Ít người biết rằng, một trong những điều kiện tiên quyết để được ra “lò” HA.GL - Arsenal JMG là các học viên phải tốt nghiệp cấp III. Để làm được điều đó, các cầu thủ phải tham gia học văn hóa như bao cô cậu học sinh khác.
Học con chữ để đi đá bóng
“Đã
làm cầu thủ đá bóng, thời gian đâu mà đi học”? Đấy là câu hỏi mà bạn bè
đã đặt ra với Hoàng Nam (học viên khóa II). Thực tế, cũng như các bạn
cùng lớp, Nam gần như không vắng mặt một buổi học nào. Nam nói: “Ngoài
việc tập luyện bóng đá, đến trường gặp thầy cô, bạn bè cũng là một niềm
vui đối với em. Quan trọng hơn cả, em học lấy kiến thức cho tương lai,
để không phải thua các bạn khác”. Ở Học viện HAGL JMG , có rất nhiều học
viên cùng ý nghĩ với Nam. Song cũng phải nói lại, chuyện học văn hóa
nằm trong nội dung bắt buộc khi gia nhập lò đào tạo phố Núi.
ông Huỳnh Mau (GĐĐH CLB HAGL) cho biết: “Học viện có 22 học viên đã tốt
nghiệp cấp III và 67 em đang theo học các lớp văn hóa. Trong số này, lớp
12 đông nhất với 19 học viên, lớp 11 có 17 học viên, lớp 8 có 16 học
viên, còn lại chia đều cho các lớp 7, 6 và lớp 5. Các em được học ở các
trường như: THCS Lý Thường Kiệt, trường tiểu học Nayder. Lớp 11, 12 và
lớp 8 được học tại điểm trường do học viện lập ra, gần Trung tâm huấn
luyện Hàm Rồng”.
Các cầu thủ nhí HAGL - Arsenal JMG tới trường học văn hóa. |
Để đi đúng tiến trình học văn hóa, Học viện HAGL JMG đã ký hợp đồng với
những giáo viên giỏi nhất nhằm giúp các em lĩnh hội kiến thức trong thời
gian ngồi ghế nhà trường. Tại đây mỗi học sinh phải tuân thủ những nội
quy, quy tắc cơ bản. Chẳng hạn như: đi học đúng giờ, đồng phục chỉnh tề,
việc học và trả bài được giáo viên đánh giá trong sổ liên lạc…
Thầy Nguyễn Duy Khánh nhận xét: “Các em đúng là một cầu thủ bóng đá đi
học đúng nghĩa, nhưng tôi cảm thấy tự hào vì các em rất ngoan, biết giữ
gìn nề nếp, có nhiều em rất thông minh, nếu không gắn với bóng đá, tôi
tin nhiều em sẽ thành công ở lĩnh vực khác…”.
Tự tin với vốn ngoại ngữ
Ngoài chuyện học văn hóa trên lớp, các em còn được học các lớp ngoại ngữ
vào buổi tối ngay tại học viện. Vào các tối 2-4-6 lớp học tiếng Anh sẽ
sáng đèn, còn lại 3-5-7, các học viên sẽ được học tiếng Pháp với các
thầy cô giáo có kỹ năng sư phạm xuất sắc.
Một đêm ở lại Hàm Rồng, chúng tôi may mắn được tham dự một lớp học như
thế và được chứng kiến sự say sưa, chăm chỉ của những cậu bé vừa bước
vào khóa III. Em Nguyễn Duy Tâm sinh năm 2002, đến từ Lạng Sơn, hồ hởi
khoe: “Em gọi điện về cho bố mẹ nói rằng đi học tiếng Anh. Bố mẹ ngạc
nhiên vì không ngờ em đi đá bóng, ăn ở sướng, lại còn được học ngoại
ngữ. Em vui lắm…”.
Cùng vào khóa III với Tâm là em Huỳnh Tấn Vũ (Phú Yên) cũng không giấu
được niềm vui: “Em nghĩ học tiếng Anh khó lắm, nhưng nhờ các thầy các cô
em đã tiến bộ nhiều. Hy vọng thêm thời gian nữa em có thể giao tiếp
được bằng tiếng Anh”.
Cũng nói lại, từ những trường lớp đào tạo văn hóa, lẫn ngoại ngữ nói
trên, những Đông Triều, Tuấn Anh, Công Phương, Xuân Trường và rất nhiều
cầu thủ khác có thể trao đổi bằng tiếng Anh thành thục. Điển hình như
Tuấn Anh, tiền vệ phòng ngự này không chỉ thông minh trên sân bóng mà
còn là một cậu học sinh được thầy thương bạn mến vì học giỏi, nhiều năm
Tuấn Anh là học sinh tiên tiến của trường.
Cô Nguyễn Thị Ái Vân (phụ trách giảng dạy ngoại ngữ) chia sẻ: “Học trò
của tôi có những cậu rất cá tính, các em không chỉ biết đá bóng giỏi mà
còn tiếp thu rất nhanh. Nếu trau dồi nhiều hơn, sau này mỗi khi ra nước
ngoài thi đấu các em sẽ không phải lo vấn đề về ngôn ngữ”.
Bài học lễ phép
Bước vào học viện bóng đá HA.GL – Arsenal JMG, ngoài cơ ngơi hoành tráng
và đẹp mê ly, có một điều khiến cho bạn ngạc nhiên, đấy chính là nụ
cười và sự thân thiện của các học viên nơi đây. Và bài học đầu tiên về
“lễ” là chuyện các cầu thủ phải cúi chào người lớn một cách lễ phép. Sau
đó, các em sẵn sàng trở thành hướng dẫn viên nếu khách có nhu cầu tham
quan học viện.
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức: “Học, cũng là cái cần câu cơm”
“Với tôi, học chữ, học đạo đức trước rồi mới đến học bóng đá. Bởi trong
hàng trăm em được đào tạo bóng đá không phải em nào cũng thành tài.
Chúng tôi bắt buộc các em phải học văn hóa vì mai này nếu không có duyên
với bóng đá, các em còn có cái cần để “câu cơm” vẫn được trang bị trình
độ kiến thức đủ để sống”, bầu Đức nói về việc phải học văn hóa.