở thời kỳ “khủng hoảng tuổi lên 3”. Những lúc đó tôi sẽ xem con khóc vì đói, ốm hay mè nheo. Nếu là đói thì đáp ứng nhu cầu của bé là cho ăn, nếu là ốm thì phải chăm sóc, đưa đi bác sĩ. Nhưng trường hợp bé khóc vì mè nheo thì tôi rất kiên quyết và không chiều theo. Theo bản năng bé sẽ dần “miễn dịch” và không tái diễn nữa.
Trẻ con thường rất thích tivi, điện thoại, máy tính bảng… Và thực tế hiện nay có nhiều ông bố, bà mẹ coi chúng là món đồ chơi cho trẻ nhỏ. Còn anh thì sao?
Tôi đã quyết định vứt cái tivi của nhà đi vì Ủn. Còn điện thoại và máy tính bảng thì tôi không cho Ủn tiếp xúc. Cá nhân tôi nghĩ rằng những thứ như tivi, điện thoại, máy tính bảng sẽ làm trẻ tập trung vào đó, làm giảm thời gian, khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh. Tôi cho rằng việc để trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử quá sớm là một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ trẻ tự kỷ, chậm nói. Tôi ý thức rất rõ điều đó nên đã đặt ra những quy tắc như vậy cho bản thân trong việc nuôi dạy Ủn.
Thường ba Ủn dành thời gian chơi với con thế nào?
Khi có thời gian, tôi thường đưa Ủn đi dạo và kể cho bé những thứ xung quanh. Còn nếu ở nhà, tôi sẽ cho bé chơi các đồ chơi thông minh, đồ chơi nhiều màu sắc hoặc chơi những trò vận động mà bé thích như “trò bắt gió đuổi gió”, nhảy múa, nhảy chân,…
Trước kia tôi và mẹ Ủn từng theo đuổi dự án đồ chơi an toàn cho trẻ em. Chính vì vậy, tôi hiểu rất rõ đồ chơi nào là tốt cho con, trong đó tôi chủ yếu chọn cho con các loại đồ chơi gỗ như xếp hình, lắp ghép. Đó hầu hết là các món đồ chơi giúp trẻ phát triển sự khéo léo của bàn tay, trí não.
Có lúc nào anh thấy mệt mỏi vì vừa phải làm vai trò người cha, vừa phải làm vai trò người mẹ?
Quan điểm của tôi khá hiện đại. Ngay từ khi yêu mẹ Ủn, tôi đã vào bếp phụ nấu ăn và còn nấu ăn khá ngon nữa đấy. Dù có bà nội giúp đỡ nhưng hiện tôi vẫn thường xuyên nấu ăn cho Ủn và Ủn cũng rất thích ăn đồ ba nấu. Có thể là do tôi làm quen nên không phân biệt được cái nào đáng lẽ là việc của mẹ, cái nào là việc của ba. Và hiện tôi thấy vẫn đang làm ổn.
Nếu như có một người phụ nữ yêu anh và muốn cùng anh nuôi dạy bé Ủn, anh có sẵn sàng để người đó bước vào cuộc sống của hai cha con?
Bản thân tôi một mình vấp ngã, một mình đứng lên trong thời gian qua cũng có lúc mệt mỏi và muốn có người để yêu thương, để chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Bé Ủn cũng cần một người mẹ, cần một gia đình đầy đủ… Còn chuyện khi nào mới có được thì tôi không gò ép. Mọi người thường giục tôi tìm mẹ cho Ủn. Nhưng trước khi tìm mẹ cho Ủn thì cần tìm người yêu mình trước đã chứ phải không nào? (Cười). Mọi việc tôi để cho nó tự nhiên. Khi nào thấy sẵn sàng và phù hợp thì tôi sẽ bước tới.
Xin cảm ơn anh!