Người bạch tạng bị tàn sát ở châu Phi

Trong bối cảnh hỗn loạn của Tuần lễ thời trang châu Phi được tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), người ta thấy có một phụ nữ bạch tạng ngồi lặng lẽ ở một góc sân khấu.

Trong bối cảnh hỗn loạn của Tuần lễ thời trang châu Phi được tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), người ta thấy có một phụ nữ bạch tạng ngồi lặng lẽ ở một góc sân khấu.

Tuy nhiên, trái với cái vẻ bề ngoài lặng lẽ của cô, nữ người mẫu bạch tạng mang quốc tịch Mỹ Diandra Forrest lại là người được chú ý nhiều nhất trong phòng.

Với sự thiếu hụt các sắc tố đen trong tóc và làn da, cư dân lớn lên ở cộng đồng người da đen Bronx (New York) nhận được sự quan tâm của nhiều người khác. Trên thế giới, ước tính trung bình thì cứ 17.000 người được sinh ra, sẽ có 1 người mắc bệnh về gien mà nó là căn nguyên hình thành nên chứng mù lòa. Diandra biết rằng sự hiện diện của cô tại Tuần lễ thời trang châu Phi này sẽ có một ý nghĩa lớn hơn so với những ý tưởng về cái đẹp.

Người mẫu bạch tạng Diandra Forrest

Cuộc sống của người bạch tạng luôn bị đe dọa

Tại một số quốc gia châu Phi, đặc biệt là ở vùng Đông Phi, người mắc bệnh bạch tạng thường gặp các rủi ro như bị bắt cóc hoặc bị cắt xén các bộ phận cơ thể bởi có một niềm tin điên rồ rằng những bộ phận cơ thể của họ có thể chế biến ra các loại thuốc và khiến cho các bùa ngải trở nên mạnh mẽ hơn.

Trên Hãng tin BBC, Diandra phát biểu: “Mục đích chính để tôi có mặt ở đây là bởi vì tôi muốn làm thay đổi cách người ta nhìn về những cô gái mắc bệnh bạch tạng tại lục địa Phi. Tôi nghĩ mình đã rất khó khăn để trưởng thành, suốt ngày bọn trẻ Phi thường lôi tôi ra làm trò cười. Lúc nào về nhà, mặt tôi cũng đầm đìa nước mắt”.

Diandra nhớ lại: “Nhưng nỗi khổ cực của tôi không thể so sánh với những gì đang xảy ra ở châu Phi khi tôi khám phá ra rằng tại những quốc gia như Tanzania, những người bạch tạng như tôi thường xuyên phải đối mặt với những hiểm họa như bị cắt bỏ chân tay trong những đường dây buôn lậu các bộ phận cơ thể người. Thật là khủng khiếp!”.

Đau khổ là thế nhưng trên các sàn thời trang quốc tế, Diandra là một hiện tượng thời trang. Nhà thiết kế người Anh gốc Nam Phi, Jacob Kimmie thừa nhận rằng đã rất say mê khi nhìn thấy Diandra: “Cô ấy là một viên ngọc quý giá, tôi đã có cô ấy trong show diễn của mình”.

Người bệnh bạch tạng tại vài vùng ở Đông Phi luôn sợ hãi cho mạng sống của chính họ

Cô Refilwe Modiselle, một người mẫu bạch tạng, người đã lớn lên ở Soweto (Nam Phi), đồng tình với quan điểm của Kimmie. Làm nghề người mẫu từ tuổi 13, hiện nay Refilwe là gương mặt quảng cáo ăn khách của nhãn thời trang Legit (Nam Phi). Cô nói rằng việc sử dụng người mẫu bạch tạng trước từng bị xem là một hiện tượng tiêu cực thì nay đã trở nên “chính thống” hơn.

Nhưng ở Kwazulu Natal, nằm cách nơi diễn ra Tuần lễ thời trang châu Phi khoảng một ngày lái xe, một nam sinh bạch tạng đã đột nhiên mất tích hơn 1 năm sau khi bị bắt cóc. Gia đình nam sinh lo ngại con họ là nạn nhân của một liên kết phù thủy.

Tại Meru (Tanzania), xác của một người đàn ông bạch tạng được cho là vào khoảng 30 tuổi, đã được khám phá vào tháng 6.2012 với vài phần cơ thể bị mất. Những phần cơ thể này đã được sử dụng vào các loại biệt dược phù thủy hoặc được chôn đâu đó trong các cơ sở kinh doanh với niềm tin dị đoan rằng chúng sẽ mang lại tài lộc cho việc kinh doanh của người chủ, mang lại tình yêu hay nhờ nó mà có thể đi... cướp của mà không bị tóm. Một suất bùa như vậy được bán với giá khoảng 2.000USD.

Cần phải xóa những hủ tục, định kiến

Một người mẫu bạch tạng xuất hiện trên sàn diễn liệu có thực sự tạo ra sự khác biệt? Ông Peter Ash, tác giả của một báo cáo vào năm 2012 về người bạch tạng của LHQ, quả quyết rằng nó có thể, ông giải thích: “Việc mô tả tích cực hơn về người bạch tạng có thể giúp thay đổi quan niệm cũ kỹ, lạc hậu. Vấn đề chính của các hành vi bạo lực chống lại người mắc bệnh bạch tạng là bởi người ta ngờ họ là ma quỷ, hoặc những kẻ mang một lời nguyền nào đó”.

Được trích dẫn trong một báo cáo của LHQ, tổ chức phi chính phủ “Dưới cùng mặt trời” ước tính rằng khoảng 71 người bạch tạng đã bị giết hại ở Tanzania từ năm 2006 - 2012, và 31 nạn nhân sống sót trong các vụ tấn công bằng dao rựa. 17 người bạch tạng đã bị mưu sát ở Burundi, 7 nạn nhân ở Kenya và 3 nạn nhân ở Swaziland.

Những vụ án này thường không được báo cáo chính xác hoặc tiến hành điều tra, dẫn lời của bà Nomasonto Mazibuko từ Hội người bạch tạng ở Nam Phi. Ở châu Phi, nhất là tại các vùng hẻo lánh, các thầy mo, thầy phù thủy có quyền lực khá ghê gớm. Nhiều sĩ quan cảnh sát và những tên cướp có vũ trang thậm chí còn phải nghe lời họ răm rắp.

Những người như Mazibuko, cô Diandra và cô Refilwe đang nỗ lực thay đổi hình ảnh của người bạch tạng. Nếu xã hội nhận biết rộng rãi rằng các gã thầy mo chỉ dùng người bạch tạng như một công cụ bịp bợm thì nhu cầu bùa pháp không còn nữa và những người bạch tạng ở châu Phi không sống trong nơm nớp sợ hãi nữa.

Theo Thế giới & Hội nhập


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.