Vớt loại côn trùng sống vật vờ ngoài sông Hồng, ngư dân kiếm cả triệu đồng mỗi đêm

Loại côn trùng này to bằng con châu chấu, thân mềm, trắng muốt, chỉ sống được vài giờ đồng hồ nhưng lại có thể chế biến thành món ăn hấp dẫn lên đến cả triệu đồng/kg.

Được coi là loại côn trùng chỉ có tại sông Hồng và xuất hiện mỗi năm vài lần vào cuối xuân, những ngày này, người dân làm nghề đánh bắt cá dọc sông Hồng lại tất bật với mùa săn con vờ vờ - đặc sản ít người biết đến.

Sống ở làng ven sông thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên), chị Nguyễn Thị Thủy cho biết, con vờ là đặc sản chỉ có tại sông Hồng. Ấu trùng của chúng sống trong nước, mỗi năm chỉ nổi lên mặt nước 1 lần để lột xác rồi bay vật vờ ở mặt nước để đẻ trứng.

Vớt loại côn trùng sống vật vờ ngoài sông Hồng, ngư dân kiếm cả triệu đồng mỗi đêm-1

Cận cảnh con vờ vờ ngoài sông Hồng. (Ảnh: Văn Thanh).

Theo chị Thủy, khi chị còn bé thấy con vờ xuất hiện rất nhiều, nhưng bỗng nhiên khoảng gần 20 năm chúng biến mất, gây thương nhớ cho biết bao thế hệ làng chài. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, vờ lại xuất hiện nhiều khiến bà con làng chài phấn khởi ra mặt, rủ nhau đi vớt vờ từ 3 giờ sáng.

“Con vờ chỉ xuất hiện mỗi năm 1 lần vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch và chỉ sống được khoảng 2 giờ. Để vớt được vờ, hầu như nhà tôi phải thức trắng đêm xem tình hình hôm sau có vờ hay không. Nếu có, đến khoảng 4 giờ sáng thì vờ bắt đầu nổi lên, bay vật vờ đầy mặt sông, đến khoảng 6 giờ sáng thì hết”, chị Thủy nói.

Vớt loại côn trùng sống vật vờ ngoài sông Hồng, ngư dân kiếm cả triệu đồng mỗi đêm-2

Con vờ được ví như đặc sản chỉ có tại sông Hồng, được tìm mua với giá khá cao.

Vào ngày vờ xuất hiện, hàng chục chiếc thuyền chài có gắn lưới ở mũi thuyền thi nhau chạy dọc sông để vớt vờ. Khi trời sáng rõ, cũng là khi kết thúc việc thu hoạch vờ.

Vờ được mang lên khỏi bờ sông là người dân túm tụm lại mua cho bằng hết. Đầu vụ, giá vờ cao, khoảng 500.000 đồng/kg, hôm nào vớt được nhiều vờ thì khoảng 300.000 đồng/kg.

“Trung bình mỗi ngày nhà tôi vớt được khoảng 3-5kg vờ nhưng có ngày kỷ lục nhà tôi vớt được gần 40kg. Mang lên chợ, chưa kịp bày ra đã bán hết sạch. Vờ chỉ xuất hiện vài ngày/tháng nên phải canh vớt bằng được kẻo hết mùa”, chị Thủy cho hay.

Vớt loại côn trùng sống vật vờ ngoài sông Hồng, ngư dân kiếm cả triệu đồng mỗi đêm-3

Gần 20 năm "mất dấu", khoảng 3 năm trở lại đây con vờ mới bắt đầu xuất hiện trở lại.

Là chủ một nhà hàng nổi tiếng tại Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội) nhưng anh Văn Thanh vẫn đi bắt vờ bởi đây là loại côn trùng đã gắn bó với tuổi thơ của những đứa trẻ ven sông như anh. Đồng thời, anh dùng vờ để chế biến thành món ăn phục vụ khách đến ăn tại nhà hàng của mình.

Để bắt được vờ, những người dân chài như anh Thanh phải chuẩn bị từ 3 giờ sáng, dùng lưới cột cố định ở mũi thuyền rồi vớt bởi vờ chỉ xuất hiện từ 4-6 giờ sáng rồi biến mất.

Theo anh Thanh, không phải chỗ nào cũng có vờ mà chỉ có ở ngã ba sông nơi nhiều đất thịt để chúng làm tổ.

“Thường phải rất tinh ý mới có thể canh đúng vào ngày vờ lên lột xác bởi cả tháng chỉ lên có 1-2 lần. Sau 2 lần lột xác, chúng đẻ trứng rồi chết. Trứng nở thành ấu trùng lại trở về đáy sông chờ ngày được ngoi lên mặt nước lột xác”, anh Thanh cho biết.

Vớt loại côn trùng sống vật vờ ngoài sông Hồng, ngư dân kiếm cả triệu đồng mỗi đêm-4

Con vờ sau khi chế biến trở thành đặc sản, có giá lên tới cả triệu đồng/kg.

Vờ sau khi vớt lên được anh Thanh chế biến thành nhiều món phục vụ thực khách như vờ om cá ngạnh, canh vờ, vờ rang lá móc mật, chả vờ chiên trứng… Nếu vớt được nhiều, anh lại tiến hành bảo quản theo cách riêng để có thể dùng được cả năm.

“Từ đầu vụ đến nay tôi vớt được 2 lần, mỗi lần được khoảng 10-20kg. Nếu bán tươi sống chỉ được khoảng 500.000 đồng/kg nhưng mang chế biến thì mỗi kg vờ có thể làm được 4 đĩa với giá từ 200-300.000 đồng/đĩa. Vì vậy, mỗi kg vờ sẽ có giá khoảng 1 triệu đồng”, anh Thanh chia sẻ.

Vớt loại côn trùng sống vật vờ ngoài sông Hồng, ngư dân kiếm cả triệu đồng mỗi đêm-5

Con vờ thuộc bộ phù du, sau khi lột xác chỉ sống được vài giờ trên mặt nước.

Theo sách “10 vạn câu hỏi vì sao” thì con vờ thuộc bộ Cánh phù du, một bộ thuộc một nhóm Palaeoptera, cùng với bộ Chuồn chuồn, tên khoa học là Ephemeroptera. Chúng là loại trùng thoát xác hai lần. Sau lần thứ hai, chúng chỉ có một cặp cánh và sau đó chỉ sống độ vài giờ.

Tuổi thọ dài nhất của vờ cũng không quá một tuần. Ấu trùng của con vờ sống ở trong nước, sau mấy lần lăn lộn mới thành trùng. Khi thành trùng rồi, thân thể nó mềm nhũn, phát ra ánh sáng, hai cái râu ở trên đầu giống con dao găm, cuối phần bụng mọc ra 3 cái lông đuôi.

Buổi tối những con vờ tụ tập, bay lượn trên mặt nước để tiến hành giao phối. Sau khi ân ái xong, vờ cái đẻ trứng xuống nước. Đại đa số chúng đến ngày hôm sau thì "tắc tử".

Theo Dân Việt


món ăn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.