Facebook "khuynh đảo" thị trường 140 tỷ USD ra sao?

Chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi, Facebook đã khiến cả ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu với quy mô 141 tỷ USD phải điêu đứng.

Chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi, Facebook đã khiến cả ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu với quy mô 141 tỷ USD phải điêu đứng.

Facebook

Dự án Open Compute Project (OCP) của Facebook đã khiến cho các hãng tham gia thị trường này phải học theo mô hình của Android và phần mềm: Miễn phí hóa và nguồn mở hóa phần mềm. Điều này có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể xem, sử dụng hoặc chỉnh sửa thiết kế của những cỗ máy tính siêu đắt đỏ mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vẫn dùng để vận hành hoạt động của họ - hoàn toàn miễn phí.

Trong lĩnh vực phần mềm, nguồn mở đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự, làm thay đổi hoàn toàn địa hạt này. Nó đã sản sinh ra Linux, hệ điều hành của hầu hết các trung tâm dữ liệu trên thế giới, cùng với Android, nền tảng smartphone đông người dùng nhất hiện nay. Cùng với đó, những đế chế từng một thời vô cùng quyền lực như Microsoft, Nokia và BlackBerry đều trở nên lao đao. Microsoft kịp thích ứng với mô hình đám mây mới, nhưng Nokia và Blackberry thì không được may mắn như vậy. Một hãng đã bị Microsoft mua lại, trong khi hãng còn lại vẫn loay hoay chưa biết đi đâu về đâu.

Kể từ khi triển khai vào năm 2011, OCP đã giúp Facebook tiết kiệm được 2 tỷ USD, cắt giảm hóa đơn tiền điện của các trung tâm dữ liệu tới 20%, lôi kéo được Microsoft tham gia hội đồng thành viên (đồng nghĩa với việc Microsoft đang sử dụng phần mềm OCP bên trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ của hãng).... OCP cũng đe dọa cả những hãng phần cứng có thâm niên hàng chục năm như Cisco, HP...

Mọi chuyện bắt đầu với trung tâm dữ liệu của Facebook. Tại thời điểm 2011, mỗi trung tâm dữ liệu giống như một nhà kho khổng lồ, nơi cất hàng ngàn, hàng ngàn máy chủ, cùng với vô số giá, công tắc, dây dẫn kết nối.... Chúng bị chỉ trích là một trong những nơi "bẩn nhất", thải ra nhiều khí carbon nhất của ngành công nghiệp công nghệ.

Hầu hết các công ty nhỏ thuê đặt máy chủ của mình ở các trung tâm dữ liệu sẵn có, riêng các đại gia như Google, Microsoft, Apple, Amazon... thì tự xây trung tâm dữ liệu riêng. Năm đó, Facebook cũng quyết định tự xây trung tâm dữ liệu ở Oregon nhưng sẽ áp dụng những công nghệ tối tân nhất để tiết kiệm điện năng.

Jonathan Heiliger là người đứng đầu nhóm hạ tầng của Facebook khi ấy. Ông đã có màn tranh cãi kịch liệt trước Tổng giám đốc Mark Zuckerberg khi khẳng định công nghệ, nhất là phần mềm, không phải lợi thế cạnh tranh của Facebook. "Nguồn mở mới chính là giá trị cốt lõi của Facebook", Heiliger nhớ lại.

Các kỹ sư phần cứng, không cần biết họ làm việc cho ai, đều có thể cộng tác khi phần cứng được nguồn mở hóa. Các ý tưởng sẽ nảy nở. Công nghệ mới được phát minh ra nhanh hơn. Các bài toán khó được giải nhanh hơn. Kết quả sẽ được chia đều cho tất cả những ai tham gia. Mô hình này ngược 180 độ so với văn hóa sáng chế độc quyền, kiện tụng và bí mật thương mại đã thống trị ngành công nghiệp từ hàng chục năm nay. Nhưng do Facebook không sản xuất và kinh doanh phần cứng, nguồn mở hóa không đe dọa gì đến hãng cả, Heiliger giải thích.

Zuck tỏ ra hứng thú với ý tưởng này và bật đèn xanh cho Heiliger triển khai. Ngay lập tức, Heiliger đã có nhiều nước đi thông minh như lôi kéo Frank Frankovsky từ Dell về để giúp Facebook phát minh phần cứng cũng như dẫn dắt OCP. Frankovsky nhanh chóng trở thành gương mặt đại diện và người có ảnh hưởng lớn nhất đối với dự án này.

Tiếp đến, Heiliger thuyết phục được Intel, một đại gia kỳ cựu với cực kỳ nhiều kinh nghiệm về nguồn mở, gia nhập cuộc chơi. Đội luật sư của Intel xây dựng khung pháp lý cho OCP để tất cả các công ty có thể chia sẻ công nghệ với nhau mà không phải lo về việc sẽ buộc phải chia sẻ cả những bí mật kinh doanh khác. Sau khi bộ khung được hoàn thành, Intel cũng trở thành thành viên sáng lập của OCP.

Bước kế tiếp, Heiliger mời Don Duet của Goldman Sachs nhập cuộc. Giờ đây, Goldman đã cam kết 80% máy chủ mà hãng sử dụng sẽ là OCP. 20% còn lại dành cho các máy chủ thương mại thông thường mà thôi.

Nhưng có lẽ khoảnh khắc đáng nhớ nhất của OCP là cách đây vài tuần, vào ngày 10/3/2015. Đấy là khi người đứng đầu mảng kinh doanh máy chủ và thiết bị mạng của HP - Antonio Neri xuất hiện trên sân khấu và tuyên bố, HP đã đồng ý trở thành nhà thầu cho OCP và sẽ tung ra một dòng máy chủ OCP mới. HP sẽ hợp tác cùng Foxconn trong dự án này. Cả HP và Dell đều đã theo dõi và ít nhiều liên quan đến OCP trong 4 năm qua, nhưng thực tế mà nói, họ chưa bao giờ thực sự gắn kết với dự án này một cách toàn tâm toàn ý.

Vấn đề lớn nhất của HP và Dell chính là tạo ra những cỗ máy chủ tùy biến, hoặc tuân theo những thiết kế mà họ không có quyền kiểm soát, hoàn toàn đi ngược với hệ thống chuỗi cung ứng truyền thống của họ. Rất khó để đặt hàng các linh kiện với số lượng lớn nếu như bạn không toàn quyền kiểm soát thiết kế. Nhưng cuối cùng, HP cũng tìm ra giải pháp: bắt tay cùng Foxconn, chuỗi nhà máy đang sản xuất iPhone cùng nhiều thiết bị công nghệ ăn khách khác.

Heiliger hy vọng sau HP, đến lượt Cisco cũng sẽ gia nhập cuộc chơi phần cứng nguồn mở này. Khi ấy, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu sẽ thực sự lột xác. "Nguồn mở luôn chiến thắng, miễn là bạn làm đúng cách. Đó là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược", ông dự đoán.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.