GS Ngô Bảo Châu chọn nghề cắt tóc khi hướng nghiệp thời phổ thông

Tại buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, GS Ngô Bảo Châu nói vui nếu không trở thành GS Toán học, chắc ông sẽ làm thợ cắt tóc.

 Tại buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, GS Ngô Bảo Châu nói vui nếu không trở thành GS Toán học, chắc ông sẽ làm thợ cắt tóc. 

Tối 3/5, tại trường THPT liên cấp Olympia (Hà Nội), Vườn ươm Tài năng Talinpa tổ chức tọa đàm thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp với thông điệp lựa chọn ngành học ở bậc đại học - những quyết định đầu tiên và quan trọng trong cuộc đời. Tại đây, GS Ngô Bảo Châu - người sáng lập vườn ươm - chia sẻ về ước mơ và định hướng nghề nghiệp.

GS Ngô Bảo Châu nói ông không rõ công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông hiện tại như thế nào. Thời ông học cấp hai, nhà trường hướng nghiệp cho các bạn nữ thực hành nghề đan rổ hoặc bít tất, các bạn nam làm nghề cắt tóc hoặc sửa chữa xe đạp. GS Châu chọn nghề cắt tóc.

"Nghề nghiệp đó có thể hơi buồn cười nhưng rất cần thiết trong cuộc sống", GS Châu nói.

Người giành huy chương Fields cho rằng hướng nghiệp hiện tại cần sự quan tâm của phụ huynh và cả xã hội, bởi nếu chỉ có nhà trường sẽ không đủ giúp cho học sinh lựa chọn trước ngưỡng cửa cuộc đời.

GS Ngo Bao Chau chon nghe cat toc khi huong nghiep thoi pho thong hinh anh 1
GS Ngô Bảo Châu (bên trái) chia sẻ trong tọa đàm tối 3/5 tại Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. 

GS Ngô Bảo Châu cho biết người lớn nên hướng nghiệp cho học sinh theo hai cách. Thứ nhất, phụ huynh cho các em cơ hội trải nghiệm, cọ xát để có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp. Thứ hai, cha mẹ nên cho trẻ được tiếp xúc những người tài năng, có lòng yêu nghề để truyền đam mê cho các em. 

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ là đối thoại với con. Thực tế cho thấy xã hội hiện đại, cha mẹ thường có tâm lý nuôi con sao cho ngoan, không hư hỏng. Nhiều người quan tâm chuyện cho con đi học thêm hay không, chứ ít khi nghĩ đến tâm tư, nguyện vọng của các em.

“Khi lựa chọn nghề nghiệp, các con có thể không thực tế vì bị ảnh hưởng từ truyền thông và phim ảnh. Cha mẹ cần đối thoại với con để thể hiện quan điểm của mình và biết quan điểm của con”, GS Ngô Bảo Châu nói.

GS Châu khuyên phụ huynh cho con tham gia nhiều CLB khác nhau để trẻ trải nghiệm. Việc định hướng nghề nghiệp nên thực hiện tốt nhất ở những năm cuối cấp hai và đầu cấp ba.

Thời gian tới, Vườn ươm Tài năng Talinpa do GS Ngô Bảo Châu sáng lập sẽ tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo để hướng trẻ tham gia trải nghiệm nhiều lĩnh vực như công nghệ, nhà giáo, bác sĩ, kiến trúc sư. 

Cùng nói về đam mê và nghề nghiệp, nhà giáo Đàm Hiếu Chiến - thầy của GS Ngô Bảo Châu - cho biết những năm 1969 và 1970, ông thấy đôi chút bất công và khó nhọc khi bước chân vào nghề sư phạm với định hướng của bố. Sau đó, sự trải nghiệm nghề nghiệp khiến ông đam mê khi dạy tại trường Trưng Vương, Hà Nội.

“Bố tôi nói con hãy chọn nghề sư phạm và bất kể ở lĩnh vực nào hãy cứ làm tốt, con sẽ thấy cuộc đời không bất công với mình. Đến giờ, tôi thấy đúng, ngành sư phạm đã cho tôi tất cả”, nhà giáo Đàm Hiếu Chiến nói.

Chuyên gia giáo dục Trần Hồng Quang cho rằng trước khi làm công việc hiện tại, ông từng trải qua nhiều ngành nghề. Thời cấp ba, ông được hướng nghiệp về ngành xây dựng.

“17 tuổi, tôi ra công trình, cảm giác rất khủng khiếp khi không có hứng thú nào cả. Sau đó, tôi chuyển qua học nhạc và cũng thấy không vui như mình nghĩ”, ông Quang kể.

Ông Quang dẫn thống kê trên thế giới và cho rằng các bạn trẻ chọn nghề nghiệp có một phần lớn ảnh hưởng bởi cha mẹ, một phần không nhỏ còn lại ảnh hưởng của truyền thông và phim ảnh.

“Con trai tôi 13 tuổi, ước mơ trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Tôi đã chia sẻ với cháu để hiểu về việc tuổi thọ của nghề rất thấp. Cháu đã suy nghĩ rồi đưa ra kết luận mình không đủ đam mê để theo đuổi”, ông Quang kể lại câu chuyện chọn nghề của con trai mình.

GS Ngô Bảo Châu nói vui nếu không nghiên cứu Toán học, ông sẽ trở thành thợ cắt tóc.

Theo Zing


học sinh

GS Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.