Thực hư chữa hết ngáy ngủ qua một lần điều trị

Nhiều phòng khám quảng cáo sẽ chữa hết chứng ngáy ngủ chỉ qua một lần điều trị song thực tế có như đồn thổi.

Kết hôn được 2 tháng, chị Huyền Trân (tỉnh Bắc Giang) thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ, không thể tập trung làm việc. Nguyên nhân là do chồng chị ngáy quá to.

Không thể áp dụng cho nhiều người

"Vợ chồng mới cưới nên tôi không thể ngủ riêng nhưng ngủ chung thì cũng không yên vì phải chịu đựng tiếng "kéo gỗ" giữa đêm, đến sáng hôm sau lại rất mệt mỏi. Hiệu quả công việc giảm hẳn từ lúc lập gia đình" - chị Trân than.

Thực hư chữa hết ngáy ngủ qua một lần điều trị-1Quảng cáo cam kết trị ngáy ngủ dứt điểm một lần trên mạng xã hội

Lên mạng tìm hiểu, chị vui mừng vì thấy có nhiều quảng cáo về chữa trị ngáy ngủ, trong đó có cách được cho là trị một lần hết hẳn. Chỉ cần gõ cụm từ như "trị ngáy ngủ nhanh", "điều trị ngáy ngủ hiệu quả", hàng loạt bài đăng xuất hiện với nhiều bình luận khen phương pháp điều trị hiệu quả của các phòng khám. Đặc biệt, một số phòng khám còn cam đoan sẽ điều trị dứt điểm chứng ngáy to chỉ trong vòng 1 - 2 ngày.

Tuy nhiên, theo Hội Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ Việt Nam, có nhiều lý do dẫn đến ngáy ngủ như bệnh lý mũi xoang, phì đại amidan, bệnh VA ở trẻ em, bất thường cấu trúc sọ mặt (như hô, móm) và béo phì vùng cổ. Do vậy, không thể áp dụng một phương pháp điều trị cho tất cả bệnh nhân mà tùy nguyên nhân gây ngáy sẽ có biện pháp điều trị thích hợp riêng biệt.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Như Vinh - Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ Việt Nam - việc dùng các sóng RF (sóng điện từ) để làm săn chắc các cấu trúc vùng họng có thể làm giảm ngáy với những người có nguyên nhân ngáy là do các cấu trúc đó không săn chắc. Với những nguyên nhân khác đòi hỏi phải được thăm khám và chẩn đoán chính xác trước khi tiến hành can thiệp điều trị.

Ngoài ra, với những trường hợp quảng cáo điều trị dứt điểm ngáy ngủ trong "1 nốt nhạc" như sử dụng tia hồng ngoại RF Extra để khai thông đường thở, dùng máy Hifu để giảm mỡ nọng cằm, giảm sức ép đè lên cổ họng thì người bệnh nên thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều trị. Việc dùng những tia laser, hồng ngoại để làm săn chắc vòm họng, góp phần hạn chế việc ngáy ngủ là đúng, tuy nhiên chỉ phù hợp để điều trị một số bệnh nhân bị nhẹ. "Với những trường hợp nặng, có dấu hiệu béo phì, xương hàm lệch... thì cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám" - BS Vinh khuyến cáo.

Nên tiếp cận y học giấc ngủ

Theo BS Vinh, ngáy nhẹ có thể chỉ khiến người khác khó chịu hay khó ngủ nhưng nếu ngáy to quá coi chừng tiềm ẩn nguy cơ bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là đường thở bị xẹp nhất thời gần như hoàn toàn khi ngủ khiến việc dẫn khí vào phổi bị ngưng trệ. Người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hậu quả sức khỏe có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Đa số tập trung ở nam giới trên 50 tuổi và những người bị béo phì dễ mắc hội chứng này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số người mắc hội chứng ngưng thở ngày càng trẻ hóa" - BS Vinh nhấn mạnh.

BS Phan Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thêm việc ngáy to tác động tiêu cực đến mối quan hệ hôn nhân, bạn tình, từ đó có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Giấc ngủ bị gián đoạn sẽ khiến nồng độ testosterone - một trong những loại hormone giới tính bị giảm xuống, có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

Theo các chuyên gia, ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim... Ngoài ra, hội chứng này còn khiến bệnh nhân buồn ngủ quá mức vào ban ngày, giảm khả năng tập trung, dễ xảy ra tai nạn lao động... hoặc mất ham muốn tình dục.

Nghiên cứu khoa học về giấc ngủ mới đây, các chuyên gia ĐH Flinders (Úc) cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên ngáy ngủ vào ban đêm có nhiều khả năng bị huyết áp cao và tăng huyết áp không kiểm soát. Tăng huyết áp xảy ra khi áp suất trong mạch máu của một người quá cao, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho tim và dẫn đến đau tim, đột quỵ, suy tim và bệnh tim.

"Hiện nay, bệnh viện đã có thêm chuyên ngành y học giấc ngủ. Trong quá trình thăm khám, nếu nghi ngờ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ chỉ định đo giấc ngủ. Quá trình đo này thường kéo dài một đêm. Bệnh nhân có thể lựa chọn ngủ tại bệnh viện hoặc ngủ ở nhà, nhân viên y tế sẽ đến nhà gắn máy đo cho bệnh nhân" - BS Vinh thông tin thêm. 

Theo Người Lao Động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/thuc-hu-chua-het-ngay-ngu-qua-mot-lan-dieu-tri-196241113201827604.htm

ngủ ngáy


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.