Ăn những món này, bạn dễ đưa sán vào gan

Thói quen ăn rau sống thủy sinh, gỏi cá nước ngọt có thể đưa ký sinh trùng vào trú ngụ ở gan, dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe.

Khi đi khám bệnh định kỳ, kết quả siêu âm ổ bụng của bà Đ.T.P (trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) có 2 nốt giảm âm ở gan. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện 198 Bộ Công an. Từ kết quả chụp cắt lớp, cộng hưởng từ ổ bụng, các bac sĩ nghi ngờ bà có khả năng bị áp xe gan hoặc u gan.

Bệnh nhân được giới thiệu sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương). Qua thăm khám và làm xét nghiệm, kết quả cho thấy bà bị sán lá gan lớn không có khối u gan.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết trường hợp như bà P. không phải hiếm. Tại khu khám bệnh, nhiều bệnh nhân tới khám vì ngứa da, đau tức hạ sườn thậm chí đau dạ dày nhiều năm không khỏi nhưng khi làm xét nghiệm lại do ký sinh trùng. 

Bác sĩ Thọ cho biết gan thùy trái gần dạ dày nên nhiều bệnh nhân bị sán lá gan lớn xuất hiện triệu chứng dễ nhầm lẫn với đau dạ dày. Điều đó khiến họ điều trị nhiều năm liền không khỏi.

Ăn những món này, bạn dễ đưa sán vào gan-1
Gỏi cá là món ăn dễ khiến bạn nhiễm sán lá gan nhỏ. Ảnh: P.T. 

Bác sĩ Thọ cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam trẻ, trú tại Thanh Hóa, đi siêu âm phát hiện u ở gan tại tuyến tỉnh. Bệnh nhân được chuyển sang điều trị ngoại khoa. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt thùy gan nhưng khi cắt ra không phải u mà sán chui ra. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang chuyên khoa Ký sinh trùng điều trị.

Sán lá gan có hai loại:

Thứ nhất, sán lá gan lớn ký sinh ở nhu mô gan tạo thành các ổ áp-xe. Nguyên nhân là thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín kỹ như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, ngó sen… Sán lá gan lớn dưới dạng ấu trùng bơi trong nước. Sau đó, chúng bám vào ốc và rau. Nếu con người ăn phải sẽ nhiễm bệnh.

Khi nhiễm sán lá gan, ở giai đoạn cấp bệnh nhân có dấu hiệu đau tức hạ sườn phải hoặc sốt, ngứa và đau dữ dội vùng cơ. Khi siêu âm phát hiện có tổn thương vùng gan trái. Với trường hợp này, bác sĩ chỉ cần cho uống thuốc tẩy sán lá gan lớn.

Tuy nhiên, bác sĩ Thọ cho biết một số bệnh nhân không có triệu chứng. Sau khi đi kiểm tra sức khỏe siêu âm gan thấy có tổn thương gan, bạch cầu ái toan tăng khi đó bệnh nhân được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương làm xét nghiệm phát hiện sán lá gan lớn. Do đó, bác sĩ Thọ khuyến cáo trước khi có chỉ định phẫu thuật cắt thùy gan, người bệnh nên làm các xét nghiệm loại trừ sán lá gan lớn, tránh tình trạng phẫu thuật nhầm.

Thứ hai, sán lá gan nhỏ là do thói quen ăn gỏi cá nước ngọt. Sán lá gan nhỏ ký sinh ở động vật qua phân xuống ao hồ và cá nước ngọt mang theo sán này. Khi ăn gỏi cá, sán xâm nhập vào cơ thể.

Người bệnh không có triệu chứng. Một số người thi thoảng hay tức ở hạ sườn phải. Đi khám, bác sĩ siêu âm thấy thành túi mật dày và làm xét nghiệm có trứng sán lá gan trong phân. Sán lá gan nhỏ có thể gây vàng da, tắc mật, thậm chí ung thư đường mật. 

Bác sĩ Thọ cho biết khi thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ thường lưu tâm tới vùng dịch tễ, thói quen ăn uống của bệnh nhân để xác định ký sinh trùng. Để phòng sán lá gan, bác sĩ khuyến cáo người dân bỏ thói quen ăn đồ tái, sống. Các quan niệm ăn đồ sống cho mát là không đúng mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/bi-san-la-gan-lon-tu-thoi-quen-an-goi-ca-nuoc-ngot-va-rau-song-2163355.html?fbclid=IwAR24LwHjoP10D1Fsg-hqAPe7RJoJkkcdQKGmBVqIcyVjhuQDxGq-ZWhgEC8

sán lá gan


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.