Triết lý của HLV Miura: Thực dụng hay vô tác dụng

Dù các đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng hay bại, lối chơi nhà cầm quân người Nhật theo đuổi luôn là điều khiến ông bị chỉ trích nhiều nhất.

Dù các đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng hay bại, lối chơi nhà cầm quân người Nhật theo đuổi luôn là điều khiến ông bị chỉ trích nhiều nhất.

Trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc) đã là lần thứ n đội bóng của HLV Miura thể hiện thứ bóng đá “hàng tiền vệ hầu như chỉ có chức năng cản phá, trong khi nhiệm vụ kiến tạo thuộc về các hậu vệ” (ý kiến của nhà báo Hồng Ngọc, cây viết thể thao nổi tiếng một thời của báo Thể Thao&Văn hóa).

Nhìn lại trận đấu nêu trên, chuyên gia Trịnh Minh Huế cũng cho rằng: “Đài Loan (Trung Quốc) mới là đội chơi có nét hơn. Họ dám tự tin cầm bóng phối hợp, đá trung lộ rất nhuyễn tương tự bóng đá Thái Lan. Trong khi đó, chúng ta chỉ biết phất bóng dài, bóng bổng lên cho hàng tiền đạo tùy nghi xử lý”.


Thể lực mạnh mẽ, tranh chấp quyết liệt dần trở thành hình ảnh mới của các đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Miura.

Thể lực mạnh mẽ, tranh chấp quyết liệt dần trở thành hình ảnh mới của các đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Miura. Ảnh: Tùng Lê

Trong bất cứ lĩnh vực nào, khi hiện tượng lặp lại nhiều lần, nó trở thành bản chất. Các đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Miura rõ ràng đã có sự thay đổi rất lớn so với những người tiền nhiệm, đặc biệt là lối chơi dưới thời HLV Calisto.

Thay vì xây dựng chiến thuật dựa trên nền tảng là các pha phối hợp để kiểm soát khu trung tuyến, nhà cầm quân người Nhật muốn học trò của ông giản tiện đến mức tối thiểu thời gian kiểm soát bóng ở khu vực giữa sân. Trái bóng luôn được đưa nhanh nhất lên tuyến đầu.

Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, lý do dẫn đến điều đó xuất phát từ đánh giá của HLV Miura về việc bóng đá Việt Nam ở trình độ thấp so với mặt bằng châu lục. Nhà cầm quân người Nhật từng không ít lần bày tỏ quan điểm này.

Thế nên, khó có thể đòi hỏi những đội bóng từ nền bóng đá ấy chơi tấn công áp đặt. Hệ quả sinh ra là: “Các đội bóng của HLV Miura thi đấu giống như CLB SLNA thời mới lên chuyên nghiệp. Vì yếu hơn đối thủ nên phải dùng sức mạnh và kỷ luật để bù đắp cho những nhược điểm của mình” (ý kiến của cựu HLV Thể Công, Vương Tiến Dũng).

Điều này giải thích tại sao những cầu thủ giàu sức mạnh, có ưu thế về thể hình được HLV Miura trọng dụng. Và một khi yếu tố kỹ thuật chỉ xếp hàng thứ yếu, ấn tượng lớn nhất về đội bóng ấy là sức mạnh cơ bắp chứ không phải sự mềm mại trong lối chơi.

Những cầu thủ có thể hình tốt như Thanh Hiền (số 22) luôn được trọng dụng dưới thời HLV Miura. Ảnh: Hoàng Hà

Những cầu thủ có thể hình tốt như Thanh Hiền (số 22) luôn được trọng dụng dưới thời HLV Miura. Ảnh: Hoàng Hà

Chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng, đây là sự lựa chọn trái ngược với xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại. Thế giới bóng đá chưa bao giờ tồn tại sự ấn định những đội bóng cao lớn, hoặc khỏe hơn thì sẽ bước lên ngôi vô địch.

Các đội bóng vùng Scandinavia sở hữu nhiều cầu thủ có chiều cao của những "cây sào", hoặc các đội bóng châu Phi luôn nổi tiếng với nền tảng thể lực mạnh mẽ, song chưa từng bước lên ngôi vô địch thế giới.

Ngay cả đội tuyển Đức từng trung thành với triết lý bóng đá kỷ luật, thực dụng nhưng giờ cũng phải thay đổi theo xu hướng mềm mại hơn để thành công. Vì bóng đá hiểu theo nghĩa cơ bản nhất là môn chơi của sự phối hợp.

Những thành công của bóng đá Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại cũng đều gắn với lối chơi này. Đội tuyển Việt Nam đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2008 dựa trên nền tảng của hàng phòng ngự, nhưng là phối hợp để phản công. Còn tiếng vang của lứa cầu thủ Công Phượng trong màu áo đội tuyển U19 xuất phát từ thứ bóng đá đập nhả ăn ý.

“Có 2 nguyên nhân khiến HLV Miura lựa chọn và xây dựng lối chơi dựa vào thể hình, thể lực”, chuyên gia Trịnh Minh Huế chia sẻ suy nghĩ của ông.

Lý do thứ nhất thuộc về phong cách của các nhà cầm quân. Ở Nhật, HLV Miura cũng được biết đến là tín đồ của bóng đá phòng ngự - thực dụng. Kết luận chung về chiến lược gia sinh năm 1963 là ông phù hợp với những đội bóng nhỏ, nằm cửa dưới.

Lý do thứ hai thuộc về nguyên nhân khách quan. “Nền bóng đá của chúng ta thiếu sự đồng bộ. Cầu thủ có kỹ thuật thì yếu thể hình, thể lực và ngược lại. HLV Miura dẫu sao cũng chỉ là người làm thuê, cần thành tích. Sự lựa chọn của ông hướng đến tiêu chí an toàn”, chuyên gia bóng đá họ Trịnh phân tích.

HLV Miura vẫn trung thành tuyệt đối với

Bất chấp nhiều lời chỉ trích, HLV Miura vẫn trung thành tuyệt đối với triết lý bóng đá của ông. Ảnh: Minh Hoàng

Khi cả V.League gần như đều lựa chọn lối chơi này, HLV Miura không phải là tác giả của triết lý “kick&rush”. Nhưng với cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23, thứ người hâm mộ chờ đợi ở ông là sự điều chỉnh để mang tới giải pháp phù hợp hơn, chứ không phải nâng lối chơi đó lên thành một dạng điển hình.

Ngày càng có nhiều hơn những dấu hiệu và nguy cơ cho thấy, thất bại là điều hiển hiện trước mắt nhà cầm quân người Nhật.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.