Bệnh thuỷ đậu lại lây qua đường hô hấp nên việc phòng tránh rất cần thiết.
Tưởng muỗi đốt hoá ra thuỷ đậu
Bé Nguyễn Đức Minh trú tại Lò Đúc, Hà Nội bị lên thuỷ đậu nhưng mẹ của bé không để ý. Chị Mai Hoa, mẹ của Minh, cho biết, khi tắm cho con chị thấy 1-2 nốt đỏ ở bụng và ở đùi chị lại tưởng đó là nốt muỗi đốt.
Đến đêm, chị thấy mặt con bắt đầu xuất hiện chi chít nốt đỏ và có nước ở bên trong. Chị nhìn qua đoán có thể con bị thuỷ đậu nhưng chưa rõ nên cứ để theo dõi. Đến sáng hôm sau, các nhọt nước bắt đầu lan rộng. Chị Hoa đưa bé đi khám được bác sĩ chẩn đoán bị thuỷ đậu.
Điều chị Hoa lo nhất là chị đã tiêm phòng cho bé nhưng không hiểu sao vẫn bị thuỷ đậu được.
Bé Trần Tú Anh trú tại Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng bị thuỷ đậu. Mẹ của bé Tú Anh cho biết chị vệ sinh cá nhân có con thấy có mụn mọc lên nhưng chủ quan nên vẫn cho bé đi học. Đến chiều đón con từ lớp về chị thấy người có bé có nhiều nhọt nước như dạng thuỷ đậu.
Có kinh nghiệm trong trị thuỷ đậu nên mẹ của Tú Anh ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi và cho bé uống. Ba ngày sau. Các nốt thuỷ đậu bắt đầu thâm đen và đóng vảy.
Bé Vũ Thiện Thanh trú tại Sơn La, bị thuỷ đậu nhưng bố mẹ không biết cách chăm sóc. Theo mẹo dân gian cả nhà nhốt bé tránh nước, tránh gió, chỉ cho con ăn cơm trắng. Các nốt thuỷ đậu vỡ ra gây viêm sẹo kéo dài.
Thấy con sốt lâu không khỏi bố mẹ mới cho đi viện. Lúc này bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm trùng máu do chăm sóc thuỷ đậu không đúng cách. Gia đình vội vàng đưa bé xuống Hà Nội để điều trị bệnh.
Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng viêm nhiễm do các nốt nhọt nước của bệnh thuỷ đậu vỡ ra, trẻ ngứa ngáy, gãi nhiều gây nhiễm trùng. Bố mẹ kiêng tắm rất nguy hiểm.
Chăm sóc như thế nào?
PGS Bùi Vũ Huy – trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, mùa đông xuân là thời điểm bệnh thuỷ đậu vào mùa. Bệnh thuỷ đậu vốn lành tính nhưng do không biết cách chăm sóc và điều trị dẫn đến nhiều trường hợp bị biến chứng do thuỷ đậu gây nên viêm phổi, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ Huy cho biết nhiều bệnh nhân khi nhập viện bác sĩ đã yêu cầu phải đi tắm rửa sạch sẽ để các vết do thuỷ đậu không bị nhiễm trùng. Có trường hợp kiên quyết không cho con tắm chỉ đến khi bác sĩ cam kết “bảo lãnh” họ mới dám cho con đi tắm.
Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em.
Một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu chúng ta không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu như: bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp trẻ em có thể không có triệu chứng báo động… Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước.
Bệnh lây lan nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Không được là vỡ các nốt rạ vì khi vỡ ra dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
Để phòng bệnh, theo bác sĩ Huy không có cách nào ngoài tiêm chủng ngừa thuỷ đậu. Trẻ chưa được tiêm chủng cần được tiêm chủng ngay và đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng nên tiêm vắc xin ngừa thuỷ đậu.