Theo số liệu của WHO 2016, mỗi năm Việt Nam có hơn 11.000 trẻ tử vong do đuối nước, xếp vị trí thứ 2 trên thế giới. Đây là điều đáng báo động khi năm 2017, liên tiếp những vụ việc trẻ tử vong do đuối nước xảy đến trên khắp cả nước, vậy nên con số thương vong trên có thể sẽ nâng lên rất nhiều lần.
Vụ trưởng Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh (Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi về việc có nên đưa môn bơi là môn học chính thức trong học đường.
- Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, theo ông, việc đưa môn bơi vào các trường học là cần thiết?
- Việc đưa môn bơi vào nhà trường là rất cần thiết. Học sinh học bơi, các em được giáo dục kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng phòng, tránh, kỹ năng cứu đuối giúp các em tự tin, chủ động trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với bản thân.
TS Ngũ Duy Anh nói về việc đưa bơi lội vào nhà trường. |
Ngoài ra, bơi lội còn là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là lứa tuổi học sinh khi tham gia luyện tập bơi lội thường xuyên các em sẽ phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần.
Bơi lội đã được đưa vào là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất phổ thông, có thể thấy được định hướng của Ngành trong việc đưa bơi vào dạy trong nhà trường từ rất sớm.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy môn học này thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, không những chỉ ở các trường vùng khó khăn như: nông thôn, vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo... mà ngay cả tại các trường của các tình, thành thuận lợi cũng gặp khó do thiếu quỹ đất để xây dựng, lắp đặt bể bơi.
Hiện tại, Bộ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các sở giáo dục, các nhà trường tích cực chủ động đưa bơi vào dạy trong trường học bằng hình thức phù hợp với địa phương: đề xuất kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc tạo cơ chế, kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực xã hội cùng tham gia; có thể tổ chức dạy bơi trong giờ học thể dục chính khóa hoặc tổ chức dạy ngoại khóa tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường, từng vùng, miền khác nhau để áp dụng môn học này.
- Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn này có được đưa vào chương trình học chính không, thưa ông?
- Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học giáo dục thể chất đang được đề xuất dự kiến thời lượng 70 tiết/kỳ học 35 tuần (trung bình 2 tiết/tuần) cho cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT và đang tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện chương trình tổng thể cho giáo dục phổ thông.
Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, Bộ sẽ tính toán, cân nhắc việc đưa môn bơi là một nội dung tự chọn vào trong chương trình giáo dục thể chất cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hài hòa, cân đối, thuận lợi để từng địa phương, nhà trường chủ động thực hiện, tránh hình thức, không có hiệu quả...
- Nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa môn này vào môn chính thức mà chỉ dạy ngoại khóa? Ý kiến của ông như thế nào?
- Có thể hiện nay, do phần nhiều nhà trường chưa đảm bảo được cơ sở vật chất tổ chức dạy môn bơi nên có ý kiến cho rằng không nên đưa môn này vào môn học chính thức mà chỉ dạy ngoại khóa nhằm thuận lợi cho việc huy động sự tham gia từ các nguồn lực trong xã hội.
Việc tổ chức dạy ngoại khóa cũng có nhiều mặt tích cực. Nhà trường chủ động trong việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội, sự vào cuộc tích cực của cha mẹ học sinh sẽ là điều kiện tốt cho học sinh học bơi và biết bơi.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện về cơ sở vật chất, đủ đội ngũ giáo viên thì việc tổ chức dạy chính khóa sẽ rất hiệu quả.
Bộ GD&ĐT rất kỳ vọng trong thời gian tới, qua các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành phố quan tâm, dành nguồn ngân sách nhà nước, của địa phương hoặc tạo cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa trang bị bể bơi trong các trường/cụm trường để dần từng bước đảm bảo cơ sở vật chất và tiến tới đưa bơi là môn học chính thức, bắt buộc trong các nhà trường.
Khi đó việc phổ cập bơi sẽ thực hiện hiệu quả, giải quyết tốt công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung.
Còn hiện tại, cơ sở vật chất phần lớn ở các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi, mà “ép” đưa bơi vào là môn học bắt buộc đối với các nhà trường, như vậy vô tình sẽ tạo áp lực, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức đối phó, không có hiệu quả....
- Vậy khi đưa môn bơi vào dạy trong nhà trường, liệu cơ sở vật chất hiện đã đáp ứng được chương trình học môn này không, thưa ông?
- Các địa phương, nhà trường hiện còn gặp không ít khó khăn như kinh phí cũng như cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, được sự quan tâm tích cực của các cấp, ngành địa phương, cũng như của xã hội nên thời gian qua nhiều tỉnh thành, trường học cả nước đã đã được chính quyền địa phương đầu tư kinh phí, thu hút nguồn lực từ các tổ chức kinh tế xã hội để đầu tư hệ thống bể bơi trong các nhà trường và đang hoạt động tương đối hiệu quả trong việc dạy bơi cho học sinh, điển hình là các tỉnh thành.
TP.HCM là thành phố đi đầu trong công tác dạy bơi và thực hiện mô hình xã hội hóa sớm nhất. Thành phố có nhiều trường học được trang bị bể bơi, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh được thực hiện rất đa dạng, dạy tại trường, liên kết tổ chức cho học sinh học ở các trung tâm, hoặc phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh….
Hà Nội, nhiều trường tiểu học một số quận/huyện (Thanh Xuân, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Trì… và một số trường khác trên địa bàn thành phố) cũng được trang bị bể bơi.
Đà Nẵng, ngoài 12 bể bơi do Dự án Bơi an toàn do Tổ chức Liên minh vì sự an toàn trẻ em để lại từ năm 2013. Hiện tại, TP Đà Nẵng có khoảng 60 trường học được trang bị bể bơi.
Hải Dương hiện tại có 38 bể bơi được đầu tư trong trường học và tổ chức dạy bơi có hiệu quả cho học sinh tiểu học và THCS.
Thị xã Đông Triều và một số huyện/thành phố của tỉnh Quảng Ninh đã trang bị được 21 bể bơi trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Việc tổ chức quản lý và sử dụng hiện tại rất hiệu quả.
Theo Zing