Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa

Ông Thịnh, người nuôi hàng nghìn con lươn trong can nhựa ở Hậu Giang, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng có những chia sẻ bất ngờ về kỹ thuật nuôi lươn thành công.

 

Ông Bùi Tấn Thịnh (ngụ phường 4, TP. Vị Thanh, Hậu Giang) là người sáng tạo ra cách nuôi lươn trong can nhựa độc nhất vô nhị ở miền Tây.

Ông Thịnh vốn là thầy giáo dạy toán đã về hưu. Ông cho biết, có rất nhiều người học theo cách nuôi lươn trong can nhựa của ông, tuy nhiên do không hiểu hết kỹ thuật nên thất bại. “Không phải ai cũng nuôi lươn trong can nhựa thành công, phải biết cách và làm đúng kỹ thuật lươn mới nhanh lớn”, ông nói.

Ông kể, trước đây ông nuôi lươn trong bể xi măng nhưng lươn chậm lớn và chết nhiều.

Thất bại, nhưng ông không nản chí. Năm 2013, ông nghĩ ra cách nuôi lươn trong can nhựa dưới môi trường nước tự nhiên.

“Tôi mua can nhựa loại 30 lít về rửa sạch rồi khoan nhiều lỗ xung quanh với kích cỡ khoảng 10mm. Các lỗ này có tác dụng cung cấp ô xy để lươn sống đồng thời thải loại thức ăn dư thừa, chất dơ trong can. Sau đó, xỏ các thanh tre có chiều dài khoảng 4-5cm để lươn quấn vào sinh trưởng", ông kể.

Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-1
Ông Thịnh - "cha đẻ" của mô hình nuôi lươn trong can nhựa
Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-2
Can nhựa được ông Thịnh khoan lỗ, rồi xỏ cây tre ngang
Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-3
Sau đó, ông cho lươn giống vào nuôi 

“Mỗi lỗ khoan trên can nhựa cách nhau từ 5-6cm. Nhưng quan trọng nhất là cách xỏ cây tre. Xỏ cây tre đúng cách là ở phía miệng can, cách mỗi lỗ khoan mình xỏ 1 cây, phía bên còn lại phải xỏ cây tre ở 3 lỗ khoan gần kề nhau.

Nhiều người học theo cách nuôi lươn trong can nhựa, nhưng thất bại là ở chỗ này”, ông Thịnh tiết lộ.

Sau khi bỏ lươn giống vào các can nhựa, ông Thịnh đem thả xuống ao, treo cố định vào một khung tre hình chữ nhật, khung tre cách mặt nước khoảng 40-50cm. Các can nuôi lươn cách mặt nước từ 20-30cm.

Đặc biệt, ông Thịnh thiết kế một túi vải xung quanh có khoét nhiều lỗ rồi để thức ăn vào đó. Túi này được xỏ dây cố định ở nắp can, khi đói lươn sẽ tự rỉa thức ăn trong túi, tiết kiệm được lượng thức ăn bị trôi ra bên ngoài.

Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-4
Ông Thịnh thiết kế một túi vải được cố định ở nắp can, xung quanh có khoét nhiều lỗ để cho thức ăn vào đó. Khi đói, lươn sẽ tự động rỉa thức ăn trong túi, tiết kiệm được lượng thức ăn bị trôi ra bên ngoài
Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-5
1 can nhựa nuôi được khoảng 1kg lươn giống, khi xuất bán có thể đạt từ 15-16kg lươn thành phẩm. Trung bình 1 can lươn cho lợi nhuận gần 2 triệu đồng

“Túi vải có 3 tác dụng: Thứ nhất, tiết kiệm được lượng thức ăn bị trôi ra bên ngoài; Thứ hai, có thể vệ sinh, mỗi ngày mình có thể thay túi vải, đem túi cũ đi giặt; Thứ ba, có thể theo dõi lươn mạnh hay yếu.

Con lươn mạnh sẽ ăn hết thức ăn trong túi; còn lươn yếu thì còn thức ăn thừa, khi đó mình có thể dùng thuốc kháng sinh cho lươn. Thức ăn của lươn là giun đất, ốc bươu vàng,... Cho lươn ăn vào 3h chiều mỗi ngày”, ông Thịnh nói.

Trung bình một can nhựa, ông Thịnh nuôi được khoảng 1kg lươn giống và sau khoảng 8 tháng nuôi có thể thu hoạch.

Khi xuất bán, một can nhựa có thể đạt từ 15-16kg lươn thành phẩm, giá bán 220.000-260.000 đồng/kg, trừ chi phí lời khoảng 1,9 triệu đồng. "Với hơn 80 can lươn, trừ chi phí mỗi năm tôi có thể thu về vài trăm triệu đồng”, ông Thịnh nói.

Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-6
Ông Thịnh đặt các thùng lươn dưới ao và treo cố định vào một khung tre hình chữ nhật, khung tre cách mặt nước khoảng 40-50cm
Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-7
Việc đặt các can lươn dưới ao thế này, người nuôi không cần thay nước 
Giật mình cảnh hàng nghìn con lươn cuộn trong can nhựa-8
Lươn giống phải là lươn được mua từ người đặt dớn bắt 

Ông Thịnh chia sẻ thêm: “Với cách nuôi này, người nuôi không cần phải thay nước cho lươn nên đỡ tốn công chăm sóc, đỡ tốn thức ăn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, lươn phát triển tự nhiên, có màu vàng và bóng, tỷ lệ hao hụt ít. Khi con lươn đạt trọng lượng từ 300-400gr là có thể thu hoạch được”.

Theo ông, ngoài các kỹ thuật nuôi trên, một yếu tố không kém phần quan trọng để thành công mô hình này là cách thuần lươn trước khi đưa vào can nuôi.

Ông nói, lươn giống sau khi mua về sẽ được thuần bằng những cây thuốc nam do ông tự nghiên cứu.

“Quan trọng nhất là bà con tránh chọn mua lươn của những người đặt trúm, vì lươn này đã ăn thuốc nên mua về tỉ lệ hao hụt rất nhiều. Mọi người nên chọn mua lươn giống của những người đặt dớn (loại ngư cụ bắt cá ở miền Tây - PV)", ông khuyên. 

Với mô hình nuôi lươn đồng trong can nhựa độc nhất vô nhị, ông Thịnh đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2016 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/hang-nghin-con-luon-nuoi-trong-can-nhua-ai-thay-cung-giat-minh-669566.html

nuôi lươn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.