Ảnh minh họa |
Con là một “đồng nghiệp hậu thế” của các thầy. Từ ngày nhỏ con đã ao ước được theo nghề “Gõ đầu trẻ” giống như các thầy đồ ngày xưa. Nhìn trong các bộ phim, đọc các truyện về các thầy đồ, con vô cùng nể phục các thầy và các thế hệ học trò ngày xưa. Nhất là về truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngầy ấy ạ.
Thưa các thầy, con có rất nhiều thắc mắc và nhiều tâm sự muốn kể với các vị ạ. Nếu gặp được các thầy con xin hỏi các thầy mấy câu hỏi ạ: Thời ấy khó khăn lớn nhất của các thầy là gì ạ? Các thầy có biết đến “bạo lực học đường” không ạ?
Giờ con muốn tâm sự với các thầy về nghề “gõ đầu trẻ” hiện đại ạ. Ngày nay, không chỉ có “ông đồ” mà còn có nhiều “bà đồ” nữa ạ. Mà người ta cũng không gọi là nghề “Gõ đầu trẻ” nữa, có lẽ vì nghe nó “bạo lực”ạ, mà gọi là nghề giáo viên. Tên gọi “thầy đồ” giờ được thay bằng “thầy giáo, cô giáo” đấy ạ. Tuy tên gọi có thay đổi nhưng bản chất thì chúng con vẫn được coi là “đồng nghiệp hậu thế” của các vị.
Xoay như chong chóng cả năm
Các vị biết không, chúng con hiện nay phải học nhiều thứ lắm, học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; học ngoại ngữ, tin học, học thay đổi phương pháp dạy học mới ; học tập huấn thay sách... Nhưng học nhiều thế vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của xã hội, của phụ huynh học sinh, và cả học sinh thời @ nữa ạ. Nếu không học liên tục, chúng con sẽ bị tụt hậu với kho kiến thức của nhân loại. Các thầy ngày xưa có phải học nhiều như chúng con bây giờ không ạ?
Chúng con cũng rất bận rộn và luôn phải lo lắng với các loại hồ sơ, sổ sách cũng như phải chuẩn bị tinh thần cho các đợt thanh kiểm tra: thanh tra hàng năm theo quyết định của Bộ, Thanh tra dự giờ đột xuất, thanh tra toàn diện, thao giảng tổ khối, thao giảng chuyên đề cấp trường, cấp huyện (thị)... Chúng con cứ xoay như chong chóng cả năm học ấy ạ. Ngày xưa các thầy có bận rộn và lo lắng nhiều như vậy không?
Đời sống của giáo viên chỉ trông vào đồng lương ít ỏi, vì chúng con cũng không biết làm thêm gì với những kiến thức sư phạm ạ. Thầy cô nào có tài, có học sinh xin theo học thêm cũng là cơ hội thầy cô tăng thu nhập thì lại bị cấm rồi ạ. Ngày xưa các thầy đồ giỏi có bị cấm dạy thêm không ạ?
Nhưng tất cả những vất vả đó, chúng con đều cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên. Dù vất vả thì chúng con đã làm được trong nhiều năm qua rồi. Học tập không ngừng, lo lắng quanh năm, đời sống đạm bạc...nhưng cái nỗi lo lớn bây giờ mới thực sự xuất hiện ạ. Đó là nỗi lo “bạo lực học đường” thời @.
Cho dù một giáo viên dạy giỏi, đạo đức nghề nghiệp tốt, chấp hành đầy đủ các quy định của trường thì “tai bay vạ gió” vẫn có thể đến bất cứ lúc nào ạ. Con lấy ví dụ nhé!
Lúc nào cũng như "cá nằm trên thớt"
Một giáo viên dạy giỏi, tâm huyết, gặp phải một học trò quậy phá, lười học, coi thường, cãi láo thầy cô, do không giữ nổi bình tĩnh mà vụt cho học trò vài cây lằn mông lên, chỉ thế thôi giáo viên đó cũng có thể phải đón nhận một tương lai đen tối với “sự nghiệp trồng người” của mình rồi ạ. Trồng cây thì uốn thế nào cũng được, nhưng trồng người đâu dễ gì “được uốn”.
Một học sinh bị đánh trong trường là bao công sức của giáo viên chủ nhiệm và của hiệu trưởng coi như đổ sông đổ bể. Mà chưa bao giờ học trò lại thích “đánh nhau” đến thế, chỉ cần một “cái nhìn không đẹp” cũng có thể xảy ra hỗn chiến. Mà không chỉ học sinh nam hay “uýnh nhau” mà học sinh nữ cũng rất thích dùng “nắm đấm” để giải quyết vấn đề. Các trường học THCS, THPT trên khắp 3 miền đất nước vốn được coi là có truyền thống “tôn sư trọng đạo” này đều có những vụ học sinh đánh nhau, không lớn thì nhỏ. Nhưng giờ thì những vụ học sinh đánh nhau cứ tăng dần, cộng với sự hỗ trợ của internet thì tốc độ lây lan càng nhanh đến chóng mặt ạ.
Thế nên nỗi lo của chúng con bây giờ tăng lên gấp bội, lúc nào cũng như “cá nằm trên thớt” ấy. Lo thanh tra đột xuất không sợ bằng “bạo lực bất ngờ” tại trường học ạ. Chúng con toàn dạy học trò những điều hay, lẽ phải. Từ mầm non, Tiểu học rồi đến Trung học giáo viên chúng con dạy trò phải biết ngoan ngoãn, lễ phép, kính trên nhường dưới, yêu thầy mến bạn, đoàn kết thương yêu...Thế mà giờ đây, chính chúng con, những người luôn phải gương mẫu, những người không bao giờ dạy trò những điều xấu thì lại phải nhận những hình phạt từ những việc xấu của trò gây ra. Chúng con có dạy chúng đánh nhau đâu? Ai dạy chúng ấy chứ? Sao chúng con phải chịu tội này?
***
Thưa các thầy đồ đáng kính, con muốn hỏi các thầy một câu nữa ạ. Nếu là các thầy thì các thầy làm thế nào để không xảy ra “bạo lực học đường” ạ?
Cuối thư, con kính mong các vị tiền bối ở trên trời soi thấu, hiểu được nỗi khổ của nghề “gõ đầu trẻ” ngày nay mà phù hộ độ trì cho chúng con, để chúng con có đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ lớn lao, có đủ minh mẫn và nhẫn nại để không lỡ tay “gõ đầu” học trò, đủ may mắn để học trò của chúng con không đánh nhau (trong trường) ạ!
Theo Bà đồ thời @/VietNamnet