Hữu Thắng: Để có chỗ đứng, phải "cứng" trước đã

Đâu đó tại VFF vẫn tồn tại một sự thiếu chuyên nghiệp trong đối xử với Hữu Thắng.

Đâu đó tại VFF vẫn tồn tại một sự thiếu chuyên nghiệp trong đối xử với Hữu Thắng.

1. Cuộc hành trình của HLV Hữu Thắng với ĐTQG mới chỉ bắt đầu, và theo ý kiến của nhiều người, lần đầu tiên VFF tỏ thái độ trọng thị đến thế đối với một HLV nội.

Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng Hữu Thắng là người thứ hai sau Calisto có được sự làm việc độc lập, xác lập được vị thế của mình một cách rõ ràng trong cả một hệ thống vốn dĩ phức tạp từ xưa tới nay.

Có được những điều đó, có thể nói là Hữu Thắng đã phải trải qua những đàm phán không hề dễ dàng với giới chủ của mình, tức VFF.

HLV xứ Nghệ chắc thừa hiểu những gì mà những người tiền nhiệm mình đã phải trải qua, đặc biệt là những HLV nội.

Bởi thế, Hữu Thắng đã có những đề nghị cụ thể, để cách làm việc ở ĐTQG phải có những thay đổi, ngõ hầu Hữu Thắng có thể thực hiện nhiệm vụ của toàn tâm nhất, hiệu quả nhất.

Và dường như VFF đã phải lắng nghe phần nào, bởi trong hoàn cảnh lựa chọn thuyền trưởng của đội tuyển, họ không có quá nhiều phương án tối ưu.

Nhưng sự thay đổi (nếu có) của VFF vẫn chưa đủ tích cực thực sự, khi hằn sâu trong tâm thức của họ vẫn là cách làm việc kiểu “cha chú”.

Hữu Thắng bị đẩy ra cánh trái.

Hữu Thắng bị đẩy ra "cánh trái".

Trên thực tế, (có thể vô tình thôi) VFF chưa đối xử với HLV trưởng của mình một cách chuyên nghiệp và chứng tỏ rằng trong cơ quan quyền lực nhất của BĐVN ấy vẫn tồn tại cái gọi là văn hoá.

Kể từ khi nhận cương vị đầu tàu, Hữu Thắng đã tham gia hai cuộc họp báo. Một cuộc là buổi ra mắt, ký kết hợp đồng với VFF (hôm 03/03), cuộc còn lại là buổi công bố danh sách tập trung ĐTQG cho hai trận sắp tới ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018 (hôm 11/03).

Trong cả hai cuộc họp báo đó, hình ảnh đọng lại duy nhất, đáng suy ngẫm nhất chính là cái chỗ ngồi của HLV Hữu Thắng.

Tại đó, nhân vật chính phải là HLV Hữu Thắng chứ không phải ai khác. Nhưng lạ lùng thay, ông không được ngồi ở vị trí trung tâm của bàn chủ tọa, vị trí phải thuộc về ông.

Thay vào đó, ông bị đẩy ra “biên trái”, ngồi ngoài cùng, để nhường vị trí trung tâm cho các quan chức VFF.

Đặc biệt là ở cuộc họp báo giới thiệu danh sách dự tuyển ngày 11/03, hình ảnh Hữu Thắng, người thuyền trưởng trở nên lép vế hơn hẳn so với ông Nguyễn Xuân Gụ, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF.

Nếu nhìn vào hình ảnh buổi họp báo đó, một người nước ngoài chắc chắn sẽ tưởng rằng ông Gụ mới là HLV trưởng ĐTQG chứ không phải là HLV Hữu Thắng.

2. Danh sách tuyển thủ là do HLV trưởng triệu tập và chắc chắn Hữu Thắng cũng không thỏa hiệp vấn đề này trong bất kỳ cuộc thương thảo hợp đồng nào với VFF.

Một khi HLV trưởng là người triệu tập danh sách, ông sẽ phải ngồi ở vị trí trung tâm, để trả lời trực diện về những gương mặt mà chính mình lựa chọn.

Đúng là ĐTQG là của liên đoàn bóng đá nhưng đội bóng mà HLV trưởng tập hợp là của chính người HLV trưởng ấy.

Ở mỗi giai đoạn, việc triệu tập ai, bỏ ai lại, người HLV trưởng đều phải chịu trách nhiệm chính và nếu có thắc mắc từ truyền thông, chính HLV trưởng phải là người trả lời.

Nhưng khi HLV trưởng không được đặt vào chỗ ngồi trân trọng lẽ ra phải dành cho mình, người hâm mộ có quyền đặt ra câu hỏi: “Lẽ nào danh sách kia không phải được lựa chọn bởi Hữu Thắng mà bởi quan chức liên đoàn?”.

Một cuộc họp báo thông thường của các ĐTQG trên thế giới vẫn thường chỉ có tối đa là 3 chỗ ngồi, cùng lắm là 4, nếu cần phiên dịch.

Chỗ ngồi ở giữa bao giờ cũng thuộc về nhân vật chính: HLV trưởng. Bên cạnh đó là người thủ quân hoặc ngôi sao nổi trội nhất của đội tuyển.

Chiếc ghế thứ ba có thể là của một người phụ trách truyền thông của LĐBĐ nếu thực sự cần thiết.

Vị quan chức ấy thường là không nói gì, ngoài việc giới thiệu các nhân vật chính (HLV và cầu thủ) đồng thời điều hành buổi họp báo diễn ra một cách suôn sẻ nhất.

Nhưng ở Việt Nam thì khác, dường như quan chức VFF thích nói hơn là làm? Mà cũng đúng thôi, không nói thì họ cũng chẳng biết có việc gì để làm.

Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng cái chỗ ngồi chẳng quan trọng gì nhưng thực tế nó lại gửi gắm rất nhiều thông điệp vượt ra ngoài tầm nghi thức.

Đúng là nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những tiểu tiết, kiểu như cái chỗ ngồi thôi, thì chẳng làm được việc gì ra trò cả.

Hữu Thắng trong một buổi tập của ĐT Việt Nam.

Hữu Thắng trong một buổi tập của ĐT Việt Nam.

Song, khi cái chỗ ngồi nó thể hiện thái độ hành xử thì hoàn toàn khác. Rõ ràng, những quan chức VFF đang tỏ ra chưa tôn trọng HLV của mình đúng mức, nếu không nói là một cách có văn hóa.

Bởi thế, họ nghiễm nhiên ngồi không đúng chỗ, nói không đúng lúc và không đúng việc của mình.

Cái chỗ ngồi ấy chắc còn lâu mới thay đổi được. Vì tư duy làm truyền thông của VFF đã mặc định vậy rồi.

Thôi thì không có chỗ ngồi, Hữu Thắng phải khẳng định mình bằng chỗ đứng vậy. HLV thường phải đứng trên sân tập, trên sân đấu.

Chỉ có kết quả tốt đẹp thì mới tạo cho Hữu Thắng một vị thế ngôi sao huấn luyện, như một quyền lực bất khả xâm phạm. Lúc ấy, ông có quyền yêu cầu: “Tôi muốn ngồi chính giữa, với một cầu thủ của tôi mà thôi”.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.