Chuyển giáo viên thừa sang dạy mầm non: Cần thận trọng

Để giảm số lượng giáo viên bậc phổ thông (từ tiểu học đến THPT), Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp chuyển đội ngũ này xuống dạy ở bậc học mầm non đang thiếu.

 Để giảm số lượng giáo viên bậc phổ thông (từ tiểu học đến THPT), Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp chuyển đội ngũ này xuống dạy ở bậc học mầm non đang thiếu.

Đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi nếu làm không cẩn thận sẽ ảnh hưởng lớn đến bậc học đầu đời của các em nhỏ.

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.

Giải pháp tạm thời

Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096. Các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TP.HCM 1.195. Cấp tiểu học, một số tỉnh thiếu nhiều như Hà Nội 2.696, Sơn La 1.133, Gia Lai 1.196. 

Tại buổi làm việc riêng với các trường ĐH sư phạm vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết để giải quyết tình trạng thừa giáo viên phổ thông (từ tiểu học đến THPT) và thiếu giáo viên mầm non, bộ đã đưa ra giải pháp.

Đó là thống nhất xây dựng một chương trình đào tạo cử nhân mầm non, cao đẳng mầm non từ các chương trình đào tạo giáo viên THCS, THPT để nhanh chóng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ dôi dư để bù vào bộ phận thiếu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định không chỉ những giáo viên đã vào biên chế dôi dư mà cả những giáo sinh đã tốt nghiệp sư phạm chưa có việc làm, nếu có nhu cầu và đáp ứng được điều kiện cũng được tham gia chương trình đào tạo này.

Chia sẻ về chương trình đào tạo này, GS.TS  Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội (đơn vị được Bộ GD&ĐT giao chủ trì chương trình) cho biết đề xuất bổ sung thêm 54 tín chỉ đối với chương trình cử nhân mầm non và được chia thành 3 học kỳ, gói gọn trong một năm học.

Chuyen giao vien thua sang day mam non: Can than trong hinh anh 1
Bậc học mầm non đầu đời rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh/Tiền Phong.

Làm không khéo sẽ phải trả giá

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các địa phương báo cáo còn thiếu khoảng trên 30.000 giáo viên mầm non. Đào tạo bổ sung là cơ hội cho các trường sư phạm tái cơ cấu trong bối cảnh khó khăn tuyển sinh hiện nay. Tuy nhiên, bộ trưởng khẳng định đây là giải pháp tạm thời. Các sở sẽ phải đưa ra nhu cầu của mình và đặt hàng đối với các trường sư phạm.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, sau giải phóng, do thiếu giáo viên, chúng ta mở các khóa học cấp tốc  9+1, 9+2 và phải trả giá rất nặng nề.

Thứ hai là ở các nước, đào tạo giáo viên cho bậc học đầu đời rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lâu dài và các trường đã nhận thức rất rõ điều này. 

Thứ ba, đối với lứa tuổi mầm non, chúng ta chăm sóc và dạy dỗ là chính, do đó đặt ra yêu cầu khác với bậc học khác. Giải quyết dôi dư ở đây là giải pháp tình thế, chúng ta chỉ làm trong một giai đoạn nhất định.

GS Minh nêu thực tế các giáo viên ở bậc phổ thông chủ yếu được đào tạo đơn ngành (ví dụ Vật lý, Toán, Hóa...). Việc phải làm là các trường xác định được cái tối đa và tối thiểu. 

Ví dụ, sinh viên khoa Văn đã được học một số chuyên đề về văn học trẻ em, khoa Toán không được học như vậy. Do đó, sẽ có phần chung là những nội dung mà các thầy cô đã được học ở CĐ hoặc ĐH.

Đồng quan điểm này, GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, cho hay giáo viên mầm non chủ yếu là giáo dưỡng. Giáo viên không  biết hát, không biết múa, không biết tiếp xúc với trẻ bằng tình cảm thì chắc chắn không thể dạy mầm non. 

“Với ngành mầm non, các trường tuyển rất kỹ như đàn hát, rồi thí sinh phải thể hiện con người mình giữa hội đồng. Giải pháp tình thế này vẫn phải có bộ test đầu vào để đo, thậm chí phải phỏng vấn để chọn được người phù hợp”, GS Quang nêu quan điểm.

Về chương trình đào tạo, GS.TS Phạm Hồng Quang cũng lưu ý mô-đun lý thuyết  đào tạo online được, còn thực hành với mầm non phải dạy trực tiếp tại địa bàn đó, tức là phải cầm tay chỉ việc. Phải có bộ chuẩn đánh giá đầu ra thì mới có những người như ý muốn.

Tiếp thu ý kiến của các trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định chương trình đào tạo bổ sung sẽ thống nhất toàn quốc, không có chuyện mỗi địa phương một chương trình.

Trong đó, 80% chuẩn chung toàn quốc, 20% linh hoạt theo vùng miền là tốt nhất. Khi đánh giá cũng theo chuẩn chung. Ai đạt yêu cầu mới tốt nghiệp, còn không đạt yêu cầu thì học tiếp.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng giao cho ĐH Sư phạm Hà Nội trong tháng 1 này phải hoàn thiện được đề án chương trình đào tạo bổ sung để trình bộ. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các chuyên gia, thầy cô giáo giỏi đang giảng dạy tại các cơ sở mầm non thẩm định rồi đưa ra quyết định cuối cùng.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT, cho biết thêm theo tính toán số liệu dôi dư, mỗi năm, số sinh viên đào tạo ra trường so với số lượng giáo viên nghỉ hưu là 15.000/17.000. Như vậy tính từ năm 2016 đến 2020, con số dôi dư lên đến 60.000 đến 70.000 người. Tuy nhiên, vấn đề là thừa thiếu cục bộ.


Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.