Nữ sinh Việt đầu tiên nhận học bổng cờ vây hơn nửa tỷ đồng

Gác lại tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi cùng với nhiều cơ hội công việc tốt, Khánh Linh kiên trì đam mê với cờ vây và xuất sắc giành được học bổng thạc sỹ giá trị tại Hàn Quốc.

Gác lại tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi cùng với nhiều cơ hội công việc tốt, Khánh Linh kiên trì đam mê với cờ vây và xuất sắc giành được học bổng thạc sỹ giá trị tại Hàn Quốc.

Nuôi tình yêu với cờ vây từ nhỏ

Tốt nghiệp loại A chuyên ngành Kinh tế Quốc tế và đạt danh hiệu sinh viên giỏi toàn khóa với số điểm trung bình 3,37 tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội nhưng Lê Kiều Khánh Linh (SN 1994, ở Hà Nội) gác lại tấm bằng đỏ cùng nhiều cơ hội việc làm tốt để theo đuổi đam mê cờ vây.

Vừa nhẹ nhàng đi từng nước cờ, Linh vừa kể về cái duyên gắn kết mình với môn cờ vây đầy trí tuệ này.


Cô gái đam mê cờ vây Lê Kiều Khánh Linh

'Mình đến với cờ vây như một cái duyên bất ngờ vậy. Ngày còn nhỏ, mình hay đọc truyện tranh và đặc biệt yêu thích bộ truyện Hikaru Kỳ thủ cờ vây, có lẽ mình thích cờ vây là vì thế' - Linh cho biết.

Bị hớp hồn bởi những nước cờ, Linh xin cha mẹ cho phép được đi học cờ vây khi mới học lớp 5. Cha mẹ Linh cũng chiều lòng con gái khi nghĩ đó đơn thuần chỉ là sở thích.

Vậy là đều đặn mỗi tuần, Linh được bố đèo đi học cờ vây tại CLB cờ vây Hà Nội. Kết thúc 3 tháng hè, cô học sinh trở lại với lịch sinh hoạt, đi học hàng ngày.

Theo cô, cờ tướng và cờ vua thịnh hành ở Việt Nam chủ yếu dựa vào cách dùng quân và bắt tướng của đối phương còn cờ vây lại mang tính xây dựng, chủ yếu sử dụng quân để chiếm diện tích đất trên bàn cờ. Cũng vì lẽ đó mà cờ vây được coi là một trong những môn trí tuệ nhất.


Quyết tâm theo đuổi đam mê nhưng Khánh Linh luôn hoàn thành xuất sắc việc học

Kết thúc khóa học 3 tháng hè, Linh tạm chia tay với cờ vây một thời gian dài do không có điều kiện để theo học. Đến năm lớp 11, khi tự chủ động được phương tiện và thời gian đi lại, Linh mới đăng kí để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê từ nhỏ.

Vào lúc nước rút để chuẩn bị cho năm học cuối cấp, Linh phải thu xếp thời gian để vừa cân bằng việc học, vừa tiếp tục chơi cờ.

Học bổng giá trị là phần thưởng xứng đáng cho đam mê và những nỗ lực không mệt mỏi của Khánh Linh

'Mình khá may mắn khi bố mẹ hoàn toàn không cấm đoán, miễn là chơi cờ không làm ảnh hưởng đến việc học. Khó khăn duy nhất của cờ vây đó là thời gian mình học chơi thì không có nhiều cơ sở hay câu lạc bộ hướng dẫn, các tài liệu sách báo liên quan đến cờ vây cũng hiếm ở Việt Nam nên mình chỉ có thể học từ các anh chị đi trước hoặc tìm tài liệu viết bằng tiếng Anh trên mạng' - Linh cho biết.

Hành trình đến với học bổng cờ vây trị giá hơn nửa tỷ đồng

Thi đỗ vào Đại học Ngoại Thương Hà Nội, Linh có thêm điều kiện để có thể tiếp tục học nâng cao hơn khả năng cờ vây của bản thân.

Giữ nguyên tắc từ nhỏ, không được để ảnh hưởng đến việc học, Linh càng được gia đình ủng hộ hơn.

Linh mong muốn sẽ phát triển cờ vây tại Việt Nam sau khi về nước

Trong suốt thời gian sống cùng cờ vây, Linh đã có bảng thành tích khá ấn tượng khi liên tiếp tham gia 3 giải quốc gia và một giải quốc tế về môn cờ vây.

Tại giải Cờ vây quốc gia năm 2013, Linh đã giành vị trí thứ 9, tuy chưa phải là thứ hạng cao nhưng có dấu mốc quan trọng đối với cô nàng.

Giữ vững được tinh thần học, Linh tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương với khóa luận đạt loại A cùng với danh hiệu Sinh viên giỏi toàn khóa.

Ngay khi vừa tốt nghiệp, gia đình đã có ý sắp xếp cho Linh một vài vị trí công việc phù hợp với chuyên ngành học. Tuy nhiên, với bản tính tự lập và có phần bướng bỉnh, Linh muốn được tự thân vận động tìm kiếm cơ hội cho mình.

Đầu năm 2016, Linh được một người bạn giới thiệu có một học bổng đào tạo thạc sỹ về chuyên ngành cờ vây học tại Hàn Quốc, Linh lập tức nắm lấy cơ hội, liên lạc với trường để xin học bổng.

Với nền tảng hơn 1 năm học tiếng Hàn Quốc cùng với hoạt động sôi nổi tại CLB cờ vây Việt – Hàn và cả tá thành tích thi đấu, Linh trở thành nữ sinh người Việt đầu tiên được học bổng tại trường Đại học Myongji (Hàn Quốc) chuyên ngành Cờ vây học, đào tạo trình độ Thạc sỹ, học bổng trị giá hơn nửa tỷ đồng (30.000 USD) cho 4 kỳ học.

Hi vọng về cờ vây Việt Nam

Linh cho biết, hiện nay cờ vây tại Việt Nam phát triển khá tốt khi ngày càng nhiều người yêu thích và theo học môn thể thao trí tuệ này. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa đồng đều khi tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng…

Khi nhận được học bổng này, Linh muốn sau khóa học sẽ góp chút sức cho phổ biến cờ vây tại Việt Nam.

Dự định trước mắt của Linh là hoàn thành 2 năm học tại Hàn Quốc, ở lại một thời gian để tích lũy thêm kinh nghiệm rồi trở về nước thực hiện các kế hoạch của mình nhằm đưa cờ vây Việt Nam ra thế giới.

Theo Baodatviet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.