Công Vinh dẹp tự ái, làm người hùng
Bỏ qua cả tự ái của người hùng thủa nào bỗng nhiên phải trở lại ghế dự bị và chiến đấu để khẳng định mình, Công Vinh vào sân và làm câm bặt những nghi ngờ bằng một bàn thắng đẳng cấp cao.
Đây là một giai đoạn rất khó khăn của chân sút hay nhất lịch sử V-League: Công Vinh vướng vào tranh cãi về mối quan hệ với HLV Lê Thụy Hải sau vụ chuyển nhượng sang B.Bình Dương, không chắc suất đá chính ở cả đội tuyển lẫn CLB và trải qua hơn 360 phút tịt ngòi trong màu áo đội tuyển Việt Nam.
Càng khó khăn, càng bền chí
Nhưng có vẻ như anh đã quen với kiểu thử thách ấy. Đó không rõ là lần thứ mấy Công Vinh nhấc bổng và ném sang một bên những lùm xùm bủa vây quanh mình, để dõng dạc tuyên bố rằng anh vẫn là một trong những tiền đạo hay nhất hiện tại. Thậm chí là một trong những chân sút tốt nhất mà lịch sử bóng đá Việt Nam từng sở hữu.
Công Vinh ăn mừng bàn thắng vào lưới Indonesia (Ảnh: VSI) |
Và từ đó đến nay là một chặng đường dài đầy sóng gió. Năm 2010, hành động vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh của anh đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam và nổi tiếng không kém gì cú đánh đầu 2 năm trước đó.
Sau đó là một chấn thương khiến anh phải nghỉ thi đấu 8 tháng. Công Vinh tạm nói lời chia tay ĐTQG vì cảm thấy mình là gánh nặng cho toàn đội. Những cú đánh dồn dập tưởng chừng có thể khép lại một sự nghiệp đang chín muồi.
Nhưng mùa giải 2013, anh chính thức đi vào lịch sử với tư cách là cầu thủ săn bàn số một V-League mọi thời. Trong vòng 8 năm, anh trải qua 3 vụ chuyển nhượng đình đám với số tiền lót tay hàng chục tỉ đồng, chưa kể hai lần sang thử sức ở Bồ Đào Nha (trong màu áo Leixoes) và đặc biệt là Nhật Bản, nơi anh cũng để lại một vài dấu ấn và được yêu mến ở Consadole Sapporo.
Hình mẫu lý tưởng
Hãy nhớ lại SEA Games 22, giải đấu đầu tiên Công Vinh được triệu tập, bởi chính HLV của đội tuyển Indonesia bây giờ là ông Alfred Riedl: Anh chỉ là sự lựa chọn số 4 trên hàng công, sau Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình và Hoàng Phúc Lâm. Vinh cũng chỉ được đá chính một trận, chạm trán đội tuyển Lào, và... ghi bàn duy nhất.
Công Vinh là biểu tượng cho ý thức làm việc chuyên nghiệp (Ảnh: VSI) |
Khi Quyến nổi đình nổi đám ở giải U16 châu Á thì Vinh vẫn hoàn toàn vô danh, thậm chí còn được xem là một trong những cầu thủ có tố chất kém nhất trong lứa được tuyển vào đội trẻ Nghệ An 14 năm về trước. Nhưng giờ thì Vinh dù đi sau, nhưng đã về trước, và thậm chí chưa bao giờ ngừng tiến lên phía trước.
Công
Vinh hẳn là của hiếm trong một nền bóng đá có quá nhiều cạm bẫy và ổ gà
luôn chực chờ rút ngắn tuổi nghề của cầu thủ.
Để kéo dài sự nghiệp, anh phải có đủ bản lĩnh để chống chọi lại những cám dỗ, đủ chuyên nghiệp để giữ gìn bản thân mình, đủ tỉnh táo và sự can đảm để vượt qua những áp lực, đủ nghị lực để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, và thêm chút may mắn để một chấn thương không khiến anh phải nói lời chia tay bóng đá.
Công Vinh luôn là điểm tựa tinh thần cho tuyển VN (Ảnh: Nhạc Dương) |
Con đường mà Vinh đã đi có lẽ là câu trả lời cho băn khoăn rằng phải làm sao để thành công và duy trì được thành công trong môi trường bóng đá Việt Nam, nơi mà những cầu thủ mới qua 26-27 thậm chí đã có biểu hiện như những... lão tướng, và tính chuyên nghiệp là điều quá xa xỉ.
Cú sút tung lưới Indonesia là thêm một lần nữa chiếc lò xo Công Vinh lại bật lên mạnh mẽ, sau một lần dồn nén nữa. Đội tuyển Việt Nam cần tinh thần ấy, của một con người mà càng bão tố lớn lại càng vững vàng. Một tia chớp lóe lên trong cơn bão. Và sau cơn bão ấy, lại càng trưởng thành hơn.