Giáo viên mầm non: “Cô tiên” hay... ông kẹ?

Cứ mỗi buổi sáng, khi được đưa đến trường, các bé mừng rỡ chạy ào đến ôm hôn cô giáo. Cô tươi cười dang rộng đôi vòng tay đón cháu với tấm lòng chất ngất yêu thương... Đó là ước mơ cháy bỏng của tất cả phụ huynh hiện có con em đang theo học mẫu giáo.

Cứ mỗi buổi sáng, khi được đưa đến trường, các bé mừng rỡ chạy ào đến ôm hôn cô giáo. Cô tươi cười dang rộng đôi vòng tay đón cháu với tấm lòng chất ngất yêu thương... Đó là ước mơ cháy bỏng của tất cả phụ huynh hiện có con em đang theo học mẫu giáo.

Trong suy nghĩ của trẻ thơ, “ông kẹ” (có nơi gọi “ông ba bị”) là nhân vật ma quái hung dữ chuyên... ăn thịt con nít. Thành thử những lúc bé khóc nhè mà nghe dọa đến “ông kẹ” lập tức nhiều em sợ điếng người nín thin thít.

Vậy “ông kẹ” là ai? Theo Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên – năm 2001) cũng như tham khảo nhiều tài liệu dân gian, thì đại để “ông kẹ” (ông ba bị) chỉ là hình người quái dị được bịa ra để dọa trẻ con.


Lý giải về nguồn gốc xuất xứ của “sản phẩm” tưởng tượng ghê rợn này còn có các câu chuyện kể dạng “truyền thuyết” được nhào nặn... phong phú, mô tả xoay quanh hình ảnh “một ông già gớm ghiếc” với hành vi bắt cóc “hành xử” những đứa trẻ chưa ngoan.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội hiện nay, vẫn thấy vài nhận định “hoài cổ” cho rằng việc dùng hình tượng “ông kẹ” để hù dọa trẻ em là sáng tạo điển hình, trở thành một công cụ giáo dục đắc lực cho ngàn đời, không gì thay thế được.

Tư duy ấy có lạc hậu lắm không, khi những nghiên cứu thực tế của các nhà tâm lý học chứng minh hệ lụy... công cụ “ông kẹ” đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của trẻ. Và, nếu cứ áp dụng kiểu dọa dẫm như trên, lâu ngày nỗi sợ hãi sẽ ám ảnh in sâu vào tâm thức; dẫn đến sự nhút nhát, mất tự tin, sợ bóng tối, thậm chí hoảng loạn do mường tượng mỗi lần gặp người... dữ tướng.

Tâm hồn non nớt của trẻ thơ luôn cần sự vỗ về an ủi. Mỗi lần bé khóc nhè, thay vì “gọi ông kẹ bắt đi” thì các bậc phụ huynh nên tìm hiểu tâm lí con em mình, dùng lời ngon ngọt nói với con – kiên quyết nhưng mềm mỏng. Biện pháp dạy dỗ bằng tình yêu thương ắt có tác dụng hơn hành động hù dọa hắt hủi trẻ.

Lúc đến trường, các bé sẽ được cô giáo chăm sóc, dạy bảo bằng nghiệp vụ sư phạm với lương tâm đạo đức nhà giáo. Điều này đã được thể hiện rõ tại những Quy định, Quyết định cùng các Thông tư liên tịch về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Theo đó thì tiêu chuẩn “Trau dồi đạo đức; biết tự kiềm chế; quý trẻ, yêu nghề và tôn trọng nhân cách của trẻ em” được dùng làm điểm nhấn.

Còn nhớ trong ca khúc “Ngày đầu tiên đi học” rất nổi tiếng của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, có đoạn:

“Ngày đầu như thế đó

Cô giáo như mẹ hiền

Em bây giờ cứ ngỡ

Cô giáo là cô tiên”

Vâng, đó là thuở giáo dục chưa nhuốm màu thị trường, như chính tác giả đã có lần bộc bạch “Ngày trước học sinh đi học mọi thứ còn trong trẻo, vô tư lắm”.

Nay, nói không phải “quơ đũa cả nắm”, nhưng thời gian gần đây, vấn nạn bạo hành trẻ ở bậc học mầm non không ít lần xảy ra đã làm trầy xước hình ảnh cao thượng đẹp đẽ của “cô tiên”, gây bức xúc dư luận xã hội và phụ huynh học sinh thì tâm trạng hoang mang.

Than ôi! “Trẻ em như búp trên cành”, chồi non đáng yêu đến thế mà có những “cô tiên” cam tâm hết đánh rồi đá, lại còn dùng dép đập lên đầu hoặc nhấc bổng em bé lên dọa thả vào thùng phuy nước...

Mới đây còn có vụ cô Hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) Vũ Thị Hằng, đã cùng hai giáo viên bưng bê dốc đầu em bé N.G.H (5 tuổi) vào máy vặt lông gà rồi hô cắm điện nhằm... hù dọa khi em này khóc nhè!

Sự việc các “cô tiên” sắm vai “ông kẹ” dùng hành vi phản giáo dục để giáo dục trẻ em như vừa qua chưa biết hồi kết thế nào, nhưng chắc hẳn rằng khi hoàn thành chương trình mẫu giáo nạn nhân sẽ... thiếu cảm xúc với lời hát tri ân:

Tạm biệt búp bê thân yêu

Tạm biệt gấu Misa nhé

Tạm biệt thỏ trắng xinh xinh

Mai tôi vào lớp một rồi

Nhớ lắm quên sao được trường mầm non thân yêu.

Thiết nghĩ, môi trường học đường là nơi khai trí giúp con trẻ tự tin, phát triển theo chiều hướng vui vẻ khỏe mạnh chứ không phải nơi gieo rắc nỗi sợ hãi kinh hoàng. Bởi vậy, ngoài việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm căn cơ thì trước mắt cũng nên sàng lọc loại bỏ những giáo viên không đủ năng lực và phẩm chất đạo đức của nghề nhà giáo.

Theo Lao động

giáo viên

giáo viên mầm non

Giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.