Sáng 31/3, trả lời câu hỏi về quan điểm của TP liên quan đến chủ trương chia đôi vỉa hè cho buôn bán, giữ xe, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết vỉa hè ngoài chức năng phục vụ cho người đi bộ còn phục vụ cho các mục đích tạm thời như để xe hay kinh doanh buôn bán.
Ông Lâm cho hay Nghị định 74 quy định rõ TP.HCM có 13 tuyến đường được phép kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, việc quản lý, cấp phép, khai thác vỉa hè là trách nhiệm của quận huyện. UBND TP.HCM cũng đã giao rõ trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương.
Liên quan đến tình trạng mua bán và bảo kê vỉa hè như báo chí đưa, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết Chủ tịch UBND TP và Giám đốc Công an TP đã đề nghị kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng kinh tế vỉa hè, lòng lề đường là một đặc điểm của phát triển đô thị ở Việt Nam. |
“Trong quy định của pháp luật, cho phép có phần cứng và phần mềm. Phần cứng là cho người đi bộ, phần mềm là cho phép sử dụng mục đích tạm thời khác như ma chay, cưới hỏi hay để vật liệu xây dựng trong quá trình sửa chữa”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, hệ thống đường sá của TP.HCM không thống nhất, vỉa hè không cùng một cỡ. Có loại vỉa hè rộng, loại vỉa hè hẹp, thậm chí có nơi vỉa hè bằng không, nhà sát mép đường.
Theo quy định của TP.HCM, những nơi vỉa hè rộng trên 3 m, cho phép sử dụng 1,5 m để kinh doanh buôn bán hay giữ xe, phần còn lại dành cho người đi bộ. Ông Hoan cũng lưu ý quy định cho phép sử dụng vỉa hè chỉ để giữ xe cho khách hoặc người đến liên hệ công việc, việc mua bán phải diễn ra bên trong.
Tuy nhiên, với những vỉa hè dưới 3m, quy định chỉ cho phép dùng tạm thời với những mục đích như đám ma, đám cưới...
Theo Zing