Thăng trầm của biểu tượng bóng đá Nghệ An

Những biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ đều để lại những hình ảnh vui buồn lẫn lộn.

Những biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ đều để lại những hình ảnh vui buồn lẫn lộn.

Bóng đá xứ Nghệ phát triển nổi trội so với các địa phương khác từ thời bao cấp, nhưng phải đến thời của những Hữu Thắng, Quang Trường, Văn Sỹ Hùng… bóng đá nơi đây mới trở thành thương hiệu, được xây dựng bởi lối chơi có tính bản sắc và truyền thống. Thương hiệu đó cũng đến từ những chân sút đã và đang trở nên nổi tiếng với bóng đá Việt Nam.

Người xứ Nghệ luôn tự hào với đội bóng của mình, vì thế, họ tôn vinh công nhận những biểu tượng để các thế hệ sau này nhìn vào đó phấn đấu. Ngoài tài năng, cầu thủ mang tính biểu tượng cần có nhân cách sống. Đó là những tiêu chí đánh giá khắt khe và không phải ai cũng đáp ứng được.

Ở lứa Hữu Thắng, Quang Trường, Văn Sỹ Hùng… mỗi người đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Hữu Thắng là trung vệ thép để lại ảnh hưởng lớn tới lối chơi rắn của SLNA sau này. Quang Trường lại đầy sức mạnh và nổi tiếng bởi những cú nã pháo tầm xa. Còn Sỹ Hùng khôn khéo, tinh quái, hoạt động rộng. Sỹ Hùng cũng nổi đình nổi đám với bàn thắng vào lưới Thái Lan trong trận bán kết Tiger Cup 1998. Tất cả đều là những thần tượng của giới trẻ sau này, nhưng để trở thành biểu tượng, Hữu Thắng được xem là xứng đáng nhất.

HLV Hữu Thắng đang là biểu tượng thuyết phục nhất ở Nghệ An. Ảnh: Kỳ Lân.

Thời còn thi đấu, hình ảnh một trung vệ của CLB SLNA và tuyển Việt Nam với lối chơi mạnh mẽ và quyết liệt luôn khiến người ta phải nhắc đến Hữu Thắng. Nắng gió thành Vinh đã làm nên một Hữu Thắng mạnh mẽ và cứng cáp, một Hữu Thắng khiến người ta thấy tin và muốn trao gửi niềm tin. Nhưng cuộc đời vốn dĩ nhiều thử thách và người càng ở vị trí cao, trách nhiệm càng lớn, vấp ngã cũng rất đau. Hữu Thắng vướng vào vụ dùng tiền bạc để dàn xếp tỷ số một số trận, giúp SLNA đăng quang mùa bóng 2000-2001. Đến năm 2005, Hữu Thắng được mời về làm HLV SLNA, nhưng vụ bán độ của Văn Quyến, Quốc Vượng… khi đó khiến Hữu Thắng bị thay thế.

Từ mùa giải 2010, Hữu Thắng trở lại dẫn dắt SLNA và xây dựng được lối chơi đầy bản sắc, giúp đội bóng xứ Nghệ giành chức vô địch mùa giải 2011 và đang là ứng cử viên nặng ký mùa này.

Nếu không có những vụ việc phía hậu trường, hình ảnh của Hữu Thắng đã đẹp long lanh, không vết gợn trong mắt người hâm mộ. Vì thế đến giờ, nhiều người vẫn tranh cãi xung quanh sự thừa nhận Hữu Thắng là một biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ hay không.

Sau thời của Hữu Thắng, SLNA tiếp tục xuất hiện nhiều tài năng bóng đá. Có thể kể đến hàng loạt cái tên như Huy Hoàng, Văn Quyến, Công Vinh, Trọng Hoàng… Trong số này, Huy Hoàng và Văn Quyến từng được xem là biểu tượng của xứ Nghệ.

Trong suốt hơn một thập kỷ trở lại đây, tầm ảnh hưởng cả về chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu trên sân không ai vượt qua Huy Hoàng. Máu lửa, luôn chiến đấu hết mình, Huy Hoàng chính là một phần lịch sử của đội bóng. 13 năm gắn bó với SLNA là khoảng thời gian quá đủ để chứng minh Huy Hoàng cần thiết như thế nào với lối chơi của đội. Anh cũng chính là tấm gương cho thế hệ trẻ soi vào, là niềm tự hào của các CĐV xứ Nghệ.

Thế nhưng cũng như Hữu Thắng, Huy Hoàng không thể giữ được hình ảnh đẹp của mình mãi mãi, khi vướng phải sự cố “làm xiếc” trên xe hồi năm ngoái. Chính vụ này cũng phơi bày rõ hơn về cuộc sống phía sau sân cỏ của giới cầu thủ, khiến hình ảnh của Huy Hoàng xấu đi trông thấy.

Không kéo dài đỉnh cao như Huy Hoàng, nhưng Văn Quyến lại mang đến những cảm xúc thăng hoa với CĐV xứ Nghệ. Đã có một thời, Văn Quyến được dựng ảnh ở sân Vinh, để những cầu thủ trẻ khi bước ra sân tập, đều coi đó là tấm gương lớn, một ngôi sao lớn để học hỏi và phấn đấu. Sau này, bức ảnh đó đã bị các CĐV ném rách rồi người ta phải bỏ đi, khi Quyến dính vụ bán độ năm 2005. Lại một lần nữa, biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ không giữ được hình ảnh của mình, để rồi giờ đây mỗi lần nhắc đến Văn Quyến, người ta thừa nhận anh là một tài năng, thần đồng bóng đá, nhưng không phải là cầu thủ có tầm ảnh hưởng lớn về đạo đức, về ý chí vươn lên.

So với Văn Quyến, Công Vinh nổi muộn hơn nhưng lại thành danh và nổi tiếng về mặt truyền thông. Song, hầu hết CĐV Nghệ An đều không công nhận Công Vinh là biểu tượng, ngay cả khi tiền đạo này trở lại khoác áo đội bóng quê hương.

Còn ai nữa có thể trở thành biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ. Trọng Hoàng nổi bật nhưng không có tư chất một thủ lĩnh. Phi Sơn đầy hứa hẹn nhưng mọi thứ còn quá sớm để nói về tương lai màu hồng với cầu thủ này.

Bóng đá xứ Nghệ có nhiều tài năng, nhưng người hâm mộ nơi đây vẫn “khát” một biểu tượng thật sự. Có những người sẽ gắn tên tuổi mãi mãi với sân Vinh, nhưng xem người đó là thước đo của chuẩn mực một cách toàn diện, thì xem ra chưa có ai xứng đáng.

Theo Ngoisao



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.