Nghịch lý giáo dục Việt Nam: Nghèo lại học giỏi, nhưng học giỏi tại sao vẫn nghèo?

Các địa phương kinh tế còn khó khăn, mức sống người dân thấp thì các chỉ số về giáo dục lại cao hơn những địa phương được xem là đầu tàu phát triển kinh tế.

Các địa phương kinh tế còn khó khăn, mức sống người dân thấp thì các chỉ số về giáo dục lại cao hơn những địa phương được xem là đầu tàu phát triển kinh tế.

Đưa ra những số liệu và phân tích về các địa phương có học sinh giành giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017, thầy Quốc Thắng đặt vấn đề về mối liên quan giữa số lượng học sinh giỏi và mức độ phát triển của các địa phương.

Theo tác giả, ở Việt Nam, chất lượng giáo dục lại không tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế, các địa phương kinh tế khó khăn thì lại có kết quả thi học sinh giỏi tốt hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017 diễn ra từ ngày 5-7/1/2017 có tổng số lượng giải là 2202.

Trong đó, có 68 giải Nhất chiếm tỷ lệ 3,08%, 473 giải Nhì - 21,48%, 789 giải Ba - 35,83% và 872 giải Khuyến khích - 39,61%. 

Với số lượng đạt 146 giải, thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước, đứng thứ hai là Hải Phòng 92 giải, Nghệ An 88 giải ở vị trí thứ ba, thấp nhất là Long An, Trà Vinh, Ninh Thuận mỗi tỉnh đạt 1 giải (riêng tỉnh Bắc Kạn không có trong danh sách công bố). 

bang_1_1

Số lượng giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích của 7 vùng trong cả nước năm 2017. 

Trong 68 giải Nhất, dẫn đầu vẫn là Hà Nội 11 giải, tiếp theo cùng có 7 giải là Hải Phòng, Nghệ An, Đại học quốc gia Hà Nội. Có cùng 8 giải Nhất cho mỗi môn gồm Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh.

Về cơ cấu vùng miền, Đồng bằng sông Hồng đạt 799 giải chiếm 36,29%, thứ hai là Trung du miền núi Bắc Bộ 420 giải - 19,07%, thấp nhất là Tây Nguyên 95 giải - 4,31%, hơn Tây Nguyên là Đồng bằng sông Cửu Long với 120 giải - 5,45%. 

Tương tự, về giải Nhất, Đồng bằng sông Hồng có 36 giải chiếm 52,94%, có 2 vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mỗi vùng chỉ có duy nhất 1 giải Nhất, Tây Nguyên không có giải Nhất.

Trong cơ cấu từng vùng, số lượng giải giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn. Vùng Tây Bắc thuộc Trung du miền núi Bắc Bộ: Hòa Bình 36, Điện Biên 33 trong khi Sơn La 8, Lai Châu 7. 

Vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng 31 so với Đắc Nông thấp nhất chỉ có 4. Ở Đông Nam Bộ, Bình Phước 44 gấp khoảng 3 lần so với tỉnh kế bên Bình Dương có 15 giải. 

Đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ đạt 24 giải, Duyên hải Nam Trung Bộ có Đà Nẵng 35 giải, Tây Nguyên có Lâm Đồng 31 nhưng lại thấp hơn tỉnh Thái Bình 37 giải - đây cũng là tỉnh có số lượng giải thấp nhất vùng Đồng bằng sông Hồng.

Có thể so sánh trên khập khiễng nhưng cũng cho chúng ta một góc nhìn, nhất là các nhà quản lý giáo dục. 

Thực tế các cường quốc kinh tế trên thế giới đều là những nước có nền giáo dục tốt như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước Bắc Âu... 

Kinh tế thịnh vượng kéo theo sự đầu tư cho giáo dục tốt hơn, đó là lý do vì sao nền giáo dục của họ tốt, nơi mà học sinh nước ta chọn để du học. 

Còn ở nước ta, giáo dục lại không tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế, các địa phương kinh tế khó khăn thì số học sinh giỏi lại có kết quả tốt hơn. 

Điển hình điều này đó là tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Hai tỉnh này tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ. 

Bình Dương hiện được xem là mô hình và là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, nơi có nhiều cụm, khu công nghiệp tập trung hàng nghìn lao động từ các nơi đổ về làm việc. 

Bình Phước vẫn còn là tỉnh biên giới kinh tế nông nghiệp và còn nhiều khó khăn. 

Trên bản đồ kinh tế Việt Nam, Bình Phước vẫn chưa có gì so với Bình Dương, tuy vậy số lượng giải học sinh giỏi quốc gia Bình Phước là 44, gấp khoảng 3 lần so với Bình Dương có 15 giải và năm nào cũng nhiều hơn.

bang_2

So sánh số lượng giải học sinh giỏi quốc gia một số tỉnh, thành qua 3 năm 2015, 2016, 2017. 

Vùng Đông Nam Bộ có 270 giải đứng ở vị trí thứ tư sau cả Trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 

Hiện nay, Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về kinh tế, chiếm hơn 1/3 GDP cả nước. 

Theo thống kê năm 2015, 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, Đông Nam Bộ có tới 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu đứng nhất, nhì cả nước, còn Bình Dương và Đồng Nai đứng vị trí thứ bảy và thứ tám. 

Chỉ so sánh với Bình Dương, thu nhập bình quân đầu người của Bình Phước chỉ hơn một nửa; còn Nghệ An, Thanh Hóa chưa bằng một nửa; các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Tuyên Quang lại thấp hơn nhiều. 

Khi kinh tế phát triển thì sự đầu tư cho giáo dục tốt hơn và tất nhiên chất lượng giáo dục được nâng lên.

Còn Trung du miền núi Bắc Bộ có mức sống thấp hơn nhiều, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, mức độ đầu tư cho giáo dục ít nhiều cũng hạn chế nhưng lại có số lượng giải cao gấp 1,55 lần so với Đông Nam Bộ. 

bang_3

Số lượng giải học sinh giỏi quốc gia của 7 vùng qua 3 năm 2015, 2016, 2017. 

Tết Đinh Dậu năm 2017 có 12 tỉnh nhận trợ cấp gạo của Chính phủ, trong đó có nhiều tỉnh nhận thường xuyên. 

Điều đó cho thấy kinh tế ở những địa phương này còn rất nhiều khó khăn nhưng số lượng giải học sinh giỏi lại cao hơn rất nhiều lần các địa phương có kinh tế phát triển. 

Đây là nghịch lý trong giáo dục ở nước ta hiện nay. Các địa phương kinh tế còn khó khăn, mức sống người dân thấp thì các chỉ số về giáo dục lại cao hơn những địa phương được xem là đầu tàu phát triển kinh tế. 

Điều mà mọi người thắc mắc kể cả các chuyên gia nước ngoài, khi đánh giá về giáo dục Việt Nam là nghèo lại học giỏi, nhưng học giỏi tại sao vẫn nghèo?

Theo VTC



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.