Giải mã nguyên nhân game “Bắt chữ” dần dần hạ nhiệt

Nửa đầu năm 2014, làng game di động Việt Nam liên tiếp nhận được tin vui từ những cái tên như Flappy Bird hay Bắt chữ.

Nửa đầu năm 2014, làng game di động Việt Nam liên tiếp nhận được tin vui từ những cái tên như Flappy Bird hay Bắt chữ.

Tiếp tục đi theo xu hướng đồ họa, cách chơi đơn giản nhưng mang tính thách thức cao ở độ khó, trong vòng một tháng trở lại đây, cộng đồng người dùng các thiết bị di động ở Việt Nam đang tỏ ra khá hào hứng với một tựa game mang tên "Bắt chữ". Theo đó, bạn có thể hiểu đơn giản tựa game này có cách chơi “na ná” gameshow “Đuổi hình bắt chữ” trong đó người chơi sẽ nhìn vào hình ảnh cho sẵn cùng một số chữ cái gợi ý để tạo ra từ hoặc cụm từ có ý nghĩa liên quan.

Giao diện và cách chơi của “Bắt chữ” có phần nào tương tự trò chơi “4 Pics 1 Word” cũng từng “làm mưa làm gió” với hơn 100 triệu lượt người chơi trên toàn thế giới.

Dẫu vậy, cũng không thể phủ nhận rằng “Bắt chữ” đang dần dần hạ nhiệt trong cộng đồng người chơi.

1. Hấp dẫn đến mức... mất thời gian

“Bắt chữ” phiên bản dành cho hệ điều hành Android nhận được tới 55,718 lượt đánh giá từ người chơi cùng số điểm cao cho một ứng dụng phổ biến (4,3).

Với cách chơi đơn giản cùng tính kích thích cao, nhiều người thừa nhận “Bắt chữ” rất gây nghiện và đây là một trong những lý do không ít người dùng di động ngần ngại giữ trò chơi này trong máy để tránh mất tập trung. Q.Giao (21 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại Thương) chia sẻ: “Được bạn bè giới thiệu Bắt chữ, mình cũng có thử trò chơi này nhưng đã xóa sau khi đã "nướng" nguyên cả buổi tối cho nó. Dù sao đi nữa, mình cảm thấy rất vui khi một trò chơi của Việt Nam được người Việt đón nhận nhiều đến vậy.”

2. Đáp án tràn lan trên Internet

Đáp án được cập nhật thường xuyên.

Chỉ bằng từ khóa tìm kiếm đơn giản “đáp án game bắt chữ” trên Google, người dùng đã nhận được tới 1.160.000 kết quả có liên quan. Thực tế này đã làm độ hấp dẫn của game khó được như ban đầu do người dùng không còn phải “vắt óc” để tìm ra một từ có ý nghĩa. Trên thực tế, đây không phải vấn đề mà chỉ riêng “Bắt chữ” gặp phải. Như đã nhắc đến bên trên, vấn đề đáp án được công bố quá nhiều cũng là những gì trò chơi “4 Pics 1 Word” từng gặp phải và là một trong lý do tựa game này giảm độ nóng.

Dẫu vậy, theo chia sẻ của tác giả “Bắt chữ”, nhóm phát triển đang tích cực đảo vị trí các câu hỏi để hạn chế tình trạng biết trước đáp án nêu trên. Hiện nay các câu hỏi trong “Bắt chữ” đã bắt đầu lệch với các đáp án được công bố trước đó.

3. Nhiều đáp án chưa thực sự ổn

Không ít tựa games “ăn theo” phong cách này ồ ạt xuất hiện.

Theo ghi nhận trong một số nhóm (Group) chia sẻ đáp án “Bắt chữ” trên Facebook, khá nhiều người phản hồi về việc nhiều đáp án trong "Bắt chữ" chưa thực sự hợp lý và đủ sức thuyết phục. Điều này làm ảnh hưởng không ít đến tâm lý của người chơi. Minh Hoàng, một người chơi "Bắt chữ" chia sẻ trên Google Play: “Hình ảnh nhiều khi nhìn không rõ con gì, như câu gấu ngựa nhìn con ngựa cứ tưởng con lừa”.

Một người chơi khác đề xuất “thêm phần giải thích cho mỗi câu hỏi” bởi có không ít câu theo người chơi này thiếu tính logic. Người chơi này cũng cho biết thêm cũng nhờ có đáp án được đăng tải trên Internet mới vượt qua được những câu như thế.

Hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều hơn những “Flappy Bird” hay “Bắt chữ” để sân chơi games - ứng dụng trong nước sẽ thực sự “cất cánh” trong thời đại “di động hóa”.

Nhìn chung, thị trường games - ứng dụng di động của Việt Nam đã được đón nhận liên tiếp những tin vui nửa đầu năm 2014. Nếu như hồi đầu năm, Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông vụt sáng trở thành một hiện tượng toàn cầu thì tới nay “Bắt chữ” cũng trở thành một minh chứng cho việc người dùng Việt sẵn sàng đón nhận nồng nhiệt những trò chơi có nội dung hay, hấp dẫn đến từ các nhà lập trình trong nước. Được biết, tới nay “Bắt chữ” đã nhận được khoảng 3 triệu lượt tải về, một con số ấn tượng cho một dòng game chỉ phát triển riêng cho thị trường nội địa.

Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.