Chiếc xe hơi biết lội nước đầu tiên của Việt Nam

Chiếc xe hơi mà ông chế tạo vừa có thể đi trên bờ, vừa có thể bơi được dưới nước. Để làm ra được chiếc xe này, ông đã dành tới 13 năm, với chi phí hàng tỷ đồng.

Chiếc xe hơi mà ông chế tạo vừa có thể đi trên bờ, vừa có thể bơi được dưới nước. Để làm ra được chiếc xe này, ông đã dành tới 13 năm, với chi phí hàng tỷ đồng.

Gian nan tìm phụ kiện cho xe lội nước

Nghe về chiếc xe hơi có thể bơi được dưới nước, chúng tôi quá đỗi tò mò, muốn được tận mắt chứng kiến. Vì thế, chúng tôi tìm đến phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để mục sở thị sáng chế thú vị này và gặp gỡ chủ nhân của chiếc xe kỳ lạ.

Vừa vào đến nhà, chúng tôi đã thấy chiếc xe được anh Trần Ngọc Trí đặt trong nhà xưởng một cách cẩn trọng. Kể về những ngày làm ra chiếc xe, anh Trí không khỏi bùi ngùi nói: "Khi làm chiếc xe này, tôi gặp nhiều áp lực lắm, có người biết chuyện, nói tôi bị khùng mới đi làm điều dị thường. Không ai ủng hộ, nhưng tôi vẫn làm vì nó trở thành niềm đam mê của tôi rồi".

Truyền lòng đam mê và sự ham học hỏi vào chiếc xe lội nước là điều mà anh Trần Ngọc Trí luôn muốn hướng đến

Để làm được xe, anh Trí phải đi khắp nơi tìm vật liệu. Lúc thì Vũng Tàu, Đồng Nai…, thậm chí xuống cả miền Tây nhiều ngày liền. Chuyện tìm nguyên liệu chế tạo xe của anh khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Chẳng hạn như lần anh cần thanh sắt để làm sườn xe đã trở thành chuyện có một không hai trong mắt nhiều người.

Do tìm khắp nơi không có vật liệu như mong muốn nên anh xuống tận nhà máy ở Vũng Tàu chỉ để đặt họ làm… một cây sắt theo đúng tiêu chuẩn của mình. Ban đầu, họ không chịu vì số lượng ít nên anh phải năn nỉ nhiều lần. Thấy anh tâm huyết quá nên họ cũng bằng lòng sản xuất giúp anh với giá thành khá cao.

Có sắt rồi, không thể một mình chở về, anh mới gọi xe ba gác lại chở. Ban đầu, người chở thuê cười và tỏ ý không tin bảo: "Nè, ông đừng nói đùa tôi nha, từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ thấy có ai từ Bình Dương lên đến Vũng Tàu chỉ để đặt một cây sắt rồi chở về với đoạn đường xa tít đó".

Hay lần làm khuôn xe cũng vấp đầy những trắc trở, vì nó liên quan đến lĩnh vực hóa học mà anh chưa từng biết. Vậy là anh lại phải tự nghiên cứu, mày mò. Nghe nói ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chế ra được vật liệu từ composite thay thế cho gỗ, nên anh vượt đường xa hàng trăm cây số để đến tìm hiểu cách pha chế hóa chất.

Anh kể: "Tôi nghe nhiều người nói ở miền Tây đã chế tạo tàu từ composite, thay cho gỗ nên tôi về đó tìm hiểu cách người ta thực hiện. Hỏi người này một ít, người kia một ít rồi tôi kết hợp lại để làm. Thay vì mướn nhân công chế tạo sẽ lên đến cả trăm triệu đồng, tôi đã chế ra phần khuôn với giá chỉ 40 triệu mà không phải tốn thêm chi phí vận chuyển từ thành phố về đến Bình Dương".

Những ngày làm xe hơi lội nước, nhiều người thường bắt gặp anh Trí ở những cửa hàng xe hơi cũ tìm phụ liệu. Nhiều khi lấy về rất nhiều phụ liệu, nhưng chỉ dùng được một vài bộ phận, những phần còn lại đều bỏ đi. Như có lần, anh mua bánh xe về chỉ lấy được cái bánh, khi về phải chế lại mâm xe.

Anh Trí nói đùa: "Cái gì nó cũng hơn người ta, nhìn vậy thôi, chứ nó phức tạp gấp bốn lần xe hơi thông thường". Với chức năng đa công dụng ấy, nguyên liệu mà anh Trí mua về cũng khá nhiều. Anh phải dùng đến ba nhà kho chứa dụng cụ. Ngoài ra, anh còn lập ra một nhà xưởng che chắn cẩn thận cho xe. Lo cho chiếc xe chu đáo đến nỗi quên cả tiền dành để xây nhà. Để rồi khi mùa mưa đến, nhà anh mưa ngập lênh láng chỉ có nhà xe là được an toàn".

Anh Trần Ngọc Trí

Chưa thể hoàn thiện vì thiếu kinh phí

Trên thế giới, để làm được một chiếc xe hơi là sự kết hợp của rất nhiều kỹ sư với các lĩnh vực khác nhau như điện lạnh, điện cơ khí, điện công nghiệp, điện xe hơi, điện tử, cơ khí, hóa học… Nhưng riêng Trần Ngọc Trí lại tích hợp nhiều thứ trong một. Có lẽ trên đời này chỉ riêng anh tự làm ra xe mà không có cộng sự giúp đỡ. Chế tạo xe đòi hỏi nhiều bộ óc trí tuệ  và trình độ lên đến hàng siêu đẳng. Nhưng một điều khá ngạc nhiên về người chế tạo chiếc xe hơi lội nước khi anh chỉ học đến lớp 12.

Anh Trí kể: "Ngày đó, khi đất nước mới lập lại hòa bình, chúng tôi khá khó khăn trong chuyện học hành. Thời đó, học đến lớp 12 cũng là mừng lắm rồi. Sau này, muốn biết kiến thức gì, tôi tìm sách vở đọc qua vài lần để áp dụng".

Anh chia sẻ: "Tôi chỉ sợ không có tiền để làm thôi, chứ khó khăn gì mình đều cố gắng để vượt qua. Cũng có nhiều lúc bí không nghĩ ra được, nhưng suy nghĩ hoài rồi cũng sẽ ra". Sản xuất ra một chiếc xe không chỉ lao tâm, lao lực mà nó cũng tiềm tàng những nguy hiểm không lường trước được. Anh kể: "Ngày trước, khi mò mẫm ngồi mài các chi tiết trên xe, tôi thường xuyên gặp tai nạn.

Thời đó, hàn điện còn sơ sài nên khá nguy hiểm cho người sử dụng. Có những lần không cẩn thận, tôi đụng vào thiết bị nên bị điện giật hoài. Hay những lúc khi ngồi mài thì bị đá văng trúng ngực thở không nổi ngã quỵ xuống đất. Cũng may, vợ ra thấy tôi nằm bất động nên chạy đi kêu người tới đưa tôi vào nhà".

Rồi anh vui vẻ kể thêm: "Biết tôi mê làm xe quá vợ tôi bảo sẽ mua cho tôi chiếc xe hơi với điều kiện tôi phải bỏ chiếc xe đang làm dở dang. Nghe vợ nói nên tôi đùa rằng sẽ tháo chiếc xe mới lấy động cơ bỏ vào chiếc xe này thì vợ tôi không đồng ý. Tôi chỉ đùa vậy với cô ấy để cô ấy bỏ ý định và cho tôi làm tiếp mà thôi. Với lại nếu làm vậy thì không ra chiếc xe lội nước do tôi thiết kế".

"Để làm xe tôi bỏ hết công ăn việc làm. Việc nuôi gia đình phải nhờ vào bà xã. Cũng may nhà có quán cà phê nên cuộc sống cũng đỡ vất vả. Khoảng thời gian làm xe ngày nào tôi cũng thức khuya, có khi thức đến 1 - 2h đêm mà còn chưa ăn cơm, chưa tắm rửa vì suốt ngày mải mê với xe. Nhiều đêm không ngủ được vì trăn trở cách làm, suy nghĩ nhiều như thế nên mệt lả người thì bỗng nghĩ ra được cách làm vậy là tôi bật dậy để vẽ bản vẽ, vì sợ để lâu sẽ quên đi tất cả. Làm xong mệt mỏi quá tôi lại ngủ thiếp đi bên cạnh chiếc xe của mình".

Dù rất tâm huyết với chiếc xe lội nước nhưng anh Trần Ngọc Trí cũng phải dừng lại khi xe hoàn thành xong đến 70% vì một lý do hết sức đáng tiếc: Hết kinh phí.

Tuy  nhiên, hết kinh phí không có nghĩa là chấm dứt niềm đam mê. Nghĩ thế nên anh Trí quyết định lấy ngắn nuôi dài. Chỉ trong vòng sáu tháng, anh đã chế tạo ra thiết bị chống trộm đặc biệt cho xe máy rất độc đáo. Anh chia sẻ: "Khi trộm dùng chìa khóa vạn năng để lấy xe chạy chỉ cần bấm nút đề, xe sẽ chuyển qua nút kèn và báo vang lên inh ỏi.

Ngay lập tức, bánh xe bị khóa lại trộm không thể nào chạy được. Lúc này, xe sẽ báo vào điện thoại cho chủ nhân biết có trộm. Thêm một chức năng nữa là qua điện thoại, người chủ có thể giải mã để chiếc xe chạy như bình thường".         

Theo Hợp Phố
Nguoiduatin.vn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.