'Khoảng 1.000 hồ sơ nộp vào trường Lương Thế Vinh toàn điểm 10'

PGS Văn Như Cương cho hay thực tế, nhiều gia đình mua điểm và giải thưởng để cho con vào trường tốt. Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng điểm số không phải tất cả.

 PGS Văn Như Cương cho hay thực tế, nhiều gia đình mua điểm và giải thưởng để cho con vào trường tốt. Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng điểm số không phải tất cả.  

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Tất cả trường ở Hà Nội áp dụng xét tuyển theo tuyến. Những trường có số lượng học sinh đăng ký xét tuyển cao hơn so với chỉ tiêu có thể sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển (dựa vào kết quả khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, mỹ thuật… của học sinh). Tuy nhiên, không phải hoạt động nào cũng được dùng để tính điểm.  

Các trường top đầu của Hà Nội như chuyên Hà Nội - Amsterdam, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Marie Curie... mỗi năm đều có số hồ sơ nộp vào nhiều gấp 4,5 lần chỉ tiêu. 

Hồ sơ 'đẹp' liệu có thực chất?

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho biết mùa tuyển sinh 2015- 2016 và 2016-2017, mỗi năm, trường nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6. Khoảng 1.000 hồ sơ có điểm 10 ở cả hai môn Toán, tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học.

Vì có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để chọn lọc. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường, 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thể dục thể thao…

'Khoang 1.000 ho so nop vao truong Luong The Vinh toan diem 10' hinh anh 1
Những năm trước, nhiều phụ huynh phải nghỉ làm, chen lấn mua hồ sơ cho con vào trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Hoàng Anh.

Bày tỏ về việc học sinh đạt quá nhiều điểm 10 và giành “cơn mưa” giải thưởng, PGS Văn Như Cương cho hay thực tế, nhiều gia đình chạy điểm, chạy giải thưởng để cho con vào trường top. Việc tham gia quá nhiều cuộc thi từ văn hóa đến văn nghệ, thể thao, chỉ để lấy được điểm ưu tiên trong xét tuyển cũng khiến các em rất vất vả.

Chính điều này đã khiến PGS Văn Như Cương cảm thấy bối rối khi chọn học sinh và đưa ra kết luận: "Học sinh ta giỏi nhất thế giới".

Tại trường THPT Nguyễn Siêu, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin phần lớn học sinh xét tuyển vào trường có hồ sơ đạt điểm 10 và đoạt các giải thưởng khác nhau.

Nữ giáo viên này đánh giá: “Học sinh có nhiều điểm 10 chứng tỏ chất lượng giáo dục đang phát triển. Tuy nhiên, về các giải thưởng cũng còn nhiều bất cập".

Bà Thúy hoàn toàn ủng hộ cuộc thi có chất lượng do Bộ GD&ĐT và thế giới quy định. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều cuộc thi do các công ty tư nhân tổ chức nhằm thu hút lợi nhuận, học sinh, phụ huynh lao vào để kiếm giải. Các cuộc thi này cần được các cơ quan Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

Điểm số không phải tất cả

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy, mỗi trường có một tiêu chí để lựa chọn học sinh khác nhau. Với trường Nguyễn Siêu, điểm số không phải tất cả.

Song song với xét tuyển hồ sơ, trường tổ chức Ngày hội trải nghiệm để học sinh hoạt động nhóm, chơi trò chơi phát triển trí tuệ thể hiện mình. Qua quá trình đó, trẻ sẽ bộc lộ hành vi, thái độ, năng lực, giúp trường có thể đánh giá và chọn lọc học sinh.

Ngoài ra, là trường tư thục có hai hệ đào tạo là chất lượng cao và quốc tế Cambridge, học sinh tuyển vào Nguyễn Siêu cần có năng lực tiếng Anh.

'Khoang 1.000 ho so nop vao truong Luong The Vinh toan diem 10' hinh anh 2
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu. Ảnh: NVCC.

Trực tiếp tham gia quá trình tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, nhà trường theo mô hình trường học ASK (ưu tiên thái độ - kỹ năng - kiến thức) nên việc hồ sơ toàn điểm 10 hay có nhiều giải thưởng không hoàn toàn quyết định việc trúng tuyển hay không.

Một học sinh toàn được 10 điểm từ lớp một đến lớp 5 chưa chắc đã đỗ vào trường. Mặt khác, những em có điểm 8, điểm 9 hoàn toàn có thể nhập học, miễn là đã tốt nghiệp tiểu học.

“Có những học sinh đạt điểm 9 nhưng lại có nhận thức và đam mê khoa học tốt, được chúng tôi lựa chọn. Nhiều bạn đạt điểm 10 nhưng khi tiếp xúc lại không có năng lực toàn diện. Chúng tôi cũng đánh giá việc tìm hiểu trường có khiến các em yêu thích hay không, từ đó mới khơi gợi được niềm đam mê học tập.

Chính vì vậy, nhiều phụ huynh đã xin khi con không được tuyển. Bởi họ tin tưởng vào những giải thưởng của con mà không tin vào góc nhìn riêng có chuyên môn của những người làm giáo dục”, bà Thúy cho hay.

Theo quan điểm của hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu, 5 năm học cấp một chỉ là thời gian đặt nền tảng, các em còn 7 năm học nữa để rèn luyện và phát triển. Vì vậy, phụ huynh không nên đặt áp lực quá nặng nề lên các em bằng căn bệnh thành tích.

“Việc chạy điểm, chạy giải thưởng để 'làm đẹp' hồ sơ cho con trong các kỳ tuyển sinh đầu cấp khiến nhiều bố mẹ, học sinh bị ảo tưởng. Bố mẹ đánh giá nhầm năng lực của con. Con không hiểu rõ khả năng của mình, sau này dễ bị vấp ngã, tự ti, sốc tâm lý khi gặp thất bại", bà Thúy nêu quan điểm.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Hà Nội, đánh giá phương án xét tuyển trực tuyến áp dụng đã phát huy tác dụng, hạn chế phiền hà, mất thời gian đối với các bậc phụ huynh, chấm dứt tình trạng chen lấn, xếp hàng qua đêm để mua hồ sơ như đã từng xảy ra. Đặc biệt, quá trình thu thập thông tin học sinh giúp loại bỏ hồ sơ “ảo”, qua đó hạn chế trái tuyến.

“Rút kinh nghiệm năm 2016, có phụ huynh không khai đầy đủ thông tin địa chỉ nơi ở khiến cho việc phân tuyến không chính xác, năm nay, bắt buộc phụ huynh phải đăng đăng ký xét tuyển trên hệ thống của sở. Theo đó, phụ huynh cũng cần phải kê khai đầy đủ, chi tiết, tránh khai sai, khai nhầm, dẫn đến bị phân tuyến sai, ảnh hưởng quyền lợi của học sinh”, ông Chất nói.


giáo viên

học sinh

trường Lương Thế Vinh

điểm 10

gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.