Bỏ điểm sàn, trường kém chất lượng sẽ tuyển sinh ồ ạt?

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, việc bỏ điểm sàn đại học có thể là cơ hội để một số trường tuyển sinh ồ ạt, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo đại học.

 Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, việc bỏ điểm sàn đại học có thể là cơ hội để một số trường tuyển sinh ồ ạt, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo đại học.

Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm năm 2017.

Theo đó, trong mùa tuyển sinh tới, Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) sau 12 năm áp dụng. Thông tin này khiến nhiều người tranh luận về việc "thả cửa" ngưỡng đầu vào khiến các trường tốp dưới "vơ vét" thí sinh, ảnh hưởng chất lượng xét tuyển.

Bỏ điểm sàn có hợp lý?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc bỏ điểm sàn tại thời điểm hiện tại là không hợp lý.

Nhìn chung, quy định này sẽ không ảnh hưởng tới các trường tốp trên nhưng nó lại tạo cơ hội để các trường kém chất lượng hạ điểm chuẩn, tuyển sinh ồ ạt. Chất lượng đầu vào thấp dẫn tới chất lượng đầu ra kém, số sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường tăng.

“Cân bằng chất lượng - số lượng vẫn là bài toán khó ở nước ta. Nhiều trường tuyển số lượng lớn dẫn tới chất lượng đào tạo thấp. Nếu không khống chế đầu vào, tình hình càng nghiêm trọng”, ông Dũng nhận định.

Vì thế, theo ông Dũng, điểm sàn là cần thiết khi số trường đạt chuẩn ở nước ta chưa nhiều.

Có góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng quy định này không hẳn sẽ giảm chất lượng đào tạo đại học.

Bo diem san, truong kem chat luong se tuyen sinh o at? hinh anh 1
Thí sinh được lợi khi Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn? Ảnh minh họa: Anh Tuấn.


Việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng trường Bách khoa vì các năm trước, điểm trúng tuyển của trường luôn cao hơn điểm sàn. Bộ “mở đầu vào” sẽ tạo cơ hội cho một số trường hạ điểm chuẩn để thu hút thí sinh nhưng số này không nhiều.

“Đến lúc nào đó, tính cạnh tranh, tự đảm bảo chất lượng của ngành giáo dục phải hình thành, trở thành thuộc tính của từng trường. Các trường phải giữ uy tín, không thể tuyển sinh đầu vào quá thấp”, ông Điền nêu quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Thủy Lợi, cũng ủng hộ phương án bỏ điểm sàn. Ông giải thích "mở đầu vào, siết chặt đầu ra" đang là xu thế chung của thế giới.

Theo ông Tuấn Anh, chỉ cần Bộ GD&ĐT thực hiện việc kiểm soát chất lượng đầu ra chặt hơn với các trường, những em có điểm thi thấp quá sẽ chủ động không theo đại học.

Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn có thể coi như bước tiến trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, không chỉ trao quyền cho các trường, mà đồng thời cho thí sinh quyền tự chọn.

PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định dự thảo mới phù hợp xu thế chung và cơ chế thị trường. Ông giải thích khi không còn điểm sàn, nhiều trường có thể hạ điểm chuẩn. Tuy nhiên, học đại học hay không là quyền tự quyết của thí sinh.

Trên thực tế, trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, phần lớn thí sinh đạt điểm trên sàn nhưng số lượng đăng ký xét tuyển đại học không cao, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu dù hạ điểm chuẩn hay có thêm ưu đãi thu hút người học.

Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định bỏ điểm sàn không ảnh hưởng chất lượng đào tạo vì thí sinh sẽ không ứng tuyển vào những trường lấy điểm quá thấp.

Ông nói thêm quy định mới có thể mở ra giai đoạn cạnh tranh quyết liệt giữa các trường trong tuyển sinh, cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo.

Khó giải quyết tình trạng ‘ảo’

Hồ sơ “ảo” luôn là vấn đề được quan tâm trong các mùa tuyển sinh. Theo dự thảo mới, thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn, vấn đề này được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn.

Bo diem san, truong kem chat luong se tuyen sinh o at? hinh anh 2
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Hải An.

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Như vậy, dù thí sinh đủ điểm vào nhiều ngành, trường, các em chỉ được thông báo trúng tuyển vào duy nhất một ngành.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường lọc ra danh sách trúng tuyển chính thức, tránh tình trạng “ảo”.

Dù vậy, nhiều trường vẫn phân vân về mức độ khả thi của các biện pháp lọc “ảo’. PGS.TS Lưu Văn An cho rằng dự thảo này tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh nhưng các trường sẽ khó khăn, vất vả hơn trong quá trình tuyển sinh do tình trạng hồ sơ “ảo”.

Ông Đỗ Văn Dũng cũng khẳng định đây là vấn đề chưa thể giải quyết được. Ông cho rằng nếu chạy tốt, phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ hạn chế "ảo" nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn.

Ông Dũng cũng bày tỏ lo ngại hệ thống sẽ quá tải khi học sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, tạo thành cơ sở dữ liệu quá lớn.

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT hạn chế số lượng nguyện vọng, thí sinh chỉ được đăng ký hai trường, mỗi trường hai ngành như năm 2015. Ngoài ra, bộ nên để các trường tự xét tuyển rồi gửi thông tin tuyển sinh, điểm chuẩn lên rồi chạy phần mềm tuyển sinh. Như vậy, hệ thống mới hoạt động hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm trước, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn nhưng hàng loạt thí sinh trên ngưỡng này không đăng ký xét tuyển đại học. Điều này cho thấy thí sinh đã biết tự chọn đường đi cho bản thân, không cố gắng vào đại học bằng mọi cách.

Do đó, bộ quyết định bỏ điểm sàn, quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn lại, các trường phải cân nhắc để đảm bảo chất lượng đào tạo, uy tín của trường.



Điểm sàn là gì?

Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, được áp dụng từ năm 2004.

Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng.

Căn cứ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển và điểm thi của thí sinh, các trường đưa ra mức điểm xét tuyển. Điểm xét tuyển không được thấp hơn điểm sàn.

Như vậy, điểm sàn coi như điều kiện cần, còn điểm trúng tuyển là điều kiện đủ để thí sinh đỗ đại học, cao đẳng. Điểm trúng tuyển không được thấp hơn điểm sàn.

Năm 2016, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học là 15 điểm cho tất cả các khối A, A1, B, C, D; không có mức sàn cho cao đẳng.

Năm 2015, điểm sàn đại học là 15 điểm và cao đẳng 12 điểm.


Theo Zing

điểm sàn

trường kém chất lượng

tuyển sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.