Quy
định mới về việc không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí
sinh đang khiến nhiều trường lo lắng. Liệu tình trạng rối loạn trong xét
tuyển có xảy ra như năm 2016 khi 50% các trường phải xét tuyển bổ sung
vì số lượng thí sinh ảo quá lớn?
Thí sinh nên chọn nguyện vọng mình thực sự thích và một nguyện vọng “chắc chân” để tránh trượt oan. |
Trường rối, thí sinh dễ trượt oan
Quy định
không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh khiến
các trường ĐH bức xúc nhất, bởi điều này sẽ làm cho công tác xét tuyển
của các trường rắc rối và vất vả hơn rất nhiều. Lãnh đạo nhiều trường
băn khoăn, lo lắng cho rằng, dù Bộ GD&ĐT nói sẽ có cổng thông tin
tuyển sinh hỗ trợ các trường lọc ảo, nhưng nhiều trường chưa thực sự tin
giải pháp này nếu đó mới chỉ là lý thuyết mà chưa thành hiện thực. Liệu
có tình trạng rối loạn trong xét tuyển như đã từng xảy ra khi các
trường lại dài cổ ngóng thí sinh vì thí sinh ảo quá nhiều hay không?.
Thực tế, quy định này sẽ khiến cho công tác xét tuyển của các trường
phức tạp hơn, kéo dài hơn và chi phí xã hội tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh đó,
tuy không bị hạn chế nguyện vọng, không hạn chế môn thi để xét tuyển
đại học nhưng các chuyên gia giáo dục cảnh báo thí sinh về những lỗi dễ
mắc phải và là nguyên nhân dẫn tới trượt đại học oan. Ông Trần Văn
Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ
GD&ĐT) khẳng định, để đảm bảo an toàn, thí sinh nên chọn nguyện vọng
mình thực sự thích và một nguyện vọng “chắc chân” để tránh bị trượt
oan. “Khi đăng ký nguyện vọng 1, các em phải chọn ngành, trường yêu
thích nhất, có khả năng học nhất. Nguyện vọng tiếp theo sẽ chọn những
ngành “chắc chân” để đảm bảo cơ hội trúng tuyển nếu trượt nguyện vọng
đầu tiên. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh những năm trước trượt ĐH
không phải vì điểm thấp, mà ngược lại, điểm rất cao. Các em trượt do
chọn nguyện vọng không chuẩn” - ông Trần Văn Nghĩa giải thích.
TS. Lê Viết Khuyến
đề xuất: Để giải quyết bài toán ảo Bộ nên để cả nước thành một nhóm
tuyển sinh duy nhất và cùng chạy một phần mềm lọc ảo chung, chứ không
nên cho thành lập nhiều nhóm tuyển sinh sẽ rất khó lọc ảo. Bộ nên lắng
nghe ý kiến của các chuyên gia, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng
như các trường trong việc xây dựng phần mềm lọc ảo tối ưu nhất và công
bố giải pháp để không chỉ các trường mà cả xã hội đều yên tâm.
TS.Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam) phân tích: “Bộ cần tính áp dụng phương pháp tuyển sinh làm sao phải triệt tiêu được những khó khăn cho thí sinh, đặc biệt là đảm bảo công bằng cho thí sinh. Thực tế, tuyển sinh mấy năm vẫn thiên về may rủi hơn là đáp ứng đúng nguyện vọng của người học. Nếu không cẩn thận, hậu quả của nó sẽ giống như những năm trước là không những gây thiệt thòi cho thí sinh mà còn khiến chất lượng đầu vào của các trường không đảm bảo”.
Một số
chuyên gia cho rằng, việc không giới hạn nguyện vọng gần như một phương
án “không cho thí sinh trượt”. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phân luồng,
nhưng nếu thí sinh không lựa chọn các thứ tự nguyện vọng sau dù trúng
tuyển thì sẽ làm mệt, làm khó cho các trường, chủ yếu các trường tốp
dưới.
Phần mềm có lọc được ảo?
Thứ trưởng
Bùi Văn Ga cho biết: “Năm 2017, Bộ sẽ cho phép các thí sinh được đăng ký
nhiều trường hơn để đảm bảo quyền lợi thí sinh cao hơn nữa, do đó,
lượng ảo sẽ lớn. Vì vậy, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường lọc
thí sinh ảo, giảm khó khăn phát sinh”.
Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường lọc thí sinh ảo? |
Dù đã công bố không giới hạn nguyện vọng nhưng cho đến giờ này Bộ vẫn chưa đưa ra giải pháp phần mềm để lọc ảo khiến cho nhiều người nghi ngại kịch bản “vỡ trận” vì tình trạng ảo sẽ lặp lại trong mùa tuyển sinh năm nay! Nhìn lại kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đã tạo “dấu ấn” đặc biệt với việc hàng loạt trường, kể cả trường nhóm trên, phải xét tuyển bổ sung vì số lượng thí sinh ảo quá lớn. Nhiều trường thậm chí chỉ tuyển được khoảng hơn 50% chỉ tiêu trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Và để “chữa cháy”, trong đợt xét tuyển bổ sung nhiều trường đã hạ điểm nhận hồ sơ với mức điểm thấp hơn nguyện vọng 1 từ 2 đến 3 điểm. Điều này không chỉ khiến thí sinh cảm thấy không công bằng với mình mà ngay các trường cũng khó khăn vì chất lượng tuyển sinh không được như kỳ vọng.
Trước đó, năm 2014, trường Đại học Thăng Long đã giới thiệu phần mềm xét tuyển “chấp nhận trì hoãn” với lãnh đạo Bộ GD&ĐT. TS.Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long cho biết, tính ưu việt của phần mềm thể hiện ở chỗ: Thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng và đó là nguyện vọng tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác. Mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất có thể được trong khuôn khổ các nguyện vọng và kết quả của thí sinh. Thời gian xét tuyển nhanh dù thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng thì chương trình vẫn xử lý tốt.
Năm 2016
lãnh đạo Đại học Thăng Long lại tiếp tục báo cáo về phần mềm xét tuyển
dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” với lãnh đạo Hiệp hội Các
trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Lãnh đạo Hiệp hội cũng như nhiều
trường đã ủng hộ và đánh giá, đây là một giải pháp hữu hiệu cho việc lọc
ảo. Thế nhưng cho tới nay không hiểu lý do gì phần mềm này chưa được
thử nghiệm trên diện rộng, mặc dù được đánh giá có tính ưu việt.
Với số lượng
thí sinh lớn, nguyện vọng nhiều nên nguyện vọng thí sinh đăng ký tuyển
sinh vào các trường đại học, cao đẳng là con số khổng lồ. Vì thế Bộ
GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn, có phần mềm để lọc ảo, giúp cho các
trường nhanh chóng tuyển được thí sinh, tránh tình trạng thí sinh ồ ạt
rút hồ sơ nhảy cóc từ trường này sang trường kia./.