Bầu Đức và những kế hoạch đau đáu cùng lứa Công Phượng

Đưa lứa Công Phượng sang Nhật Bản thi đấu, bầu Đức hiểu về những nguy cơ phải đón nhận, nhưng chẳng thể làm gì khác.

Đưa lứa Công Phượng sang Nhật Bản thi đấu, bầu Đức hiểu về những nguy cơ phải đón nhận, nhưng chẳng thể làm gì khác. Ông thừa hiểu, V.League không phải môi trường thuận lợi để những “gà nòi” của mình phát triển.

Khi buông lời thắc mắc vì sao HLV Miura không xem trận chung kết giải U21 Quốc tế 2015, xem ra bầu Đức vẫn còn “cay” nhà cầm quân người Nhật lắm. Trên thực tế, với 6 cầu thủ có mặt trong danh sách dự tuyển U23 Việt Nam, HAGL là đội có số cầu thủ lên tuyển nhiều nhất và đó là các cầu thủ thi đấu thường xuyên ở mùa giải V.League vừa qua.

bàu dúc và nhũng ké hoạch dau dáu cùng lúa cong phuọng hinh anh 1

Bầu Đức muốn lứa Công Phượng có thể nâng tầm bóng đá Việt Nam. Ảnh: VietNamPlus.

Việc HLV Miura không đợi đến sau giải U21 Quốc tế 2015 mới công bố danh sách là đương nhiên bởi cần phải lưu ý rằng, đây chỉ là một giải giao hữu, các kết quả cần nhìn nhận một cách tương đối. Thế nên, về mặt chuyên môn, bầu Đức không nhất thiết phải thắc mắc chuyện Miura vắng mặt.

Nhưng cũng thông cảm cho bầu Đức. Mong muốn lớn nhất của ông là dàn cầu thủ HAGL phải được đá ở tuyển. Vì điều này, ông đã “cắn răng” đưa những “báu vật” của mình lên đá V.League để suýt phải xuống hạng. Thuyết phục Miura không được, bầu Đức đành đưa những tài năng đi “du học” tại Nhật Bản.

Cái chuyện các cầu thủ HAGL sang Nhật là một nỗi đau khác của bầu Đức. Khó có thể tin rằng lứa Công Phượng, Tuấn Anh… sẽ thường xuyên được thi đấu tại Nhật Bản và được quan tâm theo dõi như khi còn đá ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau một mùa giải đá V.League, bầu Đức hẳn cũng đã “thấm”. Giải đấu số 1 Việt Nam không phải là chỗ cho các cầu thủ có thiên hướng chơi bóng kỹ thuật, càng không phải là cơ sở để họ lên tuyển, cũng chẳng thể giới thiệu được năng lực của họ cho các tay “săn đầu người” của bóng đá châu Âu. Nếu để họ đá tại Việt Nam, toàn bộ chiến lược phát triển của Học viện HAGL - Arsenal sẽ bị phá sản.

Nếu đúng như bầu Đức nói, tức là sẽ có hơn 4 cầu thủ HAGL ra nước ngoài trong thời gian sắp tới, thì CLB của ông sẽ còn vất vả hơn trong năm 2016, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, bầu Đức buộc phải cho họ thêm thời gian để trưởng thành và hy vọng, môi trường J.League sẽ giúp cải thiện năng lực trong vòng 1 năm để khi trở lại V.League, các cầu thủ của ông sẽ đàng hoàng có chỗ trên tuyển quốc gia.

Ở góc độ rộng hơn, nỗi đau của bầu Đức cũng là cảm giác chung của các ông bầu bóng đá. Họ không tiếc tiền để đầu tư nhưng nỗ lực của họ giống như người ta xây dựng một khu đô thị hoành tráng ở nơi chưa phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh. Có đẹp đến mấy cũng chẳng ai đến ở hoặc mua bán. Bóng đá Việt Nam giống như một cánh rừng không ai quản lý, mới phủ xanh chỗ này thì chỗ kia bị khai thác gần hết, toàn cảnh cứ trong tình trạng loang lổ, thiếu đồng nhất. Thử hỏi, nếu không có giải U21 Quốc tế thì liệu trong năm 2015 này, lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh thể hiện được gì ngoài việc được người hâm mộ yêu mến nhờ những điều mà họ làm ở năm 2014?!

Bầu Đức đưa cầu thủ sang Nhật, 10 phần thì hết 7 phần thua nhưng ở hoàn cảnh của ông, không liều như vậy thì biết làm gì khi mà dù đang là đương kim Phó chủ tịch VFF, cũng chỉ “dám” trách khéo “người làm công” Miura thôi.

Theo Sài Gòn giải phóng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.