Từ "La Masia" đắt giá của bầu Đức đến Kagawa của người Nhật

Trước sự kiện 4 chàng trai trẻ được HLV Arsene Wenger triệu tập sang Arsenal, Học viện HA.GL Arsenal JMG được không ít người gọi là lò "La Masia của Việt Nam". Thành quả vẫn chưa thấy đâu, nhưng cách làm thì tương tự. Vấn đề được đặt ra: Liệu mỗi một lò đào tạo đắt giá ấy của bầu Đức có đủ giúp bóng đá Việt Nam bay cao?

Trước sự kiện 4 chàng trai trẻ được HLV Arsene Wenger triệu tập sang Arsenal, Học viện HA.GL Arsenal JMG được không ít người gọi là lò "La Masia của Việt Nam". Thành quả vẫn chưa thấy đâu, nhưng cách làm thì tương tự. Vấn đề được đặt ra: Liệu mỗi một lò đào tạo đắt giá ấy của bầu Đức có đủ giúp bóng đá Việt Nam bay cao?

Bóng đá Việt Nam không thiếu những lò đào tạo nổi tiếng. Suốt thời gian dài là Thể Công. Đồng Tháp cũng sinh ra nhiều tài năng. Lứa cầu thủ gần đây của Đà Nẵng rất "oách". Giàu truyền thống và thành công thì có Sông Lam Nghệ An. Đây mới là lò La Masia đích thực của bóng đá Việt Nam. Những ngôi sao xứ Nghệ có giá tiền tỷ trở lên.

Gần đây còn có tin đồn cho rằng phí giải phóng hợp đồng của Công Vinh lên đến 18 tỷ, gần cả triệu đô. Mùa 2011, đội bóng xứ Nghệ đã vô địch V-League, như một bằng chứng cho thấy thành công của lò đào tạo nổi tiếng này. Người ta bảo rằng, nếu triệu hồi đủ các ngôi sao đi ra từ đây, như cách mà Barca đã làm với những Pique, Fabregas và Alba, SLNA đủ sức thống trị V-League mà không cần ngoại binh.

Quá hiếm ông bầu bỏ công sức và tiền của cho bóng đá trẻ như bầu Đức - Ảnh: Internet

Nhưng cách làm của SLNA nghệ vẫn chỉ dừng ở mức cổ điển, chứ không được bài bản, đầu tư kỹ càng và hiện đại như Học viện HA.GL Arsenal JMG của bầu Đức. Riêng khoản liên kết đào tạo với Arsenal đã là "hàng độc" của bầu Đức. Làm kiểu bầu Đức vừa tốn kém, vừa tốn công. Như đợt tuyển khóa 2 năm 2009, phải đi cả 20 tỉnh thành, tổ chức thi cho gần 10 nghìn thí sinh, cuối cùng chỉ chọn tầm chục em.

Hay như chuyện tổ chức tour sang châu Âu, Pháp, Bỉ và Anh, phải có tiền mới làm được. Nhưng chắc chắn, có yếu tố Tây vào, được tập luyện, ăn uống khoa học thì vẫn hơn. Xuân Trường, cầu thủ có khuôn mặt giống Park Ji-Sung, đã cao hơn 15cm chỉ sau 2 trong nhờ ăn uống hợp lý. Nghe như Messi được Barca chữa trị khỏi bệnh còi xương!

Nhưng một mình Học viện HA.GL Arsenal JMG "tiên tiến" thì liệu có đủ để giúp bóng đá Việt Nam bay cao?

Hãy lấy trường hợp của Nhật Bản làm ví dụ. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy bóng đá Nhật thống trị hết giải đấu này đến giải đấu khác, cả giải nam lẫn giải nữ, lại còn sản sinh ra Shinji Kagawa, hiện khoác áo M.U, có giá đến 18 triệu bảng. Thành công của người Nhật không đến sau một đêm, mà là thành quả của khổ luyện và kiên trì suốt 20 năm trời.

Các quan chức của bóng đá nước này đã bắt tay vào chương trình đào tạo trẻ toàn diện và rộng khắp. Họ đã mất từ 5 đến 6 năm chỉ để tuyên truyền cho các đơn vị bóng đá địa phương thấy rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ, và đặc biệt phải thống nhất phương pháp. "Chúng tôi có 47 tỉnh, mỗi tỉnh lại có phương pháp khác nhau. Họ muốn làm theo cách mình, nhưng chúng tôi đã thuyết phục được họ, làm theo một phương pháp mới mà chúng tôi đề ra. Mất 5-6 năm để thống nhất phương pháp. Khi thành tích nở rộ, họ mới tin tưởng vào phương pháp mới", Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật (JFA) Kozo Tashima nhớ lại.

Dưới sự bảo trợ của JFA, cả 47 tỉnh trong cả nước trước hết tập trung vào việc đào tạo cầu thủ từ cấp độ U12 và tuyển dụng ồ ạt các HLV chuyên lứa trẻ. Những cầu thủ giỏi nhất sẽ được tuyển vào các trung tâm đào tạo vùng, rồi sau đó là các trung tâm toàn quốc, chỉ dành cho các cầu thủ cực kỳ xuất sắc. Cầu thủ được rèn giũa về kỹ thuật và kỹ năng trong 3 năm liên tiếp, trước khi họ bắt đầu có bất cứ khái niệm nào về đội hình và chiến thuật.

Về cách làm thì không khác nhiều so với Học viện HA.GL Arsenal JMG. Nhưng Việt Nam chúng ta chỉ có mỗi một lò đào tạo. Nhật thì tỉnh nào cũng có. Từ hàng ngàn, hàng vạn tài năng trẻ, người Nhật mới sinh ra lứa cầu thủ như Nakata, Honda, Nagatomo và đặc biệt là Kagawa. Chứ chúng ta chỉ mới có 4 cầu thủ được sang Arsenal tập huấn vài tuần. Xác suất để sinh ra một ngôi sao, chứ khoan nói đến cả một thế hệ, là rất thấp.

Tất nhiên người Nhật nổi tiếng giàu có. Nhưng các ông bầu của chúng ta cũng thuộc hàng siêu giàu. Vấn đề là họ muốn chi luôn 15 tỷ để mua một ngôi sao hơn là ngồi chờ đợi lò đào tạo vài năm đến chục năm hay 20 năm như người Nhật. Liên đoàn thì một năm tổ chức vài giải trẻ, hiệu quả chẳng cao lắm. Suy cho cùng, đó là điều dễ hiểu ở một nền bóng đá mà chuyển nhượng CLB nhiều hơn cả chuyển nhượng cầu thủ, thanh lý CLB dễ hơn cả thanh lý cầu thủ.

Thôi thì chỉ biết hy vọng "La Masia" của bầu Đức thành công vang dội, từ đó mới lôi kéo được nhiều CLB, địa phương học theo.

Theo TT&VH


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.