Bi kịch của các nàng thơ - nhân tình họa sĩ

Mối quan hệ giữa một số họa sĩ và nàng thơ của họ không chỉ dừng ở các bức vẽ mà biến thành niềm đam mê, tình yêu say đắm nhưng kết thúc trong bi kịch.

Dưới đây là một số người mẫu tranh có đời tư nhuốm màu khổ đau khi trót phải lòng các họa sĩ

Elizabeth Siddal (1829-1862)

Bi kịch của các nàng thơ - nhân tình họa sĩ-1Elizabeth Siddal (trái) và Marie-Hortense Fiquet trong tranh của những người chồng - họa sĩ.

Siddal là một họa sĩ nhưng được biết tới nhiều qua vai trò người mẫu tranh. Vẻ đẹp thanh tao đã khiến cô gái người Anh trở thành nàng thơ của nhiều nghệ sĩ tiền Raphael. Nhưng việc làm mẫu không phải lúc nào cũng dễ dàng. Để tạo hình cho bức Ophelia của John Everett Millais, Siddal ngâm mình trong nước lạnh vào mùa đông. Sau đó, cô bị viêm phổi và bắt đầu dùng thuốc phiện để giảm đau.

Nàng thơ mỹ miều đính hôn với họa sĩ Dante Gabriel Rossetti suốt 10 năm mà không cưới do lo lắng gia đình nổi tiếng của Rosetti sẽ phản đối. Trong những năm tháng đó, họa sĩ người Anh có thêm nhiều cuộc tình khiến Siddal đau khổ và nghiện thuốc phiện nặng hơn, sức khỏe suy kiệt. Khi biết chuyện, Rossetti lập tức tổ chức lễ cưới với cô vào năm 1860. 

Lúc này, Siddal yếu đến mức được bế đến nhà thờ để dự đám cưới của chính mình. Theo Barnebys, 1 năm sau, cô có thai nhưng bị sảy và trở nên trầm cảm. Cùng năm đó, cô có thai lần 2. Tới tháng 2/1862, Siddal tự sát ở tuổi 33. 

Marie-Hortense Fiquet (1850-1922)

Paul Cézanne kết hôn với Marie-Hortense Fiquet năm 1886 - khi con trai của họ đã tròn 14 tuổi. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc, phần lớn thời gian, họ sống ly thân. Tuy nhiên, Hortense là người mẫu ưa thích của Cézanne và phải tạo dáng suốt nhiều giờ cho họa sĩ người Pháp vẽ. 

Jeanne Hébuterne (1898-1920)

Khi gặp Amedeo Modigliani ở Paris (Pháp) năm 1917, Jeanne Hébuterne (19 tuổi) là một nữ sinh nghệ thuật tài năng. Modigliani là một họa sĩ xuất sắc nhưng nghèo khổ, nghiện rượu và ma túy nên gia đình Hébuterne nhất mực phản đối mối quan hệ của 2 người. 

Bi kịch của các nàng thơ - nhân tình họa sĩ-2Jeanne Hébuterne (trái) và Olga Chochlowa đều tài năng nhưng vẫn phải chịu đựng cuộc sống bất hạnh.

Dù vậy, Hébuterne vẫn quyết định sống chung và sinh con cho Modigliani. Khi người vợ 21 tuổi mang thai lần thứ 2, Modigliani bị bệnh viêm màng não do lao, qua đời ngày 24/1/1920. Vì quá đau buồn, Hébuterne nhảy từ tầng 5 xuống. Đứa con chưa chào đời của hai người chết cùng cô. Con gái đầu lòng của họ lúc ấy mới chỉ 14 tháng tuổi.

Modigliani và Hébuterne được chôn cất riêng. Đến năm 1930, gia đình Hébuterne cho phép di chuyển thi hài của cô để cặp đôi chung nơi chôn cất. Bia mộ của họa sĩ ghi: "Bị Thần Chết đánh gục vào khoảnh khắc vinh quang" còn bia của nàng thơ lụy tình viết: "Người bạn đồng hành tận tụy với sự hy sinh cao cả".

Olga Chochlowa (1891-1955)

Có lẽ không nghệ sĩ nào có nhiều nàng thơ cũng là người tình như Pablo Picasso. Họa sĩ người Tây Ban Nha gặp vũ công Olga Chochlowa ở Rome (Italy) năm 1917 khi ông thiết kế trang phục và bối cảnh sân khấu cho vũ đoàn. Họ kết hôn ở Paris năm 1918 và có con trai 3 năm sau đó. Picasso có mối quan hệ ngoài luồng với Marie-Thérèse Walter nên sống ly thân với vợ nhưng họ không bao giờ ly hôn.

Marie-Thérèse Walter (1909-1977)

Từ năm 1927, Marie-Thérese Walter là tình nhân bí mật của Picasso cho đến năm 1935, khi con gái Maya của họ chào đời. Picasso bị vẻ đẹp của Walter mê hoặc và đã vẽ cô rất nhiều lần. Bức tranh Nude, Green Leaves and Bust vẽ Walter được trả 106 triệu USD vào năm 2010, khi đó đây là bức tranh đắt nhất của Picasso trên thị trường đấu giá.

Trong thời gian sống chung với Walter, Picasso hẹn hò với một số phụ nữ khác trong đó có Dora Maar - họa sĩ, nhiếp ảnh gia siêu thực. Năm 1940, mối quan hệ của Walter và Picasso kết thúc. Sau cái chết của Picasso vào năm 1975, Walter cảm thấy tiếp tục cuộc sống không có ông thật khó khăn. Theo New York Times, ngày 20/10/1977, bà tự sát tại Juan-les-Pins, miền Nam nước Pháp. 

Bi kịch của các nàng thơ - nhân tình họa sĩ-3Marie-Thérèse Walter (trái) và Dora Maar trong sáng tác của Picasso.  

Dora Maar (1907-1997)

Ngay từ năm 1935, Marie-Thérèse Walter bước vào cuộc chiến giành tình cảm của Picasso với nhiếp ảnh gia Dora Maar. Sau 3 năm, người thắng cuộc là Dora. Nàng thơ mới của Picasso xuất hiện trong rất nhiều bức chân dung với hình ảnh người phụ nữ đau khổ, bị tra tấn. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất là Người đàn bà khóc. 

Nhưng chẳng bao lâu sau, Picasso rời bỏ Dora vào năm 1943 để sà vào vòng tay của Françoise Gilot, 21 tuổi. Dora rơi vào trầm cảm nặng. Sau đó, bà dần hồi phục, chuyển sang vẽ tranh và đạt được những thành tựu nhất định. 

Theo VNN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/doi-song-gio-cua-cac-nang-tho-nhan-tinh-hoa-si-noi-tieng-2324277.html

họa sĩ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.