Bao giờ Công Phượng yên thân?

“Công Phượng, ngay lúc này, nếu ngồi trước tivi, em hãy lên tiếng...”, “Tấm bia của Công Khoa đã bị ai lấy mất, họ muốn giấu vì trên bia có ghi năm sinh của Công Khoa, có thể suy ra được năm sinh của em trai - Công Phượng...”.

“Công Phượng, ngay lúc này, nếu ngồi trước tivi, em hãy lên tiếng...”, “Tấm bia của Công Khoa đã bị ai lấy mất, họ muốn giấu vì trên bia có ghi năm sinh của Công Khoa, có thể suy ra được năm sinh của em trai - Công Phượng...”.

Đó là 2 lời bình luận trên truyền hình được cư dân mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội và khiến dư luận cả nước dậy sóng.
Sự việc Công Phượng bị nghi ngờ gian lận tuổi đã và đang bị đẩy đi ngày một xa, không những gây mệt mỏi cho chính người trong cuộc mà còn khiến dư luận cảm thấy ngán ngẩm với những gì giới truyền thông đã liên tục chĩa mũi dùi hoặc khai thác, vi phạm quá mức đời tư của cầu thủ trẻ đến từ miền quê nghèo của Nghệ An.

Bao giờ Công Phượng yên thân? 1

Bao giờ Công Phượng được yên?

Một nhà báo sau khi xem người đồng nghiệp bình luận về Công Phượng trong bản tin Tiêu điểm bóng đá Việt Nam (bản không chính thức) vốn được một biên tập viên tung lên mạng tối 19-11 đã phải thốt lên trên trang cá nhân: “Đúng là câu chuyện đã đi quá xa. Không nên động đến mồ mả người ta”.

Sau đó, đại diện chương trình đã lên tiếng xin lỗi gia đình Công Phượng và khẳng định khi bản tin lên sóng sẽ không có đoạn bình luận này. Tuy nhiên, những hình ảnh xót xa đó đã lan rất nhanh trên mạng, thu hút hàng ngàn ý kiến tranh cãi. Nhiều năm dõi theo Công Phượng và các cầu thủ trẻ của Học viện HAGL Arsenal JMG, người viết hiểu rất rõ cầu thủ này bề ngoài trông rất chững chạc, lạnh lùng nhưng kỳ thực lại là người sống rất tình cảm, chân thành. Ở đội, Công Phượng là một “cây cười”, là thủ lĩnh của cả nhóm trong những trò chọc ghẹo thầy cô Trung tâm Thể thao Hàm Rồng cũng như tại trường học - trái hẳn với hình ảnh máu lửa trên sân cỏ. Hình ảnh những cậu bé 11, 12 tuổi vừa bước chân vào học viện, tối tối chạy sang phòng “anh Phượng” mượn máy chơi game, nhờ “anh Phượng” cắt tóc hay đơn giản chỉ là để nghe cầu thủ xứ Nghệ kể chuyện tập bóng... đủ để nói lên cách sống của Phượng với đồng đội, với tất cả thành viên ở HAGL.

Công Phượng cũng là con người, khi sức chịu đựng quá giới hạn, không ai biết điều tai hại nào sẽ xảy ra với cầu thủ này. Trong buổi tối mà Công Phượng lần đầu tiên lên tiếng trước tâm bão do chính giới truyền thông tạo ra, người viết đã chứng kiến sự xúc động tột độ của cầu thủ trẻ này. Công Phượng không khóc, nhất là khi xung quanh có nhiều đồng đội và người hâm mộ. Song, cầu thủ này đã kéo người viết rời khỏi quán nước để tới một chỗ thật tối, sau đó im lặng đến gần 15 phút mới lên tiếng đầy bức xúc về những gì cha mẹ mình đã phải chịu đựng suốt 2 tuần qua.

Với một cầu thủ còn quá trẻ, những điều đó thực sự vượt xa sức chịu đựng, nhất là khi Công Phượng rất yêu thương gia đình. Vấn đề là bao giờ thì Công Phượng thực sự được yên thân, được yên tâm chơi bóng trong bối cảnh giới truyền thông dường như chưa muốn dừng lại câu chuyện tuổi tác này, dù lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông và một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng?
 
Theo NLD

Bình luận