Bình luận viên, anh là ai?

World Cup 2014 đã đi được 2/3 chặng đường và có lẽ chẳng có vụ nào gây “bão” nhiều như chuyện của chính trong nhà chúng ta: Bình luận viên (BLV)!

World Cup 2014 đã đi được 2/3 chặng đường và có lẽ chẳng có vụ nào gây “bão” nhiều như chuyện của chính trong nhà chúng ta: Bình luận viên (BLV)!

Trước hết, phải thừa nhận năm nay VTV đã có những nỗ lực, cởi mở làm mới mình bằng cách mở cửa đón cả các “đối thủ” như Quang Huy từ VTC, Quang Tùng từ truyền hình Viettel, Xuân Cường, Tuấn Anh từ HTV cùng tham gia bình luận để thêm phong phú. Tuy nhiên, sự đổi mới ấy đã không đủ để ngăn cơn bão bất bình đối với một số BLV của chủ nhà. Tựu trung, người ta phê mấy chuyện sau: 1- Nói nhiều quá. 2- Khoe kiến thức nhiều quá. Dù những kiến thức được phô diễn phần lớn là từ chú Google. 3- Thiếu chuyên môn. 4- Thể hiện tình cảm riêng tư quá lộ liễu.


BLV Quang Tùng trong một buổi tá nghiệp

Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện sự bất bình. Cũng có một vài người bênh vực, kiểu như cho rằng “thức đêm mới biết đêm dài”, sự nghiệt ngã của nghề làm dâu trăm họ...

Riêng mình, tôi nghĩ thế này: Thứ nhất, đúng là có nhiều bạn phê phán hơi bị nặng lời. Và thói đời, “nói phải củ cải cũng nghe”, cứ cho mình cái quyền mạt sát người, thì chẳng bao giờ được tiếp thu. Thứ hai, bất cứ nghề nào cũng có áp lực. Vì vậy, đừng bao che nhau bằng cách bảo rằng “thức đêm mới biết đêm dài”. Bởi, có ai thức đêm bằng những công nhân vệ sinh và đó cũng là cái nghề cần được chia sẻ, cảm thông nhất. Nhưng không vì thế mà họ có quyền làm dối, để còn rác trên đường.

Trở lại với câu chuyện nghề bình luận bóng đá trực tiếp trên truyền hình, chúng ta hãy thử tham khảo các đài nước ngoài xem họ làm như thế nào? Trước hết, người ta không hạ nhỏ bớt đi cái âm thanh cuồng nhiệt từ khán đài, vì đó là thứ sống động nhất mà người xem truyền hình cần được cảm nhận. Vì vậy, nếu đừng giảm âm thanh cuồng nhiệt từ khán đài, chẳng phải lo khán giả buồn ngủ, để khỏa lấp bằng sự hoạt ngôn. Thứ hai, các BLV nước ngoài thường chỉ đọc tên cầu thủ đang có bóng và chỉ bình luận về chuyên môn khi có những tình huống gay cấn. 

Và thật sự, với tư cách người xem cũng như hỏi thăm nhiều bạn bè mê bóng đá, ai cũng bảo rằng họ chỉ cần như thế mà thôi. 

Nhưng đối với phần lớn các đài truyền hình ở VN, chúng ta thiếu những BLV am hiểu chuyên môn thật sự. Thường, với quốc tế người ta giải cái khó này bằng cách mời các cựu cầu thủ nổi tiếng. Nhưng bi kịch cho truyền hình VN là phần lớn các cựu cầu thủ lại không có khả năng ăn nói! Và thế là, mọi chuyện đều dựa vào BLV của nhà đài. 

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nói với nhau một điều, phần lớn BLV của chúng ta đều không rành về chuyên môn bóng đá, ngay cả những nhân vật được yêu thích! Vì vậy, tất cả đều phải chọn lấy con đường hoạt ngôn. Và với phương pháp này, cái duyên của cá nhân là rất quan trọng. Vì vậy, theo tôi, phần lớn sự thành công hay thất bại của BLV là do có hay không có “duyên” mà thôi.


Nhà báo Trần Đăng Tuấn

Việc nhiều BLV bị phản ứng là kết quả của một nghề tuy quan trọng vì nó ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng lại chưa được đầu tư, xem trọng. Ví dụ, một cựu lãnh đạo cấp cao của VTV - nhà báo Trần Đăng Tuấn đã kể trên facebook của mình rằng thời ông còn ngồi ghế Phó tổng giám đốc VTV, thì nhà báo Vũ Công Lập đã đề nghị VTV nên mua một phần mềm phân tích trận đấu. Phần mềm ấy sẽ giúp cho các BLV biết được đâu là điểm nóng của trận đấu, sự hoạt động của từng cầu thủ trong trận đấu ấy là như thế nào, tròn vai hay không... Đó là một trong nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn khi bình luận một trận đấu, tiếc rằng khi chưa kịp thực hiện thì ông Tuấn đã rời khỏi đài.

Với tư cách là một người xem truyền hình bóng đá và cũng là một đồng nghiệp, hy vọng VTV sẽ lắng nghe, đầu tư để nâng chất đội ngũ BLV của mình.

Theo Nhất Huy (CATP/VNbongda)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.