"Thời điểm này, không thể có biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Việt Nam": Chuyên gia phân tích điểm đáng mừng trong xác nhận của WHO

Theo chuyên gia, số ca nhiễm tại Việt Nam chưa đủ lớn để tạo ra một biến chủng mới. Đây là một tín hiệu rất vui mừng, là minh chứng dịch tại Việt Nam vẫn còn nhỏ.

Thời điểm này, không thể có biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Việt Nam: Chuyên gia phân tích điểm đáng mừng trong xác nhận của WHO-1

Đột biến mất Y144

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 sáng 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng thường thấy là Ấn Độ và Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có đặc tính giữa hai biến chủng trên - chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh.

Theo Bộ trưởng Long, đặc điểm của đợt dịch lần này là lây nhanh, virus phát tán rộng và mạnh trong không khí. Mức độ đào thải mầm bệnh cũng rất nhanh.

Thời điểm này, không thể có biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Việt Nam: Chuyên gia phân tích điểm đáng mừng trong xác nhận của WHO-2

Ngày 29/5, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết qua giải trình gene các mẫu bệnh phẩm Covid-19, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện đột biến gene trong 4/32 mẫu bệnh phẩm.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: "Chúng tôi phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.167.2 (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh)".

Theo dữ liệu B.1.167.2 trên GISAID hiện tại chưa ghi nhận đột biến mất Y144, nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm.

Số ca nhiễm tại Việt Nam ở mức nhỏ chưa thể tạo ra biến chủng

Đại diện chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa xác nhận với báo Nikkei Asia rằng biến thể mới được phát hiện ở Việt Nam không phải biến thể lai giữa chủng được phát hiện lần đầu tại Anh và chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ.

"Không có biến thể lai mới ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại dựa trên định nghĩa của WHO. Biến thể được phát hiện là biến thể Delta, với các đột biến bổ sung và cần theo dõi thêm. Chúng tôi cần theo dõi trong vài tuần tới", ông Kidong Park nói.

Thời điểm này, không thể có biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Việt Nam: Chuyên gia phân tích điểm đáng mừng trong xác nhận của WHO-3
Số ca bệnh phải lớn mới tạo ra biến chủng.

Liên quan tới đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.167.2 tại Việt Nam, trao đổi với nhóm tác giả nghiên cứu dịch tễ tại Việt Nam, nhóm tác giả này cho hay: "Đây không phải là biến chủng mới của virus. Đột biến này đã từng đề cập ở biến chủng Anh, tuy nhiên gần đây đột biến này đã có ở rất nhiều biến chủng khác nhau. Trên thực tế biến chủng B.1.167.2 (lần đầu tiên ghi nhận tại Ấn Độ) có đột biến mất Y144 đã xuất hiện ở nước khác trước khi tìm thấy ở Việt Nam.

Do vậy đột biến mất Y144 không phải là đột biến mới. Dù không phải là biến chủng mới, những biến chủng B.1.167.2 (mất Y144) vẫn cần phải quan tâm. Bởi vì, tốc độ lây của biến chủng sẽ nhanh hơn, ca bệnh mắc có thể diễn biến nặng nhiều hơn".

Theo nhóm chuyên gia dịch tễ này, khi xuất hiện một biến chủng, số ca mắc sẽ cực lớn (virus được nhân nhiều lần). Số ca nhiễm tại Việt Nam chưa đủ lớn để tạo ra một biến chủng mới. Đây là một tín hiệu rất vui mừng, là minh chứng dịch tại Việt Nam vẫn còn nhỏ.

Chuyên gia khuyến cáo: "Nếu nói Việt Nam có biến chủng mới, các nước sẽ hiểu chúng ta đang có rất nhiều ca bệnh mà không được báo cáo hoặc không tìm được ra. Đợt dịch lần thứ 4 này Việt Nam xuất hiện số ca mắc liên quan tới nghìn ca nhưng số ca này vẫn còn nhỏ, dịch bệnh vẫn đang được khống chế".

Việc xuất hiện 1 biến chủng mới tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, xã hội, chính trị. Hiện nay, một số nước đã thay đổi kế hoạch nhập cảnh đối với công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng do một số nước sẽ dè chừng, cân nhắc đầu tư vào Việt Nam".

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/thoi-diem-nay-khong-the-co-bien-chung-sars-cov-2-moi-o-viet-nam-chuyen-gia-phan-tich-diem-dang-mung-trong-xac-nhan-cua-who-161210706084711367.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.