Thưởng Tết cho giáo viên: Sao Bộ GD&ĐT lại thờ ơ?

"Giáo viên là nghề cao quý, gieo mầm trí tuệ, ươm mầm tài năng. Họ xứng đáng được coi trọng và hưởng những chế độ tốt nhất. Chỉ có thế, ngành giáo dục mới có thể tiến bộ vượt bậc" - Cô Lê Thị Loan – Giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục, chia sẻ.

"Giáo viên là nghề cao quý, gieo mầm trí tuệ, ươm mầm tài năng. Họ xứng đáng được coi trọng và hưởng những chế độ tốt nhất. Chỉ có thế, ngành giáo dục mới có thể tiến bộ vượt bậc" - Cô Lê Thị Loan – Giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục, chia sẻ.

Thưởng Tết cho giáo viên: Sao Bộ GD&ĐT lại thờ ơ? - 1

Hãy đừng để Tết của giáo viên vùng cao chỉ toàn là món ăn "tinh thần"

Sau một năm làm việc cật lực, dành tất cả tâm sức với nghề để vun đắp tài năng và trí tuệ cho đất nước, không ít giáo viên đều chạnh lòng với thưởng Tết, thậm chí có thầy cô ở vùng cao còn quên mất cả khái niệm thưởng Tết. 

Chuyện “không mong chờ thưởng Tết” của đội ngũ giáo viên một lần nữa lại khiến chúng ta giật mình, chua xót. Những câu chuyện về Tết của giáo viên vùng cao giống như điệp khúc "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Chia sẻ về câu chuyện thưởng Tết, thầy H.V.T (giáo viên trường THCS Kim Linh, xã Kim Linh, huyện Vị xuyên, Hà Giang) cho hay: “Trường tôi có 162 học sinh và 23 cán bộ giáo viên. Trong suy nghĩ của những giáo viên vùng cao chúng tôi không có khái niệm “thưởng Tết”.

Năm nào nhà trường cố gắng lắm thì mỗi giáo viên được động viên 50 đến 100 nghìn đồng. Có những năm khó khăn, Tết của giáo viên không có gì. Nhiều năm qua đều thế nên nếu năm nay chúng tôi được thông báo không có thưởng Tết thì điều đó cũng không khiến tôi quá bất ngờ.

Bởi lẽ, xã Kim Linh thuộc xã vùng 3 (xã 135), cuộc sống của người dân nơi đây cực kỳ khó khăn. Ngay cả việc nộp tiền học phí cho con còn là một khó khăn lớn đối với phụ huynh thì việc giáo viên không có thưởng Tết cũng là điều chẳng mấy lạ lẫm gì.

Tôi công tác ở trường cũng ngót chục năm nay, có những năm, thưởng Tết cho giáo viên là “những tràng vỗ tay” của học sinh trong buổi tổng kết cuối năm.

Bạn bè của tôi hầu như đều theo nghề giáo, chủ yếu là giáo viên ở vùng cao và những vùng đặc biệt khó khăn. Chuyện không thưởng Tết là điệp khúc cuối năm. Nhiều khi, ngày cuối năm, mấy anh em đồng nghiệp ngồi lại với nhau ăn bữa cơm tất niên, nói đến chuyện thưởng Tết, nhiều anh em cũng tủi”.

Chia sẻ về câu chuyện thưởng Tết, thầy Phan Văn Tuyên  - giáo viên trường Tiểu học Mường Lý (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) cho hay: “Nói thật là với tôi, Tết vui nhất có thời gian đoàn viên với gia đình chứ chuyện thưởng Tết thì chỉ nhận ở mặt tinh thần là chính.

Có năm có, nhiều thì được hai trăm, ít thì được dăm chục, có năm chỉ là tờ lịch của công đoàn thôi. Phụ huynh hay mang tới cho giáo viên cho vài cân gạo nếp, chai rượu ngô hay bó lá dong là ấm lòng rồi. Trên này cuộc sống của người dân còn nghèo lắm, trường cũng nghèo, nên chẳng có lý do gì để giáo viên đòi hỏi thưởng Tết cao như những ngành khác”.

Cần có quỹ thưởng Tết cho giáo viên

Chia sẻ về “điệp khúc buồn” mang tên thưởng Tết cho giáo viên, cô Lê Thị Loan – Giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: “Đã tới lúc Bộ GD&ĐT nên lập quỹ khen thưởng cho ngành giáo dục để chi phần thưởng Tết cho giáo viên một cách ổn định cũng như phát động các phong trào thi đua dạy tốt học tốt.

Bởi lẽ, giáo dục là ngành đặc thù không có lương tháng 13 để thưởng Tết cho giáo viên. Vì thế, dẫn tới tình trạng thưởng Tết của giáo viên ở thành phố "khủng” còn các thầy cô ở vùng cao, lao động vất vả mà Tết lại không có gì, dẫn đến những bất cập không đáng có.

Giáo viên là nghề cao quý, gieo mầm trí tuệ, ươm mầm tài năng, họ xứng đáng được coi trọng và hưởng những chế độ tốt nhất. Chỉ có thế, ngành giáo dục của chúng ta mới có thể tiến bộ vượt bậc hơn nữa”.

Theo Hoàng Thanh (Infonet)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.