Một tháng thi thử một lần, học sinh bơ phờ

Việc ôn và luyện thi liên tục vào giai đoạn nước rút không chỉ gây mệt mỏi về tinh thần mà dễ khiến các em bị “bội thực” kiến thức.

Việc ôn và luyện thi liên tục vào giai đoạn nước rút không chỉ gây mệt mỏi về tinh thần mà dễ khiến các em bị “bội thực” kiến thức.

Còn hơn một tháng nữa, học sinh (HS) lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, ngoài ôn luyện, nhiều trường THPT đã tập dượt cho các em bằng cách liên tục tổ chức các đợt thi thử, kiểm tra. Điều này đã tạo không ít lo lắng và áp lực cho HS.

Quá mệt mỏi

Từ đầu năm học 2015-2016, cứ mỗi tháng, gần 400 HS lớp 12 của Trường THPT Phan Chu Trinh (Đắk Lắk) lại phải trải qua kỳ thi thử THPT với bốn hoặc năm môn cả tự chọn lẫn bắt buộc tùy theo số môn các em đã đăng ký. Những kỳ thi được tổ chức giống như một kỳ thi THPT quốc gia bình thường, về cấu trúc đề thi, cơ cấu, sắp xếp ngồi theo bảng chữ cái, số lượng giám thị, cách chấm bài thi...

Theo đó, nhà trường chia HS lớp 12 thành hai nhóm, nhóm lớp bình thường và lớp chọn. Đối với các em lớp 12 bình thường cứ hai tháng sẽ thi thử một lần nhưng đối với HS lớp chọn cứ một tháng phải thi một lần. Trong hai tháng 5 và 6, các em sẽ được ôn luyện tại trường và tiếp tục trải qua thi thử, sau đó được nghỉ một tuần để tự ôn trước khi vào kỳ thi chính thức đầu tháng 7 tới.

Vì việc thi thử được đưa vào chương trình giảng dạy của nhà trường nên tất cả HS phải tham gia. Về lệ phí thi, nhà trường thu mỗi em 50.000 đồng cho một lần thi, riêng những lần đầu mỗi em phải đóng 120.000 đồng.

mot thang thi thu mot lan, hoc sinh bo pho - 1
Các em lớp 12 Trường THPT Gia Định (TP.HCM) trong một đợt thi thử tại trường. Ảnh: PA

Theo thông tin từ nhà trường, điểm thi thử không cộng vào điểm chính khóa mà chỉ là hình thức giúp các em làm quen với kỳ thi, là căn cứ để các thầy cô định hướng cho các em chọn trường phù hợp.

Em NTT, HS lớp 12 tại trường này, cho biết em cảm thấy quá mệt mỏi khi sáng phải học chính khóa, chiều ôn tập các môn thi chính, tối về chuẩn bị bài cho ngày mai rồi còn dành thời gian luyện thi thử nữa. “Mặc dù kết quả thi thử không ảnh hưởng đến kết quả học tập nhưng lại được công khai trên bản tin, thậm chí cả trên Facebook. Điểm thi đó cũng được các thầy cô dùng để đánh giá năng lực, nhận xét nên nói không ảnh hưởng nhưng thật ra tác động rất nhiều đến tâm lý tụi em” - em T. nói.

Em TTTM cũng đồng ý việc thi thử sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi, cách thi, biết năng lực của mình đến đâu nhưng một học kỳ mà thi thử năm lần liên tiếp khiến em rất căng thẳng. “Mỗi lần có kết quả thi thử là các bạn thấp điểm lại bắt đầu hoang mang, lại mất thời gian lấy lại tinh thần...” - em M. bày tỏ.

Không hiểu thi gì mà nhiều thế

Tại TP.HCM, thời gian qua ngoài ôn tập với lịch dày đặc, HS tại nhiều trường cũng liên tục trải qua các đợt thi thử, kiểm tra như THPT Gia Định, Lê Quý Đôn, Thành Nhân...

Vừa hoàn tất kỳ kiểm tra học kỳ 2, hơn 1.000 HS lớp 12 của Trường THPT Gia Định đã bước ngay vào giai đoạn ôn thi nước rút. Hiện các em đang tập trung chuẩn bị cho kỳ thi thử lần hai sẽ diễn ra trong ba ngày từ 11 đến 13-5 tới.

Kỳ thi được tổ chức với tám môn, trong đó có ba môn bắt buộc là ngữ văn, toán, tiếng Anh và năm môn tự chọn khác gồm lý, hóa, sinh, địa và lịch sử. Lần thi thử đầu được nhà trường tổ chức trước tết Nguyên đán. Sau đợt 2, HS sẽ tiếp tục ôn tập tại trường và dự tiếp một kỳ thi thử thứ ba vào giữa tháng 6 với mức độ đề thi y như đề thi THPT quốc gia.

Em LTT, HS lớp 12 của trường này, tâm tư: “Em nghĩ chỉ nên tổ chức một đợt thi thử sau khi kết thúc năm học là tốt nhất để biết khả năng HS đến đâu và cũng làm quen cách thi luôn. Chứ tụi em đã “tới ngưỡng” rồi, thi học kỳ 2 xong cần nghỉ ngơi xả hơi cho thoải mái thì lại phải tiếp tục ôn tập để thi thử nữa thì lo lắm. Mặc dù không lấy điểm nhưng cứ thi là thấy lo rồi, điểm môn nào thấp lại càng sợ hơn”.

Nói về những kỳ thi thử của con, chị Quế Hương, phụ huynh có con học lớp 12 tại trường này, cho hay để tổ chức được những kỳ thi thử này thì không chỉ HS mà nhà trường cũng rất vất vả nhưng thi nhiều thì không cần thiết lắm vì các em giải đề ở lớp cũng nhiều rồi. “Lần nào hỏi đến cũng thấy con nói đang ôn thi mà thương, không hiểu học gì, thi gì mà học nhiều thế. May là con tôi thi có bốn môn chứ nhiều hơn thì chắc phờ người” - chị Hương nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, hằng năm trường vẫn tổ chức ba đợt thi thử cho HS khối 12. Khi đăng ký và thi như vậy, các em sẽ được cơ hội thử sức để biết năng lực của mình đến đâu, từ đó phân bổ thời gian học hợp lý hơn.

Nên tạo trạng thái cân bằng cho con

Gần đây, phòng khám của tôi có nhiều phụ huynh đưa con đến để khám tâm lý. Các em đến trong tình trạng căng thẳng, đến nỗi các em không biết học để làm gì và quên hết những gì các em đã học. Thực ra áp lực trong kỳ thi cũng có mặt tích cực của nó, nó khích lệ cho các em dồn tâm trí, thời gian và sức khỏe của mình để ưu tiên cho việc học và kết quả kỳ thi tốt hơn. Tuy nhiên, áp lực này sẽ có mặt trái nếu như các em không vững vàng. Tốt nhất, trong quá trình ôn thi, phụ huynh nên tạo không khí thoải mái, thời gian thư giãn, động viên và chia sẻ với con. Các em cần học một cách thoải mái và có hệ thống chứ đừng dồn ép quá hoặc rời rạc từng chút, cần tạo được sự cân bằng trong tinh thần mới bước vào một kỳ thi một cách tốt nhất.

Chuyên gia tâm lý VÕ THỊ MINH HUỆ

____________________________________

Điều quan trọng nhất là giáo viên phải trang bị tốt cho các em kiến thức nền, có kế hoạch ôn tập tốt cho từng đối tượng HS theo nguyện vọng và năng lực của các em. Tuy nhiên, lựa chọn cách thức nào thì nhà trường cần thông qua và có sự đồng thuận của phụ huynh. Tùy theo điều kiện thực tế và khả năng của HS để chọn giải pháp phù hợp, miễn là HS thấy hứng thú học tập và không bị áp lực, để các em bước vào kỳ thi một cách tốt nhất.

Ông LÊ DUY TÂN, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM

Theo Pháp luật TPHCM


Kỳ thi THPT Quốc gia 2016

thi đại học

ôn thi

luyện thi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.