"Chờ tới nơi mới ăn thì con không kịp vào học, nên cũng đành”

Đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông điều khiển xe máy chở phía sau hai em học sinh vừa đi vừa xúc cơm ăn vội trên đường là một hình ảnh tiêu biểu phản ánh thực trạng “ăn - học” của rất nhiều học sinh hiện nay.

Đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông điều khiển xe máy chở phía sau hai em học sinh vừa đi vừa xúc cơm ăn vội trên đường là một hình ảnh tiêu biểu phản ánh thực trạng “ăn - học” của rất nhiều học sinh hiện nay.

Không cơm thì xôi với bánh mì

Cứ thứ hai, tư, sáu hàng tuần, khi từ cơ quan về qua trường đón con, trong túi chị Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn luôn chuẩn bị sẵn hoặc gói xôi, hoặc một chiếc bánh mì hay bánh bao…, theo đề nghị từ buổi sáng của cậu con trai học lớp 9.

'Chờ tới nơi mới ăn thì con không kịp vào học, nên cũng đành”
Ảnh minh họa Phạm Hải (Nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết)

“6h chiều những ngày này cháu có lịch học thêm Toán và Ngoại ngữ tại trung tâm. Còn những ngày trong tuần, tôi từ chỗ làm đến đón cháu ở trường rồi đưa tới chỗ học thêm luôn. Hôm nào có thể từ cơ quan về sớm, thì tôi cho cháu ăn bát bún, bát phở ở gần chỗ học rồi mới vào lớp. Nhưng chuyện được ăn bún, ăn phở cũng hiếm hoi lắm”.

Đường phố giờ tan tầm đông nghịt, vừa bụi vừa khói xe, nhưng con cứ phải lôi đồ ra ăn ngay trên đường. Biết rằng mất vệ sinh, nhưng chờ tới nơi mới ăn thì con không kịp vào học, nên cũng đành” – chị Hoa than thở.  

Thả con ở chỗ học xong, chị Hoa lại xấp ngửa về nhà cơm nước. Vợ chồng chị và cô con gái ăn xong, chồng chị lĩnh nhiệm vụ đi đón con trai về.

“Chỉ có hai ngày cuối tuần, trước khi đi học thêm cháu được ăn uống tử tế ở nhà, rồi cả nhà mới có mấy bữa cơm chung với nhau”.

“Cảnh các con ngáp ngắn ngáp dài trên xe  bố mẹ chở, tay cầm đồ ăn, thì cứ đến trước cổng các trường tiểu học vào buổi sáng mà xem, có đầy ra đấy” – chị Mai Trang (Ba Đình, Hà Nội) vừa cười vừa kể. Hai con chị không là ngoại lệ, một đứa lớp 5, một đứa lớp 2, sáng nào cũng lăm lăm trong tay không bánh mì thì xôi, tới tận cổng trường còn chưa ăn xong.

“Buổi tối đi học về còn phải làm bài tập về nhà, rồi ăn uống, cho con chơi, xem tivi một lát, nên các cháu không thể ngủ sớm được để mà dậy sớm. Nhất là mùa đông, nhìn chúng nó ngủ say không muốn đánh thức quá sớm, nên thành ra thói quen mang đồ ăn theo đi đường” – chị Trang giải thích.

Chuyện “cơm hàng cháo chợ” ở các bữa ăn phụ, thậm chí là cả bữa tối, là việc thường xuyên của những cô cậu học sinh cuối cấp, đặc biệt là lớp 12.

Nguyễn Ngọc Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết lịch hàng ngày của em là “Sáng học ở trường tới 11h30, trưa về nhà ăn cơm. Tới 1h chiều tiếp tục đi học thêm tới 4h30, rồi tranh thủ về ăn cơm nguội của buổi trưa hoặc đồ ăn gì đó mà mẹ mua cho, rồi lại đi học thêm tới tận 9h tối mới về”...  Hà kể, có hôm bạn bè rủ mà xin được mẹ, thì em và các bạn lại kéo nhau đi ăn quà vặt như cháo sườn, bún, miến, phở… trước khi vào lớp học thêm lúc 6h. “Không ăn bữa chiều này thì bọn em chẳng có sức mà học. Năm nay thi đại học rồi nên chúng em phải cố gắng”.

Nguyễn Khánh Ngân, học sinh lớp 12, một trường THPT ở Quận 1 (TP.HCM), cho biết, vì lịch học của em dày đặc nên việc không có một bữa cơm đầy đủ, đúng nghĩa gia đình là chuyện bình thường.

Kể lại “lịch trình” hàng ngày của mình, Ngân cho biết buổi sáng đã được mẹ chở đi học và mua đồ ăn sáng dọc đường. Trường học hai buổi và nội trú nên buổi trưa em ăn cơm ở trường. Kết thúc giờ học buổi học chiều thì phải tới lớp học thêm vào lúc 6 giờ tối nên em không có thời gian ăn tối.

'Chờ tới nơi mới ăn thì con không kịp vào học, nên cũng đành”
Ăn vội cơm hộp trên đường (Ảnh từ clip)

“Để kịp giờ học, hôm nào ra khỏi cổng trường em cũng ăn tạm bánh mỳ, bánh tráng trộn hay bánh bao. Cũng có hôm mẹ em đi đón thì mua sẵn đồ ăn cho em nên mẹ chở còn em ngồi sau xe vừa đi vừa ăn cho kịp giờ” – Ngân cho biết. Nếu muốn ăn cơm ở nhà, thường em sẽ ăn vào lúc 8 giờ tối, có hôm là 9 giờ, sau khi đi học thêm về.

“Nhưng khi em đi học về thì mọi người ở nhà đã ăn cơm trước, nên cũng chỉ một mình em ăn sau”. 

Khánh Ngân thủ thỉ “Em cũng chỉ mong được ăn cơm cùng ba mẹ, nhưng lịch học như vậy thì phải chấp nhận, khi nào hoàn thành việc học hành thi cử, mới có những bữa cơm sum họp”.

Phụ huynh tạo áp lực?

Hiệu trưởng một trường ở Quận 1 (TP.HCM) cho biết xảy ra tình cảnh học sinh vừa ăn vừa đi là do học sinh chịu áp lực từ phụ huynh mà phải đi học thêm.

Theo vị hiệu trưởng này, việc học sinh vừa đi vừa ăn có hai lý do. “Lý do đầu tiên là do phụ huynh bận công việc, không thể lo cho các em bữa ăn hằng ngày nên để cho các en tự lo liệu cho bữa ăn của mình theo cách của các em, như ăn cơm hộp. Về vấn đề này, ngoài công việc, phụ huynh cần quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe và an toàn của con”.

Lý do thứ hai, theo cô là phụ huynh muốn con đi học thêm ngoài chương trình chính khóa, vì vậy sau giờ học ở trường học sinh phải tới các lớp học thêm khác.  

“Nhưng phụ huynh cần lưu ý, muốn con học tốt đầu tiên phải có sức khỏe. Nếu các cháu không có sức khỏe sẽ không thể tiếp thu được kiến thức. Hãy đặt câu hỏi việc học thêm ấy có tốt không nếu tinh thần, trí tuệ các cháu không minh được minh mẫn, không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng?”.

“Hiện nay, Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT đã có quy định học sinh học chưa tốt trường phải có các lớp dạy phụ đạo cho các em. Phụ huynh nên hợp tác để việc học được tốt hơn” – cô hiệu trưởng đề nghị.

Tuy nhiên, anh Hoàng Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không tán thành nhận định này.

“Con chúng tôi, chúng tôi xót chứ. Có phải tự dưng mà chúng tôi muốn con mình ăn uống vớ vẩn ngoài đường như vậy đâu. Không đi học thêm, thử hỏi với chương trình hiện nay, cách dạy ở trường như hiện nay, các cháu có theo kịp không, có vào được một trường cấp 3 hay trường đại học tử tế nào không?”.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.