225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Học vì hư danh

PGS Văn Như Cương nêu, cử nhân, thạc sĩ không làm được việc do đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần.

PGS Văn Như Cương nêu, cử nhân, thạc sĩ không làm được việc do đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần.

Thống kê vừa công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu, cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người).

Theo đánh giá, số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể so với con số 199.000 người của quý trước. Bên cạnh đó còn có 117.300 người có trình độ CĐ cũng đang thất nghiệp, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây.

Trong khi số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm lại có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động.

Đánh giá về con số trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ, đây là điều đáng lo ngại. Còn PGS Văn Như Cương nêu, 225.500 người là sự lãng phí về thời gian, tuổi trẻ.

"Trống" định hướng nghề nghiệp

PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, cần định nghĩa lại sự hiếu học. Nước ta đang tồn tại phong trào hiếu học đến lạc hậu, học vì hư danh. Người người, nhà nhà đều muốn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ theo cách ngành nào cũng được, chủ yếu để “oai”. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.

Hiếu học đúng nghĩa không phải lấy bằng cấp mà học để nâng cao chất lượng sống của bản thân, gia đình.

1
PGS Văn Như Cương. Ảnh: Quyên Quyên.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS Trần Xuân Nhĩ nhận định, tâm lý chung của người dân Việt Nam là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không. Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với việc chất lượng đào tạo giáo dục đại học của nước ta.

Cụ thể, chương trình, kiến thức còn quá nặng nề, nghiêng về lý thuyết, thực hành còn hạn chế. Điều này có thể khắc phục bằng cách tăng cường trang thiết bị như kết hợp với nhiều xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp. Tăng số lượng thời gian thực tập của học sinh.

Ngoài ra, còn tồn tại một thực tế khác, nguồn nhân lực ở nước ta rất thiếu ở các tỉnh thành, trong khi con người đổ xô về các thành thị.

Tất cả những nguyên nhân trên xuất phát từ việc “trống” hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài. Trong khi đó “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một người đầu bếp giỏi cũng có thể đi khắp thế giới và thành đạt. Công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS.

PGS Trần Xuân Nhĩ chỉ ra, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện tại không đảm bảo được sự phân luồng học sinh. Hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số lượng học đại học chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề.

Cũng trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phần định hướng nghề nghiệp của học sinh không được nêu rõ. Đó là nguyên nhân khiến cho nguồn nhân lực nước ta bị mất cân đối.

PGS Văn Như Cương kiến nghị, trước mùa tuyển sinh, Bộ GD&ĐT phải công bố số lượng nguồn nhân lực của từng ngành nghề đang thừa hay thiếu trong tương lai.

Cử nhân, thạc sĩ cũng phải “học lại”

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), PGS Văn Như Cương kể, khi tuyển chọn giáo viên cho trường, ông từng gặp những bạn trẻ có tài nhưng có rất nhiều người “không ghi được điểm”.

“Có lần, khi mở túi hồ sơ xin việc, tôi thấy ngay phong bì của người nộp đơn. Đó thực sự đã trở thành tệ nạn. Một lần khác, có bạn trẻ rất tự cao khi đánh giá về bản thân, nhưng khi được hỏi về vấn đề giao dục đang được quan tâm trong xã hội lại không biết”, PGS Văn Như Cương kể.

Ông cũng cho biết thêm, giáo viên trong trường dạy cùng bộ môn và trình độ đều có mức lương giống nhau, không phân biệt học vị là Thạc sĩ hay Tiến sĩ… Nhà trường cũng không trả lương cho giáo viên theo thành tích của học sinh, vì sẽ tạo ra phong trào học vì điểm số.

Về việc hệ đại học và cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp, PGS Trần Xuân Nhĩ nêu, bản thân họ phải “học lại” để có kiến thức hữu dụng, tìm hiểu nhu cầu của xã hội, rèn luyện kỹ năng của bản thân để tự tạo cơ hội cho mình.

Chất lượng thạc sĩ hiện nay cũng đáng báo động khi có nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường, thất nghiệp, lựa chọn cách học thêm bằng thạc sĩ. PGS Trần Xuân Nhĩ đánh giá, học thạc sĩ hiện nay giống “đại học cấp 5” (vì tăng số lượng 1 năm học so với bậc đại học). Chương trình bậc thạc sĩ hiện tại chủ yếu học lý thuyết, chưa có tính thực hành và nghiên cứu sâu.

Bàn về chất lượng cử nhân, thạc sĩ, Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Gemslight Company Ltd đã thẳng thắn: “Về kiến thức thì vứt cái tư duy ông cử nhân, bà thạc sĩ đi.

Các ông bà đi làm thì kỹ năng không có, giá trị thấp nhưng lại đòi hỏi công việc phải nhàn hạ, lương cao, tương lai, ổn định. Người ta làm kinh doanh chứ có phải mở doanh trại từ thiện đâu”.

Câu nói “Tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả” kết thúc bài phát biểu đã thức tỉnh nhiều người.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.